Thứ Hai, 12 Tháng 5, 2025
Trang chủTin Gia LaiLớp dạy may áo dài đặc biệt ở phố núi Pleiku

Lớp dạy may áo dài đặc biệt ở phố núi Pleiku

Trong căn phòng nhỏ của Câu lạc bộ (CLB) Áo dài Sống Xanh Pleiku (32-34 Tô Hoài, phường Phù Đổng, TP. Pleiku), nhà thiết kế (NTK) Nguyễn Hạnh lặng lẽ truyền dạy từng kỹ năng cơ bản để may ráp một bộ áo dài hoàn chỉnh cho 2 học viên câm điếc.

Theo thời gian, từng mũi chỉ, đường kim đã âm thầm gắn kết những số phận đặc biệt với nghề may.

Dạy bằng ánh mắt, học bằng trái tim

Nhà thiết kế Nguyễn Hạnh từng là giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai nhưng phải nghỉ hưu sớm để chữa bệnh. Khi sức khỏe dần ổn định, bà quyết định gắn bó với nghề thiết kế áo dài. Bà thành lập CLB Áo dài Sống Xanh Pleiku với mục đích không chỉ để sáng tạo những tà áo dài duyên dáng mà còn dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật.

Nhà thiết kế Nguyễn Hạnh (bìa trái) hướng dẫn chị Trương Thị Thanh Huyền kỹ thuật may áo dài mini size. Ảnh: C.H 1
Nhà thiết kế Nguyễn Hạnh (bìa trái) hướng dẫn chị Trương Thị Thanh Huyền kỹ thuật may áo dài mini size. Ảnh: C.H

Tháng 8-2024, NTK Nguyễn Hạnh đã tiếp nhận 2 học viên câm điếc ở TP. Pleiku là Lê Thị Tường Giang (tổ 6, phường Phù Đổng) và Trương Thị Thanh Huyền (tổ 4, phường Thống Nhất) vào học tại CLB. Không ít người nghi ngờ khả năng thành công trước quyết định này của bà. Thế nhưng, NTK Nguyễn Hạnh vẫn luôn tin rằng nếu mình làm bằng trái tim thì mọi rào cản đều có thể gỡ bỏ.

Từ thứ hai đến thứ sáu, bắt đầu vào 7 giờ 30 phút và kết thúc lúc 16 giờ 30 phút, NTK Nguyễn Hạnh kiên trì hướng dẫn học viên từng công đoạn để may một chiếc áo dài. Dù không tránh khỏi khó khăn trong giao tiếp, song với tâm niệm “cố gắng làm một điều tốt đẹp cho cộng đồng”, NTK Nguyễn Hạnh đã luôn tận tâm trên hành trình đầy thử thách nhưng cũng tràn ngập tình yêu thương này. Ban đầu, cô trò phải viết ra giấy để hiểu nhau. Dần dần, bà học cách sử dụng ánh mắt, nụ cười và ngôn ngữ hình thể để hướng dẫn học viên.

“Các bạn ấy viết có lúc câu rõ ràng, lúc lại thiếu sót, chữ được chữ không nên đôi khi tôi cũng không thể hiểu hết ý các bạn muốn đề cập. Dẫu vậy, sự kiên nhẫn cùng tình yêu nghề đã giúp tôi vượt qua những khó khăn, từ đó gắn kết với học viên và giúp họ tiến bộ hơn mỗi ngày”-NTK Nguyễn Hạnh cho hay.

Do đặc thù của lớp học nên việc truyền đạt, hướng dẫn không có giáo trình cố định, không giới hạn thời gian mà vận hành theo cách riêng, theo khả năng tiếp thu của từng học viên. Dù đã lớn nhưng có em chưa từng xỏ kim, không biết cầm kim đúng cách, việc may đo đều gặp khó khăn.

Để giúp học viên dễ tiếp thu, NTK Nguyễn Hạnh đã chọn cách “cầm tay chỉ việc”, lặp đi lặp lại cho đến khi họ thành thục. Vào ngày cuối tuần, bà Hạnh còn tặng học viên món quà nhỏ để khích lệ tinh thần, tạo sự hứng thú và kiên trì với việc học nghề.

