Thứ Năm, 16 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiKrông Pa khẩn trương dập dịch sốt xuất huyết

Krông Pa khẩn trương dập dịch sốt xuất huyết

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát ở một số địa phương với số ca mắc ngày một tăng, ngành Y tế huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp dập dịch.

Từ đầu tháng 6-2022, dịch SXH bắt đầu bùng phát ở buôn Thim, buôn Bluk và thôn Thắng Lợi (xã Phú Cần). Đến nay, toàn xã có 76 người nhiễm bệnh SXH và là địa phương có số ca mắc nhiều nhất huyện. Chị Nguyễn Thị Dung (thôn Thắng Lợi) cho biết: “Khoảng 2 tháng trở lại đây, muỗi xuất hiện rất nhiều. Ngành Y tế 2 lần tổ chức phun thuốc diệt muỗi và tuyên truyền người dân các biện pháp phòng ngừa. Ngoài ra, cán bộ y tế xã thường xuyên hướng dẫn gia đình dọn dẹp nhà cửa, không để các dụng cụ chứa nước đọng, khi ngủ phải mắc màn kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt”.

Theo bà Ksor H’Đông-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phú Cần: Từ tháng 5-2022, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều ca SXH. Ngay sau khi xuất hiện các ổ dịch, Trạm đã nhanh chóng cử cán bộ phối hợp với ban ngành, đoàn thể xã và các thôn, buôn tổ chức tuyên truyền trực tiếp hoặc tại các buổi họp để hướng dẫn người dân biện pháp phòng ngừa như: vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy, không để các vật dụng đọng nước nhằm diệt lăng quăng/bọ gậy và phun thuốc diệt muỗi. “Tuy nhiên, công tác triển khai phòng-chống bệnh SXH trên địa bàn còn nhiều khó khăn do người dân chủ quan, vẫn còn tập quán ngủ nương rẫy, ngủ không mắc màn, ý thức vệ sinh môi trường chưa cao”-bà H’Đông cho hay.

Nhân viên y tế phun thuốc diệt muỗi tại chợ Phú Túc. Ảnh: Gia Hưng
Nhân viên y tế phun thuốc diệt muỗi tại chợ Phú Túc. Ảnh: Gia Hưng

Thị trấn Phú Túc cũng là địa phương có số người mắc SXH cao với 37 ca và được xem như ổ dịch thứ 2 của huyện. Bà Rô Mô Hòa-cán bộ phụ trách Trạm Y tế thị trấn-cho biết: Muốn phòng ngừa SXH thì phải diệt lăng quăng/bọ gậy. Bởi vậy, Trạm đã tham mưu giúp UBND thị trấn chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các tổ dân phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân xử lý các khu vực nước đọng, các vật dụng chứa nước không che đậy. Đặc biệt, đối với các hộ sửa xe ô tô, xe máy có lốp xe hỏng không để đọng nước thành nơi trú ngụ của lăng quăng/bọ gậy.

Bác sĩ Ksor Phôi (Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện) cho biết: “Krông Pa đang vào mùa mưa nên rất thích hợp cho muỗi sinh sản. Đến thời điểm này, tại các thôn, buôn có số ca SXH cao đã được chúng tôi phun thuốc diệt muỗi 2-3 đợt. Đồng thời, chúng tôi đánh giá lại véc tơ gây bệnh và tiến hành phun khử khuẩn diệt véc tơ truyền bệnh”.

Bác sĩ Trung tâm y tế huyện Krông Pa khám, điều trị bệnh cho người dân. Ảnh: Gia Hưng
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Krông Pa khám, điều trị bệnh cho người dân. Ảnh: Gia Hưng

Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trương Thanh Liêm cho hay: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 205 ca mắc SXH, trong đó, 3 địa phương có số ca mắc nhiều nhất là xã Phú Cần 76 ca, Ia Rsươm 26 ca, thị trấn Phú Túc 37 ca. Đặc biệt, dịch SXH chỉ mới bùng phát trong khoảng 2 tháng qua. Trung bình mỗi ngày có 5-7 ca mắc. Trước tình hình đó, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các ngành và UBND các xã, thị trấn khẩn trương tiến hành vệ sinh môi trường và phun thuốc diệt muỗi.

“Thời gian tới, bệnh SXH trên địa bàn dự báo có chiều hướng phức tạp. Do đó, giải pháp căn cơ là người dân cần chủ động phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường, đặc biệt là xử lý các vũng nước đọng để tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy, sau đó mới phun thuốc diệt muỗi”-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện thông tin.

GIA HƯNG

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới