Thứ Ba, 23 Tháng Tư, 2024
Trang chủNông NghiệpMuốn lập sàn giao dịch để 'kiểm soát' giá tiêu

Muốn lập sàn giao dịch để ‘kiểm soát’ giá tiêu

Năm 2017, là năm lượng hồ tiêu xuất khẩu đạt mức kỷ lục nhưng giá trị thu về lại giảm do giá bán bình quân chưa đến 5.300 đô la Mỹ/tấn, và có nhiều dự báo giá hồ tiêu trong những năm tới khó có thể tăng lên. Vì thế, theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), cần đẩy nhanh việc lập sàn giao dịch hồ tiêu để sớm kiểm soát giá trên thị trường.
Năm 2012, diện tích trồng hồ tiêu cả nước đạt 50.000 ha nhưng đến hết năm 2017, con số này đã tăng lên gấp 3 khi chạm mốc 150.000 ha, theo VPA. Ảnh: NH
Ý tưởng lập sàn giao dịch hồ tiêu đã được VPA đưa ra có từ năm 2017. Và hậu thuẫn cho ý tưởng này, vào tháng 3-2017, Bộ Công Thương có quyết định 1071/QĐ-BCT đưa hồ tiêu vào danh mục hàng hóa được phép giao dịch qua Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX).
Song, VPA vẫn mong muốn có một sàn giao dịch riêng cho mặt hàng hồ tiêu để doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng như người trồng tiêu có thể giao dịch mà mục đích có sàn này tại Việt Nam sẽ giúp “kiểm soát” giá hồ tiêu trên thị trường.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, năm 2017, dù lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam cao nhất trong nhiều năm qua nhưng giá trị thu về lại giảm do giá bán bình quân thấp. Cụ thể, năm ngoái, Việt Nam đã xuất đi 214.000 tấn, giá trị thu về là 1,12 tỉ đô la Mỹ, tăng 20,5% về lượng nhưng lại giảm 22% về giá. Nguyên nhân là do giá xuất khẩu bình quân chỉ ở mức 5.258 đô la/tấn, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy giá xuất khẩu hồ tiêu năm 2017 đã thấp nhưng những năm tới được dự báo giáo vẫn ở mức thấp hơn. Theo nghiên cứu thị trường của Nespice và Indexbox dự báo, giai đoạn 2017-2020, cung sẽ tiếp tục vượt cầu vì thế, giá tiêu cũng sẽ có xu hướng giảm trong những năm tới.
Điều này trùng với dự báo của VPA đưa ra tại hội thảo Thúc đẩy phát triển sản xuất hồ tiêu bền vững vào cuối tháng 1 khi cho rằng, nguồn cung hồ tiêu đang cao hơn nhu cầu tiêu thụ nên giá hồ tiêu thị trường có xu hướng không tăng lên, điều này đồng nghĩa với đó là lợi nhuận từ sản xuất hồ tiêu của nông dân không được như những năm trước. VPA dự báo, giá xuất khẩu hồ tiêu bình quân giai đoạn từ nay đến năm 2030 vào khoảng 4.370 đô la/tấn, thấp hơn 888 đô la trên mỗi tấn so với năm 2017
Dù giá hồ tiêu có thể không tăng trong những năm tới nhưng có một điều chắc chắn Việt Nam vẫn là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu. Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA, trong tương lai Việt Nam vẫn sẽ là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Và để Việt Nam có thể chi phối thị trường gia vị thế giới, cần sớm hình thành sàn giao dịch hồ tiêu ở Việt Nam.
VPA và một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu viện cớ rằng, nhiều năm qua, Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm 50% lượng hồ tiêu thương mại toàn cầu nhưng lại không có một sàn giao dịch cho mặt hàng này mà lâu nay phải tham chiếu giá hồ tiêu từ một số sàn ở Ấn Độ.
Một lý do khác để VPA muốn có một sàn giao dịch hồ tiêu tại Việt Nam là vào tháng 7-2017, Sở Giao dịch Hàng hóa Quốc gia (NCDEX) đã tái khởi động giao dịch hạt tiêu kỳ hạn trên sàn này sau gần 5 năm tạm ngừng. Việc đưa hồ tiêu trở lại giao dịch, phía NCDEX kỳ vọng việc đưa hạt tiêu kỳ hạt vào giao dịch trở lại sẽ thút thêm các nhà đầu tư và qua đó là cho đà giảm giá hồ tiêu được kìm hãm. Đó cũng là một trong những “động lực” để VPA càng muốn có một sàn giao dịch hồ tiêu của Việt Nam.
Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, ý tưởng lập sàn giao dịch hàng hóa cho các mặt hàng nông sản đã được đưa ra từ nhiều năm trước như Trung tâm giao dịch thủy sản Cần Giờ, TPHCM hoạt động trên mô hình như một sàn giao dịch thủy sản hay sàn giao dịch đường của Công ty cổ phần giao dịch hàng hoá Sài Gòn Thương Tín (Sacom STE), mặt hàng hạt điều cũng được giao dịch thử nghiệm nhưng sau một thời gian, tất cả phải dừng hoạt động vì chưa hiệu quả.
Ngoài mặt hàng hồ tiêu, một mặt hàng khác là cao su cũng được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đưa ra ý tưởng và đang chuẩn bị để hiện thực hóa mà trong đó lý do chính là dùng sàn này để “kiểm soát” giá bán.
Ngọc Hùng (thesaigontimes.vn)

Trang chủ » 04. Thị trường hồ tiêu » Muốn lập sàn giao dịch để ‘kiểm soát’ giá tiêu

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới