Thứ Năm, 16 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiLập chuyên án điều tra đường đi gỗ lậu Kon Tum -...

Lập chuyên án điều tra đường đi gỗ lậu Kon Tum – Gia Lai

Chủ tịch huyện Ia H’Drai (Kon Tum) đã chỉ đạo cho Công an huyện lập chuyên án điều tra đường đi của gỗ lậu. Gỗ từ Campuchia qua Việt Nam, được xác định vận chuyển qua hai hướng chính – một đi xuống huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi của Kon Tum; thứ hai, qua đường bộ và đường sông để về Gia Lai để về xuôi.
Gỗ lậu tại khu vực biên giới huyện Ia H’Drai (Kon Tum). Ảnh ĐÌNH VĂN

Ráo riết điều tra

Báo Lao Động trong bài viết: “Ia H’Drai gỗ lậu tập kết công khai”, phản ánh gỗ từ Campuchia được đưa về Việt Nam, lấy huyện Ia H’Drai (Kon Tum) làm nơi trung chuyển. Chủ tịch huyện Ia H’Drai – ông Nguyễn Văn Lộc – nhấn mạnh: “Tiếp nhận thông tin, huyện thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, truy quét. Có sự cố là sau khi lực lượng ra về thì có một bãi tập kết bị đốt cháy xém. Do đó, huyện yêu cầu biên phòng và xã Ia Đal canh giữ, bảo vệ hiện trường và chịu trách nhiệm trước vấn đề này”. Ông nói, đã yêu cầu Công an, Viện kiểm sát, Kiểm lâm và Biên phòng định giá tài sản tang vật để khởi tố vụ án.

Ngày 18.9, Công an huyện Ia H’Drai đang xúc tiến kéo 30m3 gỗ tang vật khỏi hiện trường; đồng thời phối hợp với Viện KSND cung cấp xác định tội danh của việc buôn bán, cất giấu gỗ trái phép; cũng như thu nhận thông tin của các băng nhóm đầu nậu, nhằm chặt đứt đường dây vận chuyển gỗ lậu tại đây.

Theo điều tra của PV, gỗ từ Campuchia sang Việt Nam, qua Kon Tum đi về phía tỉnh Gia Lai bằng những chiếc xe tải cũ gắn biển kiểm soát giả. Trong trường hợp bị bắt thì bỏ luôn cả xe. Cánh đầu nậu rất “tinh ranh” khi chỉ tập trung chở gỗ gõ, kiền kiền và căm xe bởi giá trị lớn, lợi nhuận lại cao. Trên đường bộ, muốn về được tỉnh Gia Lai, ngoài vượt được ba Đồn biên phòng Sa Thầy, Hồ Le và Suối Cát, xe gỗ phải băng qua một trạm gác liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Biên phòng, Dân quân xã Ia Tơi) đặt tại xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai) trên trục đường QL 14C. Nơi đây, có hẳn barie kiểm tra từng xe một. Trạm này, giáp xã Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai). Vào được địa phận Gia Lai, gỗ coi như an toàn, nhẹ nhàng đáp xuống các kho xưởng của huyện Ia Grai.

Chủ tịch huyện Ia H’Drai nhận định thêm: “Đây là con đường độc đạo. Duy chỉ có đường sông trải dài hơn 57km là thuận lợi để lâm tặc sử dụng đưa gỗ về sâu nội địa”.

“Mấu chốt”… nằm ở đầu nậu

Nếu không qua Gia Lai, gỗ lậu được chuyển xuống hai huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi của Kon Tum qua đường tuần tra và QL14C. Điều khó hiểu khu vực biên giới huyện Ia H’Drai đều có mặt khá dày của lược lượng biên phòng, nhưng những đoàn xe chở gỗ vẫn thản nhiên đi trên các cung đường này mà không hề gặp trở ngại nào. Chủ tịch huyện Ia H’Drai Nguyễn Văn Lộc thẳng thắn: “Biên phòng phát hiện hay không thì phải đợi sự điều tra của cơ quan Cảnh sát điều tra. Còn nếu công an không điều tra ra được thì tất nhiên công an sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Ông nhấn mạnh thêm: “Vụ việc xảy ra, huyện đã có văn bản gửi 5 Đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn yêu cầu báo cáo nội dung vì để gỗ tập kết, dựng lán trại và đường tuần tra hư hỏng”.

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến – Tư lệnh Bộ đội Biên phòng – khẳng định: “Đã cử đoàn công tác của Bộ Tư lệnh cùng Cục Phòng chống tội phạm về ma túy Bộ đội biên phòng vào tỉnh Kon Tum kiểm tra vụ việc”. Với các đòn tấn công trực diện từ công an và Bộ Tư lệnh Biên phòng, những mắt xích trong đường dây buôn gỗ lậu sẽ sớm bị chặt đứt. Chỉ cần bắt giữ các đối tượng đầu nậu, tất cả mọi nguồn cơn sẽ sáng tỏ.

Cách đây một năm, hồi 2h sáng, ba đồn biên phòng Gia Lai đã từng bắt giữ 5 xe tải chở trên 76,4m3 gỗ tại huyện Ia Grai. 20 đối tượng quay lại cướp xe và gỗ, bất chấp biên phòng Gia Lai nổ súng. Một trong 5 tài xế đến công an huyện Ia Grai đầu thú. Tỉnh Gia Lai hiện vẫn chưa khép hồ sơ vì chờ kết luận của Cơ quan điều tra Cục Hình sự II, Bộ đội Biên phòng.

Theo Laodong.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới