Công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị một số mã cổ phiếu cần quan tâm cho phiên giao dịch hôm nay 13/5.
Khuyến nghị khả quan với cổ phiếu TPB
Công ty Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng lợi nhuận ròng năm 2025/2026 của Ngân hàng Tiên Phong (mã TPB trên sàn HSX) tăng 18,3%/14,1% so với cùng kỳ.
Với tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt 19,9% so với cùng kỳ, MBS kỳ vọng tăng trưởng năm 2025/2026 đạt 18,8%/15,2% nhờ mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp và sự hồi phục của tín dụng bán lẻ, TPB tích cực tham gia các gói tín dụng cho các lĩnh vực được Chính Phủ ưu tiên như đầu tư hạ tầng và công nghệ số, cho vay nhà ở xã hội. Ngoài ra, TPB tiếp tục thúc đẩy các hoạt động phi tín dụng để dần giảm lệ thuộc vào hoạt động tín dụng và được kỳ vọng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để đảm bảo lợi nhuận của ngân hàng. Kế hoạch 2025 khá tham vọng với lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2025, TPB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm 2024, và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Tổng tài sản đạt 450.000 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế dự kiến đạt 313,750 tỷ đồng và tăng 20% so với cùng kỳ, sẽ chờ được phê duyệt chính thức theo từng thời kỳ. Bên cạnh đó, tổng huy động dự kiến đạt 420,000 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu theo TT31/2024 dưới ngưỡng 2,5%.Trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 10% và bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5%.
MBS giảm giá mục tiêu xuống 18.200 đồng (thấp hơn 13% so với trước). Giá mục tiêu mới dựa trên cơ sở tăng trưởng tín dụng năm 2025 đạt 18,8% và NIM dự kiến giảm nhẹ, tỷ lệ nợ xấu tăng 50 đcb so với dự báo trước, mức P/B mục tiêu thấp hơn. Cổ phiếu TPB đã giảm mạnh 26% kể từ đỉnh 1 năm, trong khi cổ phiếu ngành ngân hàng chỉ giảm 9%. Hiện TPB giao dịch ở 0.8x P/B năm 2025, thấp hơn 33% so với mức trung bình 3 năm (1.2x). Có thể thấy, đây là mức P/B thấp nhất của TPB từ trước đến nay, và là mức định giá hấp dẫn đối với tiềm năng của TPB cũng như có thể bù đắp rủi ro về chất lượng tài sản. Do đó, MBS duy trì khuyến nghị khả quan với cổ phiếu TPB với tiềm năng tăng giá là 30%.
Khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu GAS
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), công suất lắp đặt nguồn điện khí và điện khí LNG tăng mạnh trong giai đoạn 2025–2030 theo QHĐ8 điều chỉnh. Trước tình trạng cạn kiệt khí khô từ các mỏ nội địa, khí LNG nhập khẩu là giải pháp tối ưu giúp bổ sung kịp thời nguồn khí cho các nhà máy điện ở Đông Nam Bộ đảm bảo nguồn cung nhiên liệu cho phát điện. Trong năm 2025, nhu cầu tiêu thụ LNG được kỳ vọng sẽ tăng cao khi nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4 đi vào vận hành thương mại chính thức vào tháng 7 và tháng 10, bên cạnh đó là nhu cầu LNG cho các nhà máy điện Phú Mỹ chạy hỗn hợp cùng khí khô nội địa trong giai đoạn cao điểm mùa khô. Ngoài ra, các dự án khí trọng điểm, đặc biệt là mỏ khí Lô B đang gấp rút được triển khai từ nay tới cuối 2027 nhằm bổ sung nguồn cung khí khô trong nước sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn cho GAS.

Hoạt động thương mại LPG quốc tế là động lực tăng trưởng mới. Trước tình trạng nguồn cung khí nội địa sụt giảm, hoạt động xuất khẩu LPG trở thành mũi nhọn mới của GAS và đã tăng trưởng rất tích cực trong 3 năm vừa qua. Sản lượng xuất khẩu và kinh doanh quốc tế LPG của GAS tăng trưởng CAGR 70% trong hai năm 2023 và 2024, trong khi đó, sản lượng LPG nội địa tiếp tục duy trì ổn định ở mức trên dưới 1,5 triệu tấn mỗi năm giúp tỷ trọng đóng góp vào doanh thu thuần của mảng LPG tăng trưởng đáng kể từ mức 41% (2022) lên 53% (2024).
BVSC kỳ vọng mảng kinh doanh LPG quốc tế sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 7,4% CAGR trong giai đoạn 2025–2030 nhờ nhu cầu tiêu thụ LPG tại Campuchia đang trong giai đoạn bùng nổ; và GAS có lợi thế vị trí địa lý và kho cảng cho việc phân phối LPG sang Campuchia.
Tỷ suất cổ tức hấp dẫn, rủi ro đến từ khoản phải thu. BVSC kỳ vọng GAS sẽ tiếp tục chi trả cổ tức với tỷ lệ từ 30%-60% trong năm 2025 với tỷ suất cổ tức khoảng 5% – 10% thị giá cổ phiếu nhờ duy trì lượng tiền mặt cao, đòn bẩy tài chính thấp. Tuy nhiên, khoản phải thu khó đòi tăng mạnh là rủi ro hiện hữu khi trong năm 2024, khoản phải thu ngắn hạn của GAS tăng 2.233 tỷ đồng, trích lập dự phòng phải thu khó đòi tăng 1.918 tỷ khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 117% so với cùng kỳ. Nguyên nhân đến từ việc EVN chậm thanh toán chi phí nhiên liệu cho các nhà máy điện Nhơn Trạch và Phú Mỹ do những những vướng mắc về đơn giá vận chuyển khí. BVSC kỳ vọng những vướng mắc nêu trên sẽ sớm được giải quyết và GAS có thể hoàn nhập một phần khoản trích lập từ 2026.
Sử dụng 2 phương pháp định giá FCFF và P/E, BVSC xác định giá mục tiêu cho cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam là 63.990 đồng/cổ phiếu, khuyến nghị trung lập với tiềm năng tăng giá 2,7%.
Nguồn: vov.vn