Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024
Trang chủTin Gia LaiNgười Gia Lai vui Tết đoàn viên

Người Gia Lai vui Tết đoàn viên

Ngày Tết là ngày của những cuộc trở về, đoàn viên, sum họp. Những người con trở về bên gia đình, những người xa quê mưu sinh tìm về cố hương, nguồn cội. Từ đó thắp sáng tình thân và nhịp đập thương yêu trong mỗi gia đình.

Tết để trở về

Như nhiều vùng đất khác, Gia Lai từ lâu đã trở thành miền “đất góp” với những con người đến từ nhiều miền quê khác nhau từ Bắc chí Nam. Dù khó khăn hay dư dả thì gần Tết, những bến xe hay trên những cung đường cửa ngõ cũng tấp nập người, xe đón đưa nhau về quê ăn Tết. Mặc cho những lo toan của cuộc sống thường nhật, mặc cho vất vả trên hành trình sắp tới, họ vẫn rạo rực và háo hức trong lòng chờ ngày đặt chân lên mảnh đất quê hương.

Dù xe cộ ngày Tết chật chội nhưng ai cũng cố mang theo những món quà quê từ Gia Lai về cho người thân ở xứ Bắc. Ảnh: Lê Hòa

Dù xe cộ ngày Tết chật chội nhưng ai cũng cố mang theo những món quà từ Gia Lai về cho người thân ở xứ Bắc. Ảnh: Lê Hòa

“Quê ở Thanh Hóa nhưng lòng trót thương một chiến sĩ bộ đội Biên phòng đóng chân ở biên giới tỉnh Gia Lai, chị Nguyễn Thị Phương Thúy, công tác tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh-theo chồng về Gia Lai. Còn trẻ, nặng gánh mưu sinh, lo cho con nhỏ nên nhiều cái Tết dù nhớ cha mẹ, quê hương, hai vợ chồng đành nén lại trong lòng. “Năm nay, chồng tôