Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiNgành Y tế Gia Lai phát triển cả bề rộng lẫn chiều...

Ngành Y tế Gia Lai phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu

Những năm gần đây, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, trang-thiết bị, đồng thời được chuyển giao và ứng dụng hiệu quả nhiều kỹ thuật cao để nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh cho người dân. Không chỉ các bệnh viện công, việc thành lập các bệnh viện tư nhân cũng giúp người dân có nhiều sự lựa chọn dịch vụ.

Ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong điều trị

Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị đi đầu trong tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng hiệu quả các kỹ thuật cao trong khám-chữa bệnh. Bác sĩ Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện-cho hay: Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bệnh viện đã tập trung công tác phòng-chống dịch, nhất là chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Nhờ vậy, số bệnh nhân tử vong do Covid-19 của Gia Lai rất thấp so với cả nước. “Hiện tình hình dịch cơ bản đã được kiểm soát, Bệnh viện tiếp tục duy trì công tác phòng-chống dịch, đồng thời nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh để xứng tầm là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh”-bác sĩ Mỹ nói.

Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tuy chỉ là bệnh viện hạng 2 nhưng đơn vị đã triển khai nhiều kỹ thuật cao của bệnh viện hạng 1 gồm: phẫu thuật nội soi, phẫu thuật thần kinh-cột sống, vi phẫu thuật thần kinh sọ não… Qua đó, bệnh nhân được điều trị tại chỗ, hạn chế tình trạng chuyển tuyến. Đặc biệt, Khoa Tim mạch đã được chuyển giao và ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong điều trị. Trước đây, đa phần người dân có bệnh lý tim mạch hầu như phải chuyển tuyến trên. Việc thành lập chuyên khoa tim mạch đã giúp người dân được điều trị tại chỗ, hạn chế chuyển tuyến.

Một ca phẫu thuật nội soi cắt cổ tử cung tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Như Nguyện
Một ca phẫu thuật nội soi cắt cổ tử cung tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Như Nguyện

Chị Hoàng Thị Kim Hằng (thôn Thanh Giáo, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) chia sẻ: Ba chồng tôi bị bệnh tim nhiều năm nay. Trước kia, ông phải lên tuyến trên điều trị. Hiện nay, Khoa Tim mạch giúp người bệnh được chữa trị tại chỗ. Chi phí điều trị giảm rất nhiều so với chuyển tuyến.

Bác sĩ Thái Thị Thùy Linh (Khoa Tim mạch) cho biết: Từ khi Khoa đi vào hoạt động đã giảm hẳn số lượng bệnh nhân chuyển tuyến. Trung bình mỗi năm, Khoa điều trị nội trú 2.300-2.500 bệnh nhân tim mạch. “Chúng tôi đã triển khai nhiều kỹ thuật trong điều trị bệnh lý tim mạch như: đặt máy tạo nhịp tim tạm thời; tái thông mạch vành bằng thuốc tiêu sợi huyết; xử trí nhiều loại rối loạn nhịp; đo xơ vữa động mạch; siêu âm tim, siêu âm mạch máu; Holter điện tim, Holter huyết áp… Đồng thời, Khoa thường xuyên cập nhật các bước tiến mới trong điều trị bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối. Hàng tuần, các y-bác sĩ hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Tim Hà Nội, tạo thuận lợi trong điều trị các ca bệnh khó, phức tạp”-bác sĩ Linh thông tin.

Mặc dù mới đi vào hoạt động 5 năm nhưng Bệnh viện Nhi tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong khám, điều trị chuyên khoa nhi. Mới đây, Bệnh viện đã phẫu thuật thành công cho một bệnh nhi sơ sinh bị teo thực quản bẩm sinh hiếm gặp. Trước đó, những trường hợp này đều phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Ngoài ra, nhiều kỹ thuật mới đã được triển khai tại Bệnh viện đáp ứng yêu cầu khám-chữa bệnh ngày càng cao về chuyên khoa nhi. Bác sĩ Hoàng Ngọc Thành-Phó Giám đốc Bệnh viện-cho hay: 5 năm qua, Bệnh viện đã khám-chữa bệnh cho trên 400 ngàn lượt bệnh nhân, số bệnh nhân phải chuyển tuyến giảm 50% so với trước. Trước đây, các dị tật bẩm sinh về tim, bệnh lý ác tính, một số trường hợp phẫu thuật cấp cứu như thoát vị cơ hoành, teo thực quản, dậy thì sớm, suy giáp… đều phải chuyển tuyến. Hiện nay, Bệnh viện đã thực hiện được phẫu thuật teo thực quản, thoát vị cơ hoành. Lĩnh vực chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng cũng đạt nhiều kết quả tích cực; cá biệt có trường hợp trẻ sơ sinh non tháng chỉ nặng 700 gram được nuôi sống thành công. Đối với lĩnh vực ngoại khoa đã mổ được nhiều trường hợp dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh và bước đầu có những thành công trong lĩnh vực phẫu thuật sọ não.

Nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh

Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Thành, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, Bệnh viện Nhi tỉnh sẽ triển khai những kỹ thuật mới như: sử dụng một số xét nghiệm dậy thì sớm giữ bệnh nhân điều trị tại chỗ, thành lập Khoa Ung bướu điều trị một số bệnh ác tính cho trẻ em, thành lập ngân hàng máu. Ngoài ra, Bệnh viện triển khai đo thính lực cho trẻ nhằm phát hiện bị điếc bẩm sinh và thực hiện cấy ốc tai điện tử cho những cháu bị mất thính lực.

Đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ Phạm Bá Mỹ nhấn mạnh: Giai đoạn 2020-2025, đơn vị phấn đấu lên bệnh viện hạng 1. Theo đó, đơn vị tăng cường đầu tư trang-thiết bị, máy móc hiện đại đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh và hỗ trợ cho việc triển khai các ứng dụng kỹ thuật cao trong điều trị. “Mới đây, Bệnh viện được đầu tư hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA). Đây là hệ thống chụp hình mạch máu mới, giúp thấy rõ hơn các thương tổn và bệnh lý mạch máu trước khi chỉ định can thiệp mạch. Hệ thống này sẽ giúp chúng tôi triển khai nhiều kỹ thuật cao trong điều trị tại chỗ, không phải chuyển tuyến trên. Ngoài ra, Bệnh viện đã được phê duyệt trang bị máy xạ trị gia tốc hiện đại giai đoạn 2020-2025”-bác sĩ Mỹ thông tin.

Khám chữa bệnh cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện
Hiện tuyến tỉnh có 6 bệnh viện, 2 chi cục và 4 trung tâm gồm: Kiểm soát bệnh tật, Kiểm nghiệm, Giám định Y khoa, Pháp y. Tuyến huyện có 17 trung tâm y tế và 220 trạm y tế. Tổng số giường bệnh kế hoạch là 4.190 giường; tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 8,2; giường bệnh/vạn dân đạt 27,5; tỷ lệ xã/phường có bác sĩ là 93%. Toàn tỉnh có 203 trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế, chiếm 92,27%. Ngoài ra, toàn tỉnh có 3 bệnh viện tư nhân với tổng cộng 260 giường bệnh, nhân lực 498 người, trong đó có 78 bác sĩ.

Bên cạnh hệ thống bệnh viện công, các bệnh viện tư nhân cũng đầu tư nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh. Bác sĩ Trương Đình Hưng-Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai-cho hay: Nhằm đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh ngày càng cao, đơn vị không ngừng hoàn thiện cơ sở vật chất, trang-thiết bị đảm bảo phục vụ công tác khám-chữa bệnh và nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật cao trong khám, điều trị cho bệnh nhân. Sắp tới, Bệnh viện sẽ triển khai một số khoa như: Hồi sức tích cực để điều trị các bệnh nặng; thành lập đơn vị Tim mạch can thiệp và một số chuyên khoa khác.

Bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế-đánh giá: Đến nay, hệ thống y tế đã được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở. Các cơ sở y tế từng bước được nâng cấp cả về cơ sở vật chất, trang-thiết bị, con người. Đội ngũ nhân lực ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng; số lượng bác sĩ, dược sĩ có trình độ trên đại học ngày một tăng cao. Qua đó, công tác khám-chữa bệnh từng bước đi vào chuyên sâu, ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong khám và điều trị, vì sự hài lòng của người bệnh. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa y tế được chú trọng, đặc biệt là việc thành lập các bệnh viện tư nhân với trang-thiết bị, nguồn nhân lực chất lượng cao chuyên sâu như: Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai, các bệnh viện mắt và các cơ sở hành nghề y dược tư nhân đã góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế công lập, đồng thời giúp người dân tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao.

NHƯ NGUYỆN

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới