Thứ Bảy, 17 Tháng 5, 2025
Trang chủTin Gia LaiNgành điện lên tiếng về chất lượng hàng loạt trụ bị gãy...

Ngành điện lên tiếng về chất lượng hàng loạt trụ bị gãy đôi ở Gia Lai

Đại diện Công ty Điện lực tỉnh Gia Lai cho biết, các trụ điện khi đưa vào vận hành đều phải trải qua những thí nghiệm về khả năng chịu lực một cách nghiêm ngặt.

Liên quan đến sự cố hàng loạt trụ điện bị gãy đôi vào chiều 14/5 tại xã Ia Ka, huyện Chư Păh, Công ty Điện lực Gia lai thông tin, hệ thống các trụ điện dọc tuyến tỉnh lộ 661, đoạn qua huyện Chư Păh thuộc dự án cấp điện thôn, buôn tỉnh Gia Lai, do Ban quản lý Điện nông thôn miền Trung làm chủ đầu tư.

Cũng theo Công ty Điện lực Gia lai, hệ thống các trụ điện ở tỉnh lộ 661 được đưa vào vận hành từ năm 2010.

Ngành điện lên tiếng về chất lượng hàng loạt trụ bị gãy đôi ở Gia Lai - 11
11 trụ điện ở huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai bị gãy đôi trong cơn mưa (Ảnh: Phạm Hoàng).

Những trụ điện này được làm theo công nghệ dự ứng lực. Trước khi xuất xưởng, trụ điện này đều được thí nghiệm về độ chịu lực và kiểm tra xuất xưởng theo tiêu chuẩn TCVN 5847:2016.

Trong quá trình vận hành, nhân viên ngành điện lực luôn thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ.

Công ty Điện lực Gia lai cho biết, về niên hạn sử dụng của những trụ điện này không có quy định cụ thể. Trong quá trình rà soát, phát hiện hư hỏng, gãy đổ sẽ được khắc phục hoặc thay mới.

Ngành điện lên tiếng về chất lượng hàng loạt trụ bị gãy đôi ở Gia Lai - 12
Hàng loạt trụ điện bị gãy khiến gần 2.000 hộ dân bị mất điện tạm thời (Ảnh: Phạm Hoàng).

Ông Phạm Anh Cường, Trưởng phòng kỹ thuật, Công ty Điện lực Gia Lai, chia sẻ: “Các trụ điện trên tuyến 661 đều phải đạt các tiêu chuẩn quy định rồi mới đưa vào vận hành. Trong quá trình vận hành, Điện lực huyện Chư Păh thường xuyên theo dõi và kiểm tra đường dây, trụ, cột, móng. Bởi vậy, không có tình trạng trụ điện kém chất lượng mà đưa lên lưới”.

Theo ông Cường, khi dông bão xảy ra sẽ tạo những cơn xoáy có lực rất lớn. Các trụ điện đã mang trọng lượng từ đường dây rất lớn và khi luồng gió lốc trúng tâm sẽ gây ra việc gãy đổ theo dây chuyền. 

“Khi trúng luồng gió lốc, các trụ điện thường bị áp lực rất lớn từ trên xuống. Tuy nhiên, phần móng được xây dựng chắc chắn nên đã tạo ra 2 lực đối nghịch nhau ở vùng thân trụ. Bởi vậy, trụ điện thường bị gãy đôi ở phần thân. Khi gãy, sắt trong phần lõi chịu một lực co giãn nên bị rút vào trong”, ông Cường giải thích.  

Cũng theo ông Cường, các trụ điện này đều được sản xuất theo công nghệ dự ứng lực. Ưu điểm của công nghệ này là khả năng chịu tải cao, độ bền tốt, chống thấm, ăn mòn…

Ngành điện lên tiếng về chất lượng hàng loạt trụ bị gãy đôi ở Gia Lai - 13
Các trụ điện khi gãy thì sắt thường co vào trong do lực căng trong quá trình sản xuất (Ảnh: Phạm Hoàng).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, kỹ sư Nguyễn Quốc Huy, Công ty TNHH Vigo chia sẻ: “Dựa vào hình ảnh ghi nhận trên báo Dân trí, tôi nhận định những trụ điện bị gãy thuộc loại trụ bê tông ly tâm dự ứng lực. Đây là loại trụ phổ biến hiện nay, được thiết kế tối ưu để chịu tải trọng dọc”. 

Theo kỹ sư Huy, cấu tạo này không ưu tiên cho khả năng chịu tải ngang, đặc biệt khi xảy ra các tình huống bất khả kháng như dông lốc, gió giật mạnh. Với kết cấu thành mỏng và cốt thép bố trí theo chu vi trụ rất dễ bị gãy ngang, đặc biệt là khi gió lớn, dông lốc rất dễ ngã theo dây chuyền.

“Các đơn vị sản xuất và thiết kế cần xem xét gia cường kết cấu thân trụ, đặc biệt vùng chân trụ, nơi chịu ứng suất uốn lớn nhất khi có tác động ngang. Đồng thời, bố trí trụ néo, trụ góc hoặc cột trung gian tăng cường tại các vị trí xung yếu cũng là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn sự cố lan truyền”, ông Huy nói.

Trước đó, chiều 14/5, tại xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai xảy ra mưa lớn đã khiến 11 trụ điện bị gãy đôi và đổ ra tuyến tỉnh lộ 661.

Sự cố cũng khiến 1.987 khách hàng bị mất điện trong khoảng 5 giờ, rất may không có thiệt hại về người.

Phạm Hoàng / Nguồn: Dân Trí

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới