Nhìn gương mặt chằng chịt những vết loang lổ của một người phụ nữ ở Myanmar, phần đông sẽ nghĩ đến một vụ bạo hành nào đấy, nhưng câu chuyện đằng sau lại kinh hoàng hơn thế nhiều.
Cô Shara Jahan (40 tuổi) ở Myanmar đang ở trong nhà khi bạo động nổ ra. Quân đội Myanmar và một nhóm Phật tử xuống phố rồi nổ súng vào tất cả mọi người, gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ nhỏ.
Họ châm lửa đốt ngôi nhà của Shara trong khi cô vẫn đang ở trong đó. Chồng và một trong những người con trai của cô đã bị bắn chết.

Cô kể lại với phóng viên của Tổ chức Ân xá Quốc tế về cái ngày kinh hoàng ấy: “Mọi thứ đổ ập xuống, tôi bị thiêu cháy, lửa ở khắp nơi trên người tôi”.
Nhưng cô vẫn kịp chạy ra ngoài, nhảy xuống một con sông gần đó.

Tuy nhiên, cô không thể ở lại quê hương mình thêm ngày nào nữa. Mọi thứ đã quá hỗn loạn. Nếu còn tiếp tục ở lại, cô chắc chắn sẽ chết.
Vì thế, cô bắt đầu cuộc di cư 10 ngày tới Bangladesh để chạy trốn bạo động mà vẫn chưa được điều trị chút nào. Những vết bỏng và đau đớn hành hạ cô. Nhưng may mắn là cô vẫn sống sót để kể lại câu chuyện của mình.
Mọi chuyện bắt đầu từ ngày 27/8, chính phủ Myanmar phát động một cuộc tàn sát trên quy mô lớn nhắm vào những người Hồi giáo Rohingya.
Một trong những người sống sót kể lại rằng, hai cháu trai của anh mới chỉ 6 và 9 tuổi đều bị chặt đầu, chị dâu anh bị bắn chết.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Myanmar vì những hành động bạo lực nhắm vào người Hồi giáo Rohingya. Ông cho rằng quân đội nước này phải chịu trách nhiệm vì những tổn thất đã gây ra.
Tuần tới, ông Tillerson sẽ có chuyên thăm Nam Á. Ông kêu gọi chính quyền Myanmar hãy hàn gắn mối quan hệ với cộng đồng người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine.
Hiện khu vực bang Rakhine đã bị phong tỏa.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng buộc tội quân đội Myanmar vì giết hại hàng trăm đàn ông, phụ nữ và trẻ nhỏ trong chiến dịch thanh trừng có tổ chức nhằm đuổi những người Hồi giáo Rohingya ra khỏi khu vực nước này.
Từ cuối tháng 8 đến nay, đã có hơn 580.000 tị nạn Rohingya phải chạy trốn sang nước láng giềng Bangladesh. Những người bị buộc phải ra đi luôn mang theo những câu chuyện kinh hoàng về cưỡng bức và tàn sát.
Người Rohingya đã sinh sống tại bang Rakhine, phía tây Myanmar trong nhiều thế kỷ qua. Nhưng hàng chục năm trở lại đây, hàng trăm nghìn người Rohingya phải tháo chạy sang nước láng giềng Bangladesh để lẩn trốn điều mà Liên Hợp Quốc gọi là “một ví dụ kinh điển về thanh lọc sắc tộc”.
Cho tới khi nổ ra tình trạng bạo lực mới đây, ở Rakhine, bang nghèo nhất Myanmar, có khoảng 1 triệu người Rohingya sinh sống. Đa phần đều bị hạn chế gắt gao về việc đi lại và bị giới chức từ chối cấp quốc tịch.