Chủ Nhật, 20 Tháng 4, 2025
Trang chủGiá Cả Thị TrườngMở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Cùng với mở rộng hệ thống phân phối truyền thống, việc phát triển các kênh bán hàng trực tuyến đang là giải pháp chiến lược nhằm mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đây cũng là nền tảng thúc đẩy sản xuất bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa địa phương.

Đẩy mạnh phát triển kênh bán hàng online

Vài năm trở lại đây, khi thương mại điện tử phát triển thì ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình chuyển sang kinh doanh online. Không chỉ mở ra kênh tiếp cận thị trường mới, phương thức kinh doanh hiện đại này còn tạo cơ hội bứt phá về doanh thu, gia tăng giá trị sản phẩm.

Bà Trần Thị Bé-Giám đốc Công ty TNHH Trần Lâm Gia Phát (TP. Pleiku) chia sẻ: “Ban đầu, tôi lập kênh TikTok và chỉ nghĩ là thử livestream cho biết nhưng thật bất ngờ có khách ở tận TP. Hồ Chí Minh vào hỏi. Sau đó, họ đặt mua sản phẩm xúc xích, gà xông khói, khô bò… Sau lần mạnh dạn “lên sóng” đó, tôi livestream thường xuyên hơn và học cách làm video ngắn. Rồi đến khi được tập huấn nâng cao kiến thức về thương mại điện tử, tôi không chỉ biết cách đứng trước ống kính mà còn kể câu chuyện sản phẩm gắn liền với văn hóa của vùng đất để quảng bá món ăn trứ danh của địa phương. Khi khách hàng nhận thấy sự tâm huyết của người làm ra sản phẩm thì đó không đơn thuần là sản phẩm mà còn là kết tinh của bản sắc văn hóa của mỗi vùng đất. Khi đó, cách truyền tải dễ chạm tới cảm xúc người tiêu dùng và khả năng chốt đơn hàng cao”.

Sau khi phát triển kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội, bà Bé bắt đầu đăng ký gian hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn, trong đó đẩy mạnh bán hàng trên TikTok Shop. “Đây là nền tảng mà mình cần học hỏi nhiều. Đi cùng đó là cơ hội để bản thân mình trải nghiệm. Kênh bán hàng online giúp mình mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với nhu cầu và sự biến đổi của thị trường”-bà Bé chia sẻ.

ben-canh-phat-trien-nen-tang-online-cong-ty-tnhh-tran-lam-gia-phat-chu-trong-phat-trien-thi-truong-theo-huong-tiep-can-da-kenh-de-nang-cao-hieu-qua-kinh-doanh-anh-vt.jpg
Bên cạnh phát triển nền tảng online, Công ty TNHH Trần Lâm Gia Phát chú trọng phát triển thị trường theo hướng tiếp cận đa kênh để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Ảnh: V.T

Hiện nay, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại là hướng đi tất yếu để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tiếp cận thị trường nhanh hơn, mở ra không gian phát triển rộng lớn. Nắm bắt nhu cầu đó của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh, thời gian qua, Sở Công thương phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật (Bộ Công thương), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam khu vực miền Trung-Tây Nguyên, TikTok Shop và các đơn vị liên quan tổ chức các chương trình tập huấn livestream bán hàng trên các nền tảng số.Từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao năng lực ứng dụng vào thực tế, mở ra cơ hội trong việc tiếp cận thị trường, quảng bá thương hiệu và bán hàng trực tuyến.

Hiện có nhiều chủ thể sản xuất ở Gia Lai đã được hỗ trợ kết nối đưa sản phẩm như: tiêu Lệ Chí, cà phê Đak Yang, cà phê BaKa, mật ong Phương Di, bò khô chị Ba, tinh dầu bơ, chuối sấy, hạt điều, hạt mắc ca… lên sàn TikTok Shop.

Tới đây, Sở Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện nội dung về ứng dụng thương mại điện tử để nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, đơn vị sẽ tổ chức phiên livestream các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh để hỗ trợ các nhà sản xuất bán hàng. Đây là hướng đi mới nhưng đầy tiềm năng khi các sản phẩm nông nghiệp có thể tiếp cận người tiêu dùng cả nước. Mô hình này từng tạo đột phá ở nhiều tỉnh như Lâm Đồng, Sơn La, Bắc Giang… và đang được kỳ vọng sẽ tạo luồng sinh khí mới cho chuỗi tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Gia Lai.

sau-khi-duoc-huong-dan-ve-cach-thuc-livestream-nhieu-ho-san-xuat-da-biet-ung-dung-vao-thuc-te-de-phat-trien-thi-truong-anh-vt.jpg
Sau khi được hướng dẫn cách thức livestream, nhiều hộ sản xuất đã biết ứng dụng vào thực tế để phát triển thị trường. Ảnh: V.T

Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đánh giá: Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại đang được triển khai một cách thực chất, bài bản và có chiều sâu. Tại hầu hết các hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh, Trung tâm luôn dành một khu vực riêng để hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử

VŨ THẢO / Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới