Một phụ nữ trẻ ở Italy và một bé gái ở Thái Lan đều có biểu hiện kỳ dị khi ra mồ hôi toàn là máu. Nguyên nhân của hiện tượng này vẫn đang làm đau đầu các nhà khoa học.

Theo LiveScience, cô gái 21 tuổi người Italy bị chảy máu ở mặt và lòng bàn tay dù không hề bị thương trong suốt 3 năm qua. Việc chảy máu thường kéo dài từ 1 đến 5 phút và sẽ càng trầm trọng nếu cô gái bị căng thẳng tinh thần.
Khi tới bệnh viện, các bác sĩ quan sát triệu chứng và phát hiện đây là một hội chứng hiếm gặp khi máu chảy mà da và lớp màng không hề bị tổn thương, Viện Y tế quốc gia và Trung tâm thông tin bệnh hiếm gặp (GARD).
Cùng cảnh ngộ với cô gái Italy là bé gái Phakamad Sangchai, 7 tuổi sống tại tỉnh Nongkghai (Thái Lan). Cô bé cũng gặp các triệu chứng tương tự từ năm 2016. Dù được chạy chữa tại bệnh viện địa phương, tình trạng của Sangchai vẫn không hề thay đổi.
Theo các bác sĩ, cô bé 7 tuổi được cho là mắc hội chứng “mồ hôi máu” (tên khoa học là hematohidrosis). Đây là hội chứng vô cùng hiếm gặp khi tỷ lệ mắc bệnh là 1/10.000.000.
Jacalyn Duffin, nhà nghiên cứu lịch sử y khoa và huyết học tại đại học Queen, Kingston, tỉnh Ontario, Canada, cho biết hội chứng này đã được ghi nhận từ lâu. Một số người còn cho đây là dấu hiệu “ma quỷ” trong khi các nhà khoa học nghi ngờ về sự tồn tại của nó.
Tuy nhiên sau khi rà soát lại các trường hợp về chứng “mồ hôi máu” (28 trường hợp trong suốt 13 năm qua), Duffin kết luận hội chứng hiếm gặp này thực sự tồn tại.
Dẫu vậy, không ai biết nguyên nhân dẫn đến hội chứng “mồ hôi máu”. Theo GARD, một số nhà nghiên cứu đặt giả thuyết áp lực máu tăng cao dẫn đến tình trạng máu tràn qua các tế bào và truyền ra ngoài bằng tuyến mồ hôi. Số khác lại cho rằng đây là hệ quả của việc kích hoạt cơ chế “chiến đấu hay bỏ chạy” của cơ thể. Nó hoạt động khi con người sợ hãi hay căng thẳng tột độ. Cơ chế này tạo ra một loại hormone khiến các mạch máu nhỏ bị vỡ và dẫn đến hiện tượng chảy máu, theo Healthline.