2-chi-le-thi-tuong-giang-bia-phai-va-chi-truong-thi-thanh-huyen-dang-tap-trung-hoc-may-tai-cau-lac-bo-ao-dai-song-xanh-pleiku.jpg
Chị Lê Thị Tường Giang (bìa phải) và chị Trương Thị Thanh Huyền đang tập trung học may tại Câu lạc bộ Áo dài Sống Xanh Pleiku. Ảnh: C.H

Trên hành trình truyền dạy nghề cho những học viên đặc biệt, NTK Nguyễn Hạnh không đơn độc mà nhận được nhiều sự giúp sức từ bạn bè, cộng đồng. Người cho mượn máy may, người tình nguyện cùng bà hướng dẫn 2 bạn học viên. Bà Trần Dung-Thành viên CLB Áo dài Sống Xanh Pleiku là một trong số đó. Những lúc rảnh rỗi, bà Dung đều đến lớp để hỗ trợ học viên nắm vững các kỹ thuật cắt may áo dài.

“Với mong muốn các bạn khuyết tật có nghề trong tay để sống vui vẻ hơn nên tôi đã góp một chút công sức để cùng NTK Nguyễn Hạnh và CLB hỗ trợ truyền dạy nghề may áo dài, đặc biệt chú trọng hướng dẫn tỉ mỉ và chính xác để các em có thể tiếp cận nhanh nhất”-bà Dung nói.

“Quả ngọt đầu mùa”

Trong không gian tĩnh lặng, chị Trương Thị Thanh Huyền tỉ mỉ ráp từng bộ phận của chiếc áo dài. Mỗi chiếc áo dài là một dấu mốc cho sự tiến bộ của chị, từ những ngày đầu chưa biết xỏ kim đến khi thành thạo từng đường may. Sau một thời gian học tập tại CLB, chị đã hoàn thiện được 10 chiếc áo dài mini size, mỗi chiếc được chị hoàn thành trong 1-2 ngày. “Công đoạn ráp cổ áo là khó nhất nên khi nào mình cũng cần sự trợ giúp của cô”-chị Huyền viết.

Sau thời gian theo học NTK Nguyễn Hạnh, chị Lê Thị Tường Giang có thể nhận các công việc đơn giản về nhà làm. Qua những dòng chữ viết bằng tay trái, chị Giang trải lòng: “Phần cổ áo dài và những đường cong khá khó nhưng nhờ cô Hạnh kiên nhẫn hướng dẫn, tôi đã làm được. Dù nghề may có nhiều thử thách, tôi vẫn rất vui và yêu thích công việc này. Đặc biệt, khi may áo dài, tôi thấy mình tự tin hơn và có thêm thu nhập để tự nuôi sống bản thân”.

NTK Nguyễn Hạnh cùng các thành viên CLB Áo dài Sống Xanh Pleiku và 2 học viên câm điếc tại lớp học may áo dài miễn phí. Ảnh: N.H 3
NTK Nguyễn Hạnh cùng các thành viên CLB Áo dài Sống Xanh Pleiku và 2 học viên câm điếc tại lớp học may áo dài miễn phí. Ảnh: N.H

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến (mẹ chị Giang) luôn đồng hành cùng con gái trong suốt quá trình theo học nghề tại CLB Áo dài Sống Xanh Pleiku. Bà là người đưa đón, động viên mỗi khi con gái nản lòng.

“Chúng tôi rất thương Giang, sợ một mai cha mẹ không còn, con sẽ không biết bấu víu vào ai. Lúc đầu, tôi cũng lo lắm vì Giang thiếu kiên nhẫn, trong khi nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ. Nhưng sau thời gian học, con vui hơn, tự tin hơn. Làm ra sản phẩm, có tiền công, con thấy đồng tiền mình làm ra có giá trị. Học được nghề, con có thể tự lập và có được một tương lai tươi sáng hơn.

Tôi mong rằng sẽ có nhiều mô hình dạy nghề như lớp học của cô Hạnh được nhân rộng và lan tỏa để người khuyết tật có cơ hội học nghề, không còn cảm thấy mình là người thiệt thòi”-bà Tuyến bộc bạch.

Nhìn những học viên đặc biệt của mình đang nỗ lực từng ngày, NTK Nguyễn Hạnh không giấu được sự tự hào: “Giang và Huyền đều học tập rất chăm chỉ, có trách nhiệm và đặc biệt rất yêu thích nghề may áo dài. Tôi cũng hy vọng các bạn sau khi thành thạo những kỹ thuật và kiến thức về may ráp áo dài có thể tự kiếm sống bằng nghề”.

Chu Hằng / Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới