Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024
Trang chủDu Lịch Gia laiKinh nghiệm du lịch khám phá tại Gia Lai

Kinh nghiệm du lịch khám phá tại Gia Lai

Sự việc anh Thi An Kiện (sinh năm 1994) thiệt mạng ở Tà Năng-Phan Dũng- cung đường đi bộ được mệnh danh là đẹp nhất Việt Nam cho thấy mức độ nguy hiểm của loại hình du lịch khám phá thiên nhiên. Ở Gia Lai, loại hình này đang thu hút giới trẻ với các tuyến đi bộ vào thác 50, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng hay chinh phục đỉnh núi Chư Nâm- được mệnh danh là nóc nhà phía Tây của tỉnh. Vậy cần thiết phải trang bị khi lựa chọn loại hình du lịch này.

Khám phá thiên nhiên thu hút giới trẻ

Gia Lai hiện được đánh giá có nhiều cung đi bộ rất hấp dẫn, không chỉ thu hút các bạn trẻ trong tỉnh mà cả bạn trẻ khắp cả nước. Từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều nhóm chọn điểm đến là các ghềnh thác, rừng núi có địa hình hiểm trở như: khám phá thác 50- nằm sâu trong lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, cung đi bộ vào Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh hay chinh phục đỉnh núi Chư Nâm “để thấy đường chân trời”… Nhiều người ví du lịch khám phá là một cuộc “hành xác” bởi thời gian đi bộ khá dài, trên nhiều địa hình khác nhau vô cùng vất vả, chưa kể những nguy hiểm rình rập trên đường. Nhưng “càng khó thì càng kích thích” như chia sẻ của một bạn trẻ yêu thích loại hình du lịch này. Tuy nhiên, đa số các nhóm đi tự túc mà không thuê người dẫn đường, đó là điều hết sức mạo hiểm.

Du lịch khám phá, trải nghiệm thiên nhiên tại Gia Lai hiện đang thu hút giới trẻ. Ảnh: H.N
Du lịch khám phá, trải nghiệm thiên nhiên tại Gia Lai hiện đang thu hút giới trẻ. Ảnh: H.N

Anh Trần Văn Tuấn-Trưởng nhóm Phượt Chư Sê, người thường xuyên tổ chức những cuộc “phiêu lưu cùng thiên nhiên” cho các thành viên trong nhóm chia sẻ: “Tôi tổ chức cho anh em nhóm phượt thường là những cung tương đối an toàn và đã nắm khá rõ địa hình. Tôi không bao giờ nhận các thành viên không quen biết hoặc chưa đi rừng, đi núi bao giờ. Khi di chuyển trong rừng không có sóng nên yêu cầu các thành viên trang bị 1 cái còi làm ám hiệu. Chỉ cần không thấy bóng dáng người dẫn đầu hoặc chốt đoàn là thổi còi ngay để mọi người di chuyển chậm lại chờ nhau, tuyệt đối các thành viên phải thấy nhau mới di chuyển tiếp. Đối với các nhóm bạn trẻ muốn khám phá thiên nhiên, tôi khuyên thật lòng là nên thuê người dẫn đường, đó là người địa phương am hiểu địa hình hoặc người chuyên tổ chức các tour đi bộ chuyên nghiệp. Ngay cả khi có người dẫn đường, các bạn cũng cần trang bị đồ đi rừng, đồ sinh tồn cho riêng mình chứ không được phụ thuộc quá nhiều vào người dẫn đường”.

Anh Nguyễn Thanh Trung- người tiên phong mở các tour du lịch khám phá tại Gia Lai cho biết, hiện nay đa số các bạn trẻ thường đi theo cảm hứng mà không lường hết nguy hiểm trên đường. Từng dẫn nhiều đoàn khách đi Tà Năng-Phan Dũng cũng như các cung đi bộ ở Gia Lai, anh Trung so sánh: “Tổng hành trình của cung Tà Năng-Phan Dũng là 55 km thì hành trình vào thác 50 cũng là 44 km, nhưng về độ khó của cung đường thì vào thác 50 khó hơn nhiều. Vì vậy, cung đi bộ đẹp nhất Việt Nam có người tử nạn thì vào thác 50 cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nếu các bạn chủ quan, quá tự tin vào bản thân và mạo hiểm không đúng chỗ. Ngay bản thân tôi là một leader chuyên nghiệp cũng luôn tỉnh táo để quyết định cung đường cho khách một cách hợp lý. Đừng đánh đổi mạng sống của mình bằng những lời rủ rê hay đi theo phong trào, đi để chứng tỏ bản thân, để có những tấm ảnh đẹp “khoe” trên mạng xã hội để nhận những lời khen ngợi, ngưỡng mộ từ bạn bè. Bản thân tôi nhiều khi còn run tay, run chân trước những địa hình khảo sát để hình thành các tour, tuyến huống hồ những bạn trẻ ít kinh nghiệm. Ví dụ như thác 50 tôi dẫn đoàn đi đến lần thứ 5 mà vẫn còn bị lỗi, bản thân phải rút kinh nghiệm”.

Kinh nghiệm lạc rừng

Ảnh: H.N
Ảnh: H.N

Anh Phan Công Nam (huyện Đak Đoa), quản trị trang “Thắng cảnh Gia Lai”- chuyên trang giới thiệu các điểm du lịch địa phương với hàng ngàn lượt người yêu thích, theo dõi. Để có thể giới thiệu các thắng cảnh ở Gia Lai, anh đã đi rất nhiều, khám phá nhiều ghềnh, thác, núi cao nằm sâu trong những cánh rừng ở các địa phương trong tỉnh. Có vô số kinh nghiệm “bỏ túi” trong quá trình mạo hiểm khám phá những nơi chưa từng có người đặt chân tới hoặc những thắng cảnh nằm ở địa hình hiểm trở, anh Nam cảnh báo: “Các bạn trẻ khi chọn hình thức khám phá thiên nhiên tuyệt đối không được chủ quan cho dù kỹ năng sinh tồn có tốt đến đâu. Bởi địa hình rừng núi không nơi nào giống nơi nào. Quá tự tin vào bản thân sẽ phải trả giá bằng cả mạng sống. Dù là người bản địa Gia Lai và có nhiều kinh nghiệm khám phá các điểm đến có độ khó cao, nằm sâu trong rừng hay trên đỉnh một ngọn núi cao, nhưng mỗi chuyến đi tôi đều phải chuẩn bị kỹ càng, không một phút lơ đãng ”.

Anh Nguyễn Hồng Thiên (hiện công tác tại huyện Chư Sê)- gương mặt “kỳ cựu” của loại hình khám phá vừa trở về từ Tà Năng-Phan Dũng. Anh là một trong những thành viên tham gia tìm kiếm người bị nạn bày tỏ sự đáng tiếc trước sự cố của một người bạn có cùng sở thích. Anh cho biết, địa hình thiên nhiên ở Gia Lai tương đối giống Tà Năng, đó là địa hình hỗn hợp, gồm có leo vách đá, đồi dốc và và có cả vượt suối, ghềnh. Tuy nhiên, độ khó của một số cung đi bộ ở Gia Lai khó hơn Tà Năng-Phan Dũng, vì thế bạn trẻ cần hết sức lưu ý, đề phòng.

Theo anh Thiên, nguyên tắc đi vào thiên nhiên là phải biết mình đi đâu, địa hình thế nào, xem bản đồ, xác định trên đường đi sẽ gặp suối, khu dân cư gần nhất về hướng nào để lỡ đi lạc còn biết hướng cung cấp nước và lượng sức. Anh chia sẻ: “Nguyên tắc đi lạc trong rừng chia ra làm 2 loại: loại thứ nhất nếu có người biết thì nên ở tại chỗ, gây chú ý bằng cách la hét, gõ các đồ dùng kim loại như ca nước để gây tiếng động và đốt lửa tạo khói báo hiệu. Loại thứ hai nếu không có người biết thì phức tạp hơn, trước mắt đứng im tại chỗ, quan sát chỗ nào có cây cao, đỉnh cao nhất của khu vực lạc và leo lên đó tìm hướng có nước và khu dân cư. Cơ thể con người có thể nhịn đói được 3 tuần nhưng nhịn khát không quá 3 ngày, nên việc tìm nguồn cung cấp nước là rất cần thiết. Kinh nghiệm tìm suối là lên cao ngó chỗ nào cây xanh hơn vùng xung quanh tạo thành một đường dài thì chắc chắn sẽ là khe hay suối”. Kinh nghiệm này cũng được anh Phan Công Nam chia sẻ thêm: “Các dân tộc bản địa ở Gia Lai thường sống dọc các con sông, dòng suối. Vì thế, nếu không định vị được phương hướng thì cứ đi xuôi theo sông, theo suối, không chỉ có nước uống, dễ kiếm lương thực mà chắc chắn sẽ tìm được nơi có người ở”.

Tuy nhiên, theo anh Thiên, mối nguy hiểm lớn nhất về các động vật trong rừng Việt Nam nói chung và rừng Gia Lai hiện nay là rắn độc, vì thế trong ba lô đi rừng của anh lúc nào cũng có 2 viên đậu nọc phòng rắn cắn. “Đây là một số kinh nghiệm bản thân của tôi khi đi rừng, nếu thực hiện và chuẩn bị được như vậy sẽ giảm thiểu điều đáng tiếc. Ngoài ra, nếu đi vào khu vực lạ, tôi luôn mang theo máy GPS chuyên dụng để ghi lại quãng đường mình vừa đi, nếu đi lạc thì cứ theo tracklog đó đi ngược lại sẽ ra tới điểm xuất phát”.

Gia Lai đã và sẽ là địa điểm trekking hấp dẫn bởi địa hình đa dạng, nhiều thắng cảnh tuyệt mỹ “khám phá mãi không hết” như nhận xét của một người chuyên setup (khảo sát, thiết lập) các tour mạo hiểm. Hình thức du lịch này sẽ vẫn có sức hấp dẫn với những người yêu thích trải nghiệm, phiêu lưu. Nhưng trước khi lên đường, hãy bổ sung kinh nghiệm của những người đi chuyên nghiệp chia sẻ để hành trình tuổi trẻ được trọn vẹn.

“Đồ nghề đi rừng của tôi luôn luôn có những thứ mặc định gồm: 30m dây dù, 2 bật lửa, 2 dao gồm 1 đa năng và 1 dao găm. Thực phẩm dự phòng gồm 4 thanh lương khô, chocolate và một ít kẹo ngọt loại giàu năng lượng. Đó là các thứ dự phòng mà tôi mang đi rồi mang về, rất ít khi sử dụng nhưng buộc phải có trong balo”-anh Nguyễn Hồng Thiên chia sẻ.

Hoàng Ngọc

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới