Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, 2024
Trang chủThời SựKiểm toán để người dân tin hơn vào tính minh bạch của...

Kiểm toán để người dân tin hơn vào tính minh bạch của giá điện

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành khẳng định EVN vẫn làm đúng theo lộ trình Thủ tướng chỉ đạo về tăng giá điện.

Trả lời báo giới bên hàng lang Quốc hội chiều 22/5, Chủ tịch EVN Dương Quang Thành cho biết, trước kỳ họp Quốc hội lần này, ông đã yêu cầu ngành điện lực giải thích rõ cho các đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời đưa ra bảng tính toán cụ thể để đại biểu hiểu hơn về so sánh giá điện trước và sau tăng, giảm.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành trả lời báo giới bên hành lang Quốc hội

Xung quanh đề xuất của một số đại biểu về việc gộp các bậc thang tính điện, ông Thành cho rằng vấn đề này cần nghiên cứu từ cơ cơ sở thực tế, hạch toán.

Cũng theo Chủ tịch EVN, ông đã yêu cầu tổng hợp các khách hàng, số lượng khách hàng, tỷ lệ khách hàng, giá trị, từ đó tính toán để cân đối cụ thể.

Liên quan tới thực trạng các đại biểu Quốc hội và người dân nhiều năm qua vẫn đặt nghi vấn về tính minh bạch của giá điện, ông Thành khẳng định việc tăng giá điện là minh bạch. “Tất cả các thông tin, thông số như tăng bao nhiêu, số lần tăng, các cuộc họp về điều hành giá đã được cung cấp đầy đủ và rõ ràng trong báo cáo của Chính phủ“.

Người đứng đầu EVN nhấn mạnh thêm, EVN vẫn làm đúng theo lộ trình Thủ tướng chỉ đạo về tăng giá điện.

Trước đó, tại buổi thảo luận tổ kinh tế – xã hội sáng 22/5 của Quốc hội, việc tăng giá điện cũng được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận. Bà Lê Thu Hà – Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại đặt vấn đề, liệu thực tế giá điện có phải tăng 8,36% như công bố hay không và có lẽ nên để Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện cũng như kinh doanh điện.

Ông Thành nêu rõ, việc tính toán tăng giá như thế nào, mức độ phần trăm mà EVN đưa ra hoàn toàn chính xác. “So sánh trước khi tăng giá và sau khi tăng giá với từng bậc thang một đưa ra chính xác, đồng thời, đều tăng từ 8,3 – 8,4%”, ông Thành thông tin.

Về việc Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán báo cáo tài chính của EVN cũng như việc điều hành giá điện, ông Thành nói: EVN rất hoan nghênh bởi “kiểm toán vào cũng là một việc tốt để người dân tin hơn vào tính minh bạch của giá điện”.

Cũng tại phiên thảo luận tổ, ông Thành cho biết, trong báo cáo Chính phủ cũng đã nêu rất rõ, giá điện tăng do tăng chi phí của các yếu tố đầu vào, như giá than tăng.

Theo ông Thành, 20.000 tỷ đồng tăng thêm do chi phí đầu vào tăng thì bắt buộc phải điều chỉnh giá điện để bù đắp. “Toàn bộ điều chỉnh giá điện lên 8,36% chỉ đủ bù đắp cho 20.000 tỷ đồng chi phí thiếu hụt”, ông Thành nói.

Ông Thành chia sẻ, hiện EVN có nhiệm vụ mua điện, sản xuất, truyền tải và phân phối điện cho người tiêu dùng. Tỷ lệ mua điện của EVN hiện nay là 77%, còn sản xuất, phân phối, truyền tải chiếm trong giá thành chỉ có 23%. Việc mua điện tăng lên, chi phí tăng lên thì bắt buộc phải điều chỉnh để bù đắp lại các chi phí. Từ đó EVN mới có tiền mua than, mua dầu, mua điện để cung cấp cho dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá điện cũng đã được Thủ tướng nêu trong các báo cáo và đã được tính toán từ năm 2018, trước khi tăng giá điện, Bộ Công Thương cũng đã họp và báo cáo đầy đủ. Từ đó việc công khai minh bạch việc tăng giá điện đã được Chính phủ, Bộ Công Thương thực hiện theo quy định.

Lan Anh – Hoàng Châu

Theo Congthuong.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới