Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024
Trang chủNông NghiệpKịch bản xuất khẩu cà phê năm 2018

Kịch bản xuất khẩu cà phê năm 2018

Đối với mặt hàng cà phê, 2017 là năm nửa buồn, nửa vui và tiếc rẻ. Buồn là bởi chúng ta bị mất mùa, còn vui và tiếc rẻ là bởi đây là mặt hàng tăng giá rất lớn. Năm 2018, rất có thể kịch bản sẽ ngược lại: chúng ta sẽ được mùa, nhưng giá xuất khẩu lại giảm, cho nên cũng không thể vui trọn vẹn.
Tổng nguồn cung cà phê trên thị trường thế giới trong năm 2018 hầu như không thay đổi so với năm 2017. Ảnh: Internet
Hai nửa bức tranh tương phản trong năm 2017
Các số liệu thống kê hải quan nước ta cho thấy tổng khối lượng cà phê xuất khẩu trong 11 tháng qua chỉ đạt 1,28 triệu tấn, giảm tới 21,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng kim ngạch xuất khẩu lại đạt 2,92 tỉ đô la Mỹ, chỉ giảm nhẹ 2,8%.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong 11 tháng đầu năm 2017 đạt 2.279 đô la Mỹ/tấn, tăng vọt tới 23,8% so với cùng kỳ năm 2016 và đây cũng là mức giá kỷ lục của nước ta trong hơn 20 năm trở lại đây.
Thế nhưng Brazil, quốc gia hàng năm chiếm tới 25-30% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu của thế giới, lại ở trong tình trạng gần như ngược lại.
Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, từ mức đỉnh 3.036 đô la Mỹ/tấn vào tháng 12-2016, giá cà phê xuất khẩu của nước này hầu như liên tục giảm, đến tháng 9 vừa qua chỉ còn 2.765 đô la Mỹ/tấn.
Do vậy, khoảng cách về giá xuất khẩu của nước ta so với của Brazil đã được rút ngắn đáng kể.
Cụ thể, nếu tính chung, thay vì chỉ bằng 71% trong cùng kỳ năm 2016, giá xuất khẩu bình quân chín tháng đầu năm nay của nước ta đã vươn lên bằng 80,3% của Brazil. Đây là mức giá tốt nhất chúng ta đạt được từ trước tới nay.
“Phép mầu” nào đã đẩy giá cà phê của chúng ta lên, đồng thời ép giá cà phê của Brazil xuống như vậy?
Theo số liệu thống kê và ước tính của USDA, tổng sản lượng cà phê thế giới trong năm 2017 là 9,63 triệu tấn, tăng 443.000 tấn, tương đương 4,8% so với năm 2016, đạt kỷ lục chưa từng có. Thế nhưng, điều oái oăm là trong khi cà phê chè (arabica) được mùa lớn (với 6,05 triệu tấn, thì cà phê vối (robusta) lại mất mùa nặng (3,58 triệu tấn, giảm 414.000 tấn).
Trong “rổ cà phê” khổng lồ của Brazil, cà phê arabica chiếm hơn ba phần tư, còn trong “rổ cà phê” khiêm tốn hơn nhiều của nước ta, cà phê robusta lại chiếm tỷ trọng 96%. Chính Brazil và chúng ta là tác nhân chủ yếu, hoặc ít nhất cũng là tác nhân quan trọng, gây ra tình trạng thừa và thiếu nói trên.
Giá cà phê xuất khẩu năm 2018: Phiên bản ngược 2017?
Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, do được mùa quá lớn, tỷ trọng của cà phê đắt giá arabica trên thị trường thế giới trong năm 2017 tăng đột biến từ 57,5% trong năm trước đó lên 62,8%, và ngược lại, do mất mùa lớn, tỷ trọng cà phê robusta giá rẻ trong cùng kỳ giảm đột biến từ 42,5% xuống chỉ còn 37,2%, cho nên đã kéo và đẩy giá hai loại cà phê này ngược chiều nhau.
Như vậy, rất có thể giá cà phê thế giới năm 2018 sẽ diễn ra theo chiều hướng ngược lại so với năm 2017.
Trước hết, theo dự báo, hiện tượng thời tiết bất thường La Niña tại vành đai Thái Bình Dương có nhiều khả năng sẽ tác động mạnh đến nhiều nền nông nghiệp chủ yếu của thế giới, gây tác động dây chuyền đến thị trường nông sản, trong đó mặt hàng cà phê cũng không thể là ngoại lệ.
Dự báo cách đây ít ngày của USDA cho thấy, thay vì tăng vọt (570.000 tấn) như trong năm 2017, sản lượng tại “vựa cà phê arabica của thế giới” Brazil năm 2018 sẽ giảm rất mạnh (giảm hơn 400.000 tấn).
Trong khi đó, thay vì giảm mạnh (134.000 tấn) như trong năm 2017, sản lượng tại “vựa cà phê robusta của thế giới” Việt Nam năm 2018 sẽ tăng rất mạnh (180.000 tấn). Không những vậy, sản lượng cà phê robusta của ba quốc gia sản xuất loại cà phê này là Brazil, Indonesia và Ấn Độ cũng sẽ tăng khá mạnh (165.000 tấn)…
Tất cả những điều nói trên có nghĩa là tổng nguồn cung cà phê trên thị trường thế giới trong năm 2018 hầu như không thay đổi so với năm 2017 và cơ cấu của hai mặt hàng cà phê nguyên liệu này sẽ trở nên cân bằng gần như “thông lệ” của thị trường cà phê trong những năm gần đây (cà phê arabica chiếm 58,8% và cà phê robusta chiếm 41,2%).
Trong điều kiện cán cân cung – cầu như vậy, có lẽ không có lý do gì để duy trì tương quan giá cà phê arabica và robusta không như “thông lệ” của thị trường cà phê thế giới trong năm 2017. Rất có thể đây cũng là lý do, nếu không phải là duy nhất thì cũng là lý do chủ yếu, khiến Ngân hàng Thế giới trong tháng 10 vừa qua dự đoán rằng, giá cà phê robusta sẽ liên tiếp giảm 0,9% trong ba năm tới, còn giá cà phê arabica thì phải đến năm 2019 mới nhúc nhích tăng.
Nguyễn Đình Bích (thesaigontimes.vn)

Trang chủ » 03. Thị trường cà phê » Kịch bản xuất khẩu cà phê năm 2018

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới