Theo dự thảo đề án hợp nhất hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, sau sáp nhập sẽ lấy tên là tỉnh Tuyên Quang, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay.
Theo Nghị quyết 60 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, dự kiến tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang sẽ hợp nhất, lấy tên tỉnh mới là Tuyên Quang, trung tâm hành chính đặt tại TP Tuyên Quang hiện nay.
![]() |
Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Tuyên Quang, công trình được đánh giá như một sự giao thoa của nền văn hóa truyền thống và hiện đại. |
Mới đây, tỉnh Tuyên Quang ban hành dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính với tỉnh Hà Giang.
Theo dự thảo, sau khi sáp nhập, toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và hệ thống đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Tuyên Quang (mới) sẽ có diện tích tự nhiên là 11.567,81 km² (đạt 144,59% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số đạt 2.481.725 người (đạt 275,75% so với tiêu chuẩn); số lượng đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc là 363 đơn vị.
Trong lịch sử, đây không phải là lần đầu tiên hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang chung một mái nhà. Trước đó, hai tỉnh đã có 15 năm (1976-1991) chung một mái nhà với tên gọi là tỉnh Hà Tuyên. Đến ngày 12/8/1991, Quốc hội khóa 8, kỳ họp thứ 9 quyết nghị chia tỉnh Hà Tuyên thành hai tỉnh, lấy tên là Hà Giang và Tuyên Quang.
Với việc dự kiến sáp nhập hai tỉnh được đánh giá là sự trở về lịch sử chung nhưng mở ra những cơ hội phát triển mới trên nền tảng đã có.
Đáng chú ý, liên quan đến việc đặt tên tỉnh mới và lựa chọn trung tâm hành chính của tỉnh, dự thảo đề cập một số lý do cụ thể.
Về tên gọi tỉnh Tuyên Quang, dự thảo cho biết đã thực hiện theo danh sách dự kiến tên gọi các tỉnh, thành phố ban hành kèm theo Nghị quyết số 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.
Bên cạnh đó, tên gọi Tuyên Quang gắn bó với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, có truyền thống văn hoá, lịch sử cách mạng, có tính đại diện. Cụ thể, Tuyên Quang từng là “Thủ đô kháng chiến”, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và bộ máy lãnh đạo cách mạng đưa ra những quyết sách quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tên gọi này đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước và ý chí độc lập của dân tộc.
Lịch sử hành chính cũng ghi nhận sự tồn tại lâu đời của địa danh Tuyên Quang, từ thế kỷ 13 dưới thời Trần. Đến năm 1831, tỉnh Tuyên Quang chính thức được thành lập, đóng vai trò là một đơn vị hành chính quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam. Việc giữ lại tên gọi này không chỉ thể hiện sự trân trọng quá khứ mà còn khơi dậy niềm tự hào và khát vọng vươn lên trong giai đoạn phát triển mới.
Việc TP Tuyên Quang được lựa chọn làm trung tâm hành chính của tỉnh mới, theo dự thảo là một quyết định có cơ sở vững chắc. Vị trí địa lý chiến lược của thành phố, nằm ở trung tâm tỉnh Tuyên Quang cũ và có khả năng kết nối thuận lợi với các vùng lân cận là một yếu tố then chốt.
![]() |
TP Tuyên Quang, nơi đặt trung tâm hành chính – chính trị sau khi sáp nhập 2 tỉnh Tuyên Quang – Hà Giang. Ảnh: Đức Hoàng. |
Với hệ thống giao thông đang được đầu tư mạnh mẽ, bao gồm các tuyến quốc lộ và các dự án cao tốc quan trọng như Tuyên Quang – Hà Giang và Tuyên Quang – Phú Thọ, TP Tuyên Quang kỳ vọng sẽ trở thành một đầu mối giao thông quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý hành chính và thúc đẩy liên kết kinh tế trong toàn tỉnh.
Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội và hành chính đồng bộ tại TP Tuyên Quang đã được xây dựng và phát triển trong nhiều năm. Thành phố có sẵn các trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước, các cơ sở dịch vụ, y tế, giáo dục và đô thị hiện đại. Việc tận dụng cơ sở vật chất này sẽ giúp quá trình hợp nhất bộ máy diễn ra nhanh chóng và hiệu quả, giảm thiểu chi phí và thời gian.
Đặc biệt, tiềm năng phát triển kinh tế và văn hóa của TP Tuyên Quang cũng đóng vai trò quan trọng. Là trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh Tuyên Quang trước đây, thành phố có nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển và lan tỏa sự phát triển đến các khu vực khác trong tỉnh mới.
Diện mạo hai tỉnh trước thềm hợp nhất
Cũng theo dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính hai tỉnh, tỉnh Tuyên Quang cho thấy sự phát triển ổn định và có những điểm sáng trong những năm gần đây.
Số liệu năm 2024 cho thấy, tốc độ tăng trưởng GRDP tỉnh Tuyên Quang đạt 9,04%, số liệu này phản ánh sự năng động của nền kinh tế địa phương. GRDP bình quân đầu người đạt 61,53 triệu đồng, cho thấy mức sống của người dân ngày càng được nâng cao. Tuyên Quang cũng có những thế mạnh trong nông nghiệp với các sản phẩm đặc sản như cam sành Hàm Yên, chè Shan tuyết, cùng với sự phát triển của công nghiệp và du lịch.
Tỉnh Hà Giang, với địa hình đặc thù là vùng núi cao, có những khó khăn nhất định trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tỉnh vẫn duy trì được sự tăng trưởng ổn định, chủ yếu dựa vào nông nghiệp, lâm nghiệp và du lịch.
Điểm nhấn của Hà Giang là Cao nguyên đá Đồng Văn – một Di sản Địa chất toàn cầu, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Hà Giang cũng nổi tiếng với bản sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số. Mặc dù vậy, quy mô kinh tế và thu nhập bình quân đầu người của Hà Giang đang thấp hơn so với Tuyên Quang.
![]() |
Các tuyến cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ, Tuyên Quang – Hà Giang sau khi hoàn thành sẽ tạo thuận lợi phát triển kinh tế tỉnh Tuyên Quang sau sáp nhập. Ảnh: Đức Hoàng. |
Việc sáp nhập Tuyên Quang và Hà Giang được kỳ vọng sẽ tạo ra một sức mạnh tổng hợp, mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của tỉnh mới trong đó sẽ mở rộng không gian kinh tế và thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, thu hút các nhà đầu tư lớn và triển khai các dự án có quy mô lớn.
Cùng với đó, việc hợp nhất cũng sẽ giúp tỉnh mới quản lý và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực về nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất của cả hai địa phương.
Đặc biệt, sự kết hợp giữa tiềm năng du lịch sinh thái, lịch sử của Tuyên Quang và vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ với bản sắc văn hóa độc đáo của tỉnh Hà Giang sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch phong phú và hấp dẫn hơn, thu hút du khách và tăng nguồn thu cho tỉnh.
Nguồn: vietnamnet.vn