Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiLiên kết để phát triển du lịch

Liên kết để phát triển du lịch

Một câu chuyện được nhiều người quan tâm ngay trong những ngày đầu năm mới là việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị phát triển du lịch miền Trung-Tây Nguyên đã cho rằng: “Kinh doanh du lịch cũng phải trên tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, chứ không phải kiếm tiền bằng bất cứ giá nào. Bí thư, Chủ tịch phải ngồi sân bay, bến xe xem khách đến tỉnh mình mua sắm gì”. Hay nói cách khác, để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của vùng đất này, rất cần một triết lý kinh doanh có văn hóa và có chiều sâu trong sự liên kết chặt chẽ của các địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thăm các gian hàng trưng bày tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thăm các gian hàng trưng bày tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

“Không có hệ đếm hay mỹ từ nào đủ để có thể nói hết, tô điểm hết được tài nguyên du lịch quá đặc sắc và phong phú của miền Trung-Tây Nguyên”-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy khi phát biểu tại Hội nghị phát triển du lịch miền Trung-Tây Nguyên diễn ra tại TP. Huế cuối tuần qua.

19 tỉnh, thành phố miền Trung-Tây Nguyên có tổng diện tích tự nhiên gần 152.000 km², dân số hơn 24 triệu người. Khu vực này có 1.870 km bờ biển và trên 1.500 km biên giới, đường bộ thông thương với Lào, Campuchia. Tiềm năng của miền Trung-Tây Nguyên là các tài nguyên thắng cảnh núi rừng, sông hồ, biển đảo, nhiều di sản thiên nhiên, di sản văn hóa-lịch sử-kiến trúc được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại, cùng 19 vườn quốc gia với hệ động-thực vật đa dạng, phong phú. Khu vực này còn có các sân bay, cảng biển cho phép khai thác tối đa nguồn khách du lịch hàng không và tàu biển đến từ khắp các châu lục.

Với tiềm năng, lợi thế như vậy, năm qua, khu vực miền Trung-Tây Nguyên đón 56 triệu lượt khách, trong đó có 9,5 triệu lượt khách quốc tế, chiếm hơn một nửa lượng khách du lịch của cả nước. Tuy nhiên, doanh thu du lịch của khu vực này lại chỉ đạt 120.000 tỷ đồng, bằng 20% tổng doanh thu du lịch cả nước (620.000 tỷ đồng).

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng là lý do chính để các tỉnh, thành trong vùng tổ chức hội nghị tìm sự liên kết giữa các địa phương Duyên hải miền Trung (từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận) và 5 tỉnh Tây Nguyên là Kon Tum (Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng); nhanh chóng cải thiện chất lượng hạ tầng du lịch, hạ tầng kỹ thuật tương xứng. Bởi hiện tại, tỷ lệ khách sạn từ 3 sao đến 5 sao ở khu vực này chỉ chiếm 17% của cả nước.

Thực ra, việc liên kết trong phát triển du lịch các tỉnh, thành miền Trung-Tây Nguyên đã được đặt ra từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Tiếp theo những năm sau là một số cuộc hội thảo giữa lãnh đạo TP. Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình và Quảng Nam nhằm hình thành tuyến du lịch có tên gọi “Hành trình di sản”, gắn kết Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng với các di sản văn hóa thế giới cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An với các danh thắng, bãi biển còn hoang sơ cùng lợi thế về giao thông, cảng biển, sân bay quốc tế của Đà Nẵng để khai thác hiệu quả nhất sản phẩm du lịch.

Cùng thời gian này, “Con đường xanh Tây Nguyên” cũng là tour du lịch được các doanh nghiệp lữ hành trong vùng xây dựng nhằm kết nối các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, ẩm thực độc đáo trải dài trong một không gian rộng lớn từ Kon Tum-Gia Lai-Đak Lak-Đak Nông-Lâm Đồng, tạo nên một bản sắc riêng cho du lịch Tây Nguyên.

Tháng 9-2009, tại TP. Hồ Chí Minh, các địa phương miền Trung từng thảo luận sôi nổi tại hội nghị có tên gọi “3 quốc gia, 1 điểm đến” thu hút khách từ Thái Lan, qua Lào, đến Việt Nam theo con đường xuyên Á. Tháng 9-2014, TP. Đà Nẵng cùng tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam tổ chức hội nghị liên kết phát triển du lịch. Sau hội nghị này, chương trình du lịch “5 quốc gia, 1 điểm đến” cũng được các địa phương miền Trung khởi xướng nhằm thu hút du khách từ Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar đến miền Trung Việt Nam.

Vì vậy, Hội nghị phát triển du lịch miền Trung-Tây Nguyên lần này với sự tham dự của 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế thêm một lần nữa muốn tìm ra đáp số cho câu hỏi: Làm gì để khách đến Việt Nam đông hơn, ở lại lâu hơn; làm gì để khách tiêu tiền nhiều hơn; làm sao để du khách kể những câu chuyện du lịch thú vị với người thân, thay vì chê bai, kể một chuyện xấu nào đó ở Việt Nam; làm thế nào để khách đừng “một đi không trở lại”?…

Để trả lời được các câu hỏi này không thể chỉ ký kết, hô hào rồi bỏ đó, mà phải thực sự xắn tay làm và làm thực sự, làm chu đáo từ những việc nhỏ nhất, như cách gợi ý hết sức đơn giản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là “Bí thư, Chủ tịch phải ngồi sân bay, bến xe xem khách đến tỉnh mình mua sắm gì”!

Hạn chế của du lịch miền Trung-Tây Nguyên là tài nguyên du lịch đang bị khai thác, quản lý, sử dụng phân tán; mức chi tiêu của du khách còn thấp, sản phẩm du lịch chưa thực sự ấn tượng, còn nặng về khai thác tài nguyên mà chưa chú trọng khai thác sâu. Hay nói cách khác, đó là những “viên ngọc thô chưa được mài giũa hoặc chưa tìm được người thợ giũa xứng đáng”. Vì vậy, “cần tư duy phát triển du lịch theo nguyên lý lấy cụm ngành làm trung tâm chứ không phải lấy tài nguyên du lịch làm trung tâm”-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy.

Không thể làm du lịch theo phong trào, khai thác cạn kiệt tài nguyên. Thay vào đó, phải làm cho sản phẩm du lịch địa phương độc đáo, khác biệt. Người kinh doanh du lịch cần có tính tự hào, tự tôn dân tộc chứ không phải vì lợi nhuận mà bằng mọi giá bán rẻ các giá trị văn hóa, du lịch Việt Nam để kiếm tiền. Phải đưa văn hóa bản địa đến với du khách một cách sâu đậm, ấn tượng, để cái tên Việt Nam được lan tỏa theo bước chân du khách ra toàn thế giới.

Vân Thiêng

Theo Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới