Thứ Sáu, 17 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiNghìn thu vẫn nhớ nghĩa xưa

Nghìn thu vẫn nhớ nghĩa xưa

Nếu vùng đất cửa ngõ An Khê là nơi lưu dấu chân đầu tiên của người Việt ở Gia Lai và cả Bắc Tây Nguyên, thì ở phía hạ lưu sông Ba, vùng đất Krông Pa, Gia Laicũng ghi nhận sự xuất hiện của người Việt khá sớm so với các địa phương khác.

Ở ngay ngã ba đường vào xã Phú Cần có một tảng đá lớn khắc dòng chữ “Phú Cần 1925” cho biết đất Phú Cần hình thành vào những năm đầu của thế kỷ XX. Đi xa hơn một chút sẽ bắt gặp đền thờ tiền hiền nằm phía cuối thôn Thắng Lợi trong một không gian khoáng đạt, mặt nhìn ra cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay dọc sông Ba huyền sử, lưng dựa vào dãy núi với thế “đạp thủy tựa sơn” đầy chủ ý. Đây là nơi thờ tự, ghi nhớ công lao của tiền nhân đã có công khai khẩn đất hoang, mộ dân, lập nên làng người Việt đầu tiên ở vùng hạ lưu sông Ba gần trăm năm trước.

Ngày giỗ tiền hiền 28 tháng 5 Âm lịch hàng năm cũng là ngày kỷ niệm thành lập làng Phú Cần.                                                  Ảnh: Nguyễn Giác
Ngày giỗ tiền hiền 28 tháng 5 Âm lịch hàng năm cũng là ngày kỷ niệm thành lập làng Phú Cần. Ảnh: Nguyễn Giác

Lịch sử một vùng đất

Người dân quanh vùng kể rằng, đền thờ được dựng trên chính ngôi nhà vị tiền hiền lập nên làng Phú Cần từng sinh sống. Đó là ông Phan Hữu Phàn (sinh năm 1903, quê ở thôn An Chấn, xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Một số bậc lão niên kể rằng, năm 1925, ông Phan Hữu Phàn cùng một người bạn là thương nhân Nguyễn Thành Cựu thường xuyên đem sản vật từ đồng bằng ven biển lên cao nguyên mua bán, trao đổi. Bằng con mắt nhìn xa trông rộng, chàng trai trẻ Phan Hữu Phàn để ý thấy vùng Krông Pa đất đai bao la trù phú “trăm ngàn phần chưa làm hết một”, lại có rất nhiều sản vật từ sông, từ rừng nên bàn với bạn cùng nhau chung sức khai cơ lập nghiệp trên vùng đất mới. Theo quy định của chính phủ Nam Triều khi đó, “ai đủ tiền, đủ sức, muốn trưng khẩn mấy cũng có”.

Nhờ sự giúp đỡ của vị trưởng đạo quản lý vùng đất là ông Phùng Duy Cần, ông Phàn được chính phủ cho phép khai khẩn lập làng. Ông trở về quê hương Phú Yên mộ được 19 gia đình lên cao nguyên, lập nên làng người Việt đầu tiên trên vùng đất Krông Pa, đặt tên là Phú Cần. Chữ “Phú” lấy từ chữ Phú Yên quê hương ông và cũng có nghĩa là vùng đất trù phú. Chữ “Cần” để ghi nhớ công đức của vị trưởng đạo đã giúp đỡ ông trong quá trình khai khẩn lập làng.

Như vậy, ngay trong cách đặt tên làng đã chứa đầy ngụ ý của vị tiền hiền, nhằm ý nhị dặn dò cho ngàn sau rằng, con người sống phải biết trước biết sau, luôn hướng về quê hương, nguồn cội cho dù ở bất cứ đâu; song cũng không quên những ân tình mà vùng đất mới đã dành cho. Địa giới làng Phú Cần ngày ấy giáp sông Mlah về phía Đông, phía Tây giáp khẩu Chà Và (nay là ranh giới giữa xã Chư Gu và thị trấn Phú Túc), phía Nam giáp sông Ba và phía Bắc giáp đường 7 (quốc lộ 25 bây giờ). Hiện nay, làng Phú Cần được chia tách thành xã Phú Cần và thị trấn Phú Túc.

Lưu dân người Việt từ đồng bằng ven biển lên khai phá vùng đất cao nguyên Krông Pa trong buổi đầu gặp không ít khó khăn, trở ngại không chỉ bởi bệnh tật xứ thượng ngàn đe dọa mà còn phải đối mặt với những cuộc tranh chấp với người bản xứ. Nhưng nhờ sự khôn khéo của người lập làng, mọi việc luôn được thu xếp ổn thỏa. Năm 1941, sau khi đã tạm thành hình làng người Việt với những nóc nhà đơn sơ và dần biến đất hoang thành những bờ bãi trù mật, ông Phan Hữu Phàn lâm bệnh nặng và mất khi còn khá trẻ (38 tuổi).

Các bậc lão niên còn kể lại rằng, năm 1945, làng Phú Cần phải tạm di dời vào sâu trong núi để tránh thương vong do chiến tranh. Sau Hiệp định Genève (1954), người dân mới trở về làng cũ và gần như phải bắt đầu lại mọi thứ. Sau bao biến cố trên vùng đất mới, nhờ sự cần cù, chịu khó, những người Việt từ đồng bằng ven biển đã biến vùng rốn hạn trên cao nguyên thành vùng đất trù phú cho đến ngày nay.

Biểu tượng của cội nguồn

Ghi nhớ công lao của ông Phan Hữu Phàn-bậc tiền hiền đã có công khai hoang lập làng, người dân nơi đây đã lập đền thờ, lấy ngày 28 tháng 5 Âm lịch hàng năm là ngày giỗ ông. Bà Trần Thị Nhị-người gắn bó với đền thờ tiền hiền gần nửa thế kỷ, kể rằng: “Tháng 5 Âm lịch là thời điểm nắng nóng khô hạn, nhưng cứ trước ngày giỗ ông là trời lại đổ mưa. Vậy nên, người dân càng tin rằng, vị tiền hiền vẫn phù hộ con cháu, là điểm tựa tinh thần và người dân một lòng hướng về ngày này như hướng về cội nguồn”.

Bà Nhị còn kể thêm rằng, những năm trước 1975, ngày giỗ bậc tiền hiền do cả làng đứng ra tổ chức. Ai có nếp góp nếp, có gà góp gà, mỗi người một ít nhưng cũng làm nên lễ cúng rất trang trọng. Sau giải phóng, nhất là khi thành lập được Ban phụng tự (gồm 9 người, được UBND huyện công nhận), việc giỗ chạp đã có người đứng ra lo liệu. Người dân đóng góp chút tiền để Ban phụng tự lo liệu việc giỗ chạp thường niên; mỗi năm dư ra một ít nên làng đã xây được đền thờ mới khang trang, chi phí 200 triệu đồng. Trước đây, đền thờ chỉ là ngôi nhà tranh vách đất, trải qua mưa nắng thời gian, dù được sửa chữa nhiều lần nhưng đã hư hại xuống cấp.

“Sự có mặt của người Việt từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX trên vùng Bắc Tây Nguyên và những thành công của họ trong quá trình khai phá đã dần biến vùng đất hoang vu thành những xóm làng trù phú, ruộng rẫy tốt tươi. Sự có mặt của họ đã góp phần quan trọng làm biến đổi căn bản về kinh tế, văn hóa-xã hội của cả vùng”-Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân đánh giá trong cuốn sách “Đến với Lịch sử-Văn hóa Bắc Tây Nguyên”.

Đền thờ tiền hiền làng Phú Cần tuy giản dị khiêm nhường nhưng là địa chỉ mang nhiều ý nghĩa cho lớp con cháu, những nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về lịch sử một vùng đất. Đây cũng là biểu tượng của cội nguồn, để lớp hậu sinh dẫu có đi đâu về đâu cũng không quên đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nghìn thu vẫn nhớ nghĩa xưa, nhớ đến công lao to lớn của tiền nhân.

Hoàng Ngọc

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới