Sabeco dự kiến tăng thù lao năm nay cho 7 thành viên HĐQT lên 6,5 tỷ đồng, tức mỗi người nhận 928 triệu đồng.
![]() |
Sabeco đang nắm hơn 21.000 tỷ đồng tiền mặt. Ảnh: SAB. |
Ngày 24/4 tới, tại TP.HCM, Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn – Sabeco (HoSE: SAB) sẽ tổ chức phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2025.
Theo tài liệu chuẩn bị đại hội, Sabeco nhận định năm 2025 tiếp tục là giai đoạn “vàng” cho ngành bia Việt Nam nhờ cơ cấu dân số thuận lợi, thu nhập người dân tăng nhanh và tiềm năng lớn từ phân khúc bia không cồn cũng như cơ hội từ thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng đang chuyển dịch mạnh mẽ từ bia phổ thông sang các sản phẩm cao cấp và bia thủ công – một phân khúc ngách có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, nhất là tại các đô thị lớn. Ngành du lịch Việt Nam cũng đang phục hồi, thu hút du khách quốc tế quay lại, góp phần kích thích tiêu thụ bia tại các điểm đến.
Nâng cổ tức lên 50% vì “nhiều tiền”
Nhận diện cơ hội và thách thức trong giai đoạn tới, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2025 đạt 31.641 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế 4.835 tỷ đồng, tăng 8%.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Sabeco cho biết sẽ tập trung nguồn lực vào xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường theo hướng bám sát xu hướng tiêu dùng.
Doanh nghiệp dự kiến tái cấu trúc toàn diện hệ thống phân phối theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả và tăng khả năng kiểm soát từng kênh và phân khúc sản phẩm.
Song song, Sabeco sẽ mở rộng thị trường trong nước, tăng hiện diện quốc tế; đẩy mạnh R&D nhằm ra mắt các dòng sản phẩm mới, nâng cao chất lượng hiện có; cải tiến chuỗi cung ứng và giảm chi phí vận hành để nâng năng suất.
SABECO ĐẶT MỤC TIÊU LỢI NHUẬN CAO NHẤT 3 NĂM | |||||||
KQKD hàng năm của Sabeco; Nguồn: BCTC DN. | |||||||
Nhãn | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 | 2024 | Kế hoạch 2025 | |
Doanh thu thuần | tỷ đồng | 27961 | 26374 | 34979 | 30461 | 31872 | 31641 |
Lợi nhuận sau thuế | 4937 | 3929 | 5500 | 4255 | 4495 | 4835 |
Các định hướng trọng tâm khác gồm phát triển mạnh kênh bán hàng hiện đại, trực tuyến, tiêu dùng tại chỗ và mang đi – phù hợp với xu thế tiêu dùng toàn cầu; ứng dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời nhằm giảm chi phí và hạn chế tác động biến đổi khí hậu. Đồng thời, tiếp tục triển khai các cam kết ESG về môi trường, xã hội, quản trị và kinh tế theo tiêu chuẩn quốc tế.
Doanh nghiệp cũng khẳng định sẽ tiếp tục tận dụng năng lực chuyên gia trong và ngoài nước để bảo tồn các giá trị thương hiệu của Bia Sài Gòn, trong khi chủ động thích nghi với biến động của thị trường và môi trường kinh doanh.
Năm 2024 vừa qua, doanh thu của Sabeco đạt 31.872 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm liền trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.495 tỷ đồng, tăng 6%.
Doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động M&A, mở rộng quy mô và thị phần với thương vụ thâu tóm CTCP Bia Sài Gòn – Miền Tây, nâng sở hữu lên 84,46%. Đầu năm 2025, Sabeco cũng hoàn tất mua thêm gần 38 triệu cổ phiếu CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn – Bình Tây, tăng tỷ lệ sở hữu từ 16,4% lên 59,6%.
Đáng chú ý, dù kế hoạch cổ tức 2024 ban đầu là 35%, Sabeco đã đề xuất nâng lên 50% nhờ kết quả kinh doanh tích cực và dòng tiền dồi dào. Trong đó, 20% cổ tức đã tạm ứng, phần còn lại 30% sẽ được chốt danh sách vào ngày 1/7 và thanh toán ngày 31/7.
Năm 2024, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Sabeco đạt 4.362 tỷ đồng, cao gấp đôi năm trước, nâng quỹ tiền mặt cuối năm lên 21.043 tỷ đồng, chiếm 63% tổng tài sản.
Ngoài ra, Sabeco cũng dự kiến tăng thù lao trả cho dàn lãnh đạo doanh nghiệp. Trong đó, thù lao cho 7 thành viên HĐQT dự kiến là 6,5 tỷ đồng, trung bình mỗi người nhận 928 triệu đồng trong năm 2025.
Thị trường bia vẫn còn những khó khăn
Dù đánh giá triển vọng tích cực, Sabeco cũng thừa nhận ngành bia vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng hậu Covid-19 cũng như tác động từ một số cơ chế chính sách liên quan.
Việc người dân thắt chặt chi tiêu, thị hiếu và yêu cầu ngày càng cao đối với thiết kế bao bì, chất lượng cũng là một áp lực, đòi hỏi doanh nghiệp phải chi mạnh tay và chạy đua trong các chiến dịch quảng cáo lẫn khuyến mãi để tăng sức cạnh tranh và đẩy mạnh tiêu thụ.
Các quy định về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông, cũng như tăng mức xử phạt vi phạm giao thông được dự đoán là rào cản lớn kìm hãm sự phục hồi của ngành bia trong năm nay. Chưa kể các yếu tố như chi phí sản xuất kinh doanh (bao bì, nguyên vật liệu, vận chuyển) vẫn ở mức cao, biến động bất thường.
Thêm vào đó, ngành bia có thể chịu thêm gánh nặng nếu Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được thông qua với mức điều chỉnh thuế suất mới lên tối đa 100%. Hiện đồ uống có cồn tại Việt Nam chịu 3 loại thuế là thuế nhập khẩu (5-80% tùy loại FTA), VAT (10%) và tiêu thụ đặc biệt (tăng từ 50% lên 65% vào năm 2018 và duy trì đến nay).