Chủ Nhật, 15 Tháng chín, 2024
Trang chủThời SựKý hiệu đặc biệt khiến lãnh đạo SCB lập hồ sơ khống...

Ký hiệu đặc biệt khiến lãnh đạo SCB lập hồ sơ khống cho Vạn Thịnh Phát vay tiền

Khi thấy ký hiệu “HSTT”, các lãnh đạo SCB sẽ hiểu đây là khoản vay của Vạn Thịnh Phát, họ hợp thực hoá hồ sơ, phê duyệt trái với quy trình cho vay thông thường.

Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về 3 tội Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Đưa hối lộ.

Theo cơ quan điều tra, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ tại Ngân hàng SCB, song lại là người lũng đoạn, chi phối loạt lãnh đạo ngân hàng này để họ giúp lập khống hồ sơ vay hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Để hợp thức việc rút tiền sử dụng cho các mục đích cá nhân, tránh việc bị cơ quan chức năng phát hiện, có điều kiện truy vết theo dòng tiền, Trương Mỹ Lan chỉ đạo “thân tín” tại SCB phối hợp với nhân viên Vạn Thịnh Phát lập hồ sơ khống giải ngân các khoản vay.

Các khoản vay của các cá nhân, pháp nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có giá trị rất lớn, từ hàng chục tỷ đồng trở lên. Các khoản vay được ghi nhớ trên hệ thống phần mềm theo dõi quản lý Core Banking của Ngân hàng SCB với ký hiệu “HSTT”, tức là “Hội sở tiếp thị”.

Ký hiệu đặc biệt khiến lãnh đạo SCB lập hồ sơ khống cho Vạn Thịnh Phát vay tiền

Người dân ùn ùn kéo đến các chi nhánh Ngân hàng SCB rút tiền sau khi biết thông tin cơ quan điều khởi tố vụ án Vạn Thịnh Phát.

Theo lời khai của Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch Ngân hàng SCB, việc tạo ký hiệu “HSTT” trên hệ thống dữ liệu Core Banking nhằm ghi chú nhóm khách hàng thuộc Vạn Thịnh Phát, phục vụ việc theo dõi, thống kê và phê duyệt cho vay, bỏ qua quy trình cho vay thông thường.

Bị can Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB cũng khai nhận, từ năm 2020, các khoản vay cá nhân, pháp nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được ghi nhận tại trường dữ liệu ký hiệu “HSTT” trên phần mềm quản lý của SCB.

Các khoản vay này đều có điểm chung là chỉ ký khống thủ tục, hợp thức hồ sơ cho vay để giải ngân, rút tiền khỏi SCB theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Thực tế, SCB không thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản đảm bảo, không quan tâm phương án vay vốn, bỏ qua quy trình cho vay thông thường.

Mặc dù biết việc sử dụng tiền đều không đúng với phương án vay vốn trong hồ sơ vay, nhưng biết rõ Trương Mỹ Lan thực sự là chủ của SCB nên sau khi Lan chỉ đạo, Văn sẽ cùng lãnh đạo, nhân viên thực hiện các bộ hồ sơ để giải ngân.

Tương tự, bị can Tạ Chiêu Trung, cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tài chính Việt Vĩnh Phú, kiêm cựu Phó Chủ tịch, thành viên HĐQT Ngân hàng SCB biết rõ tại SCB có nhóm khách hàng vay vốn được ký hiệu là “HSTT” là của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Với tư cách là thành viên, Phó chủ tịch HĐQT, bị can Trung đã ký các thủ tục để hợp thức hoá các khoản cho vay theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Bị can thừa nhận việc giúp bà Lan ký phê duyệt các khoản vay cho nhóm khách hàng Vạn Thịnh Phát là không đúng quy định.

Kết luận điều tra xác định, đến ngày 17/10/2022, có 1.284 khoản vay của 875 khách hàng là các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát với dư nợ gốc hơn 483.000 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi.

Theo cơ quan điều tra, Trương Mỹ Lan có hành vi tham ô tài sản, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng gây thiệt hại hơn 64.000 tỷ đồng.

Minh Tuệ

Nguồn: vtc.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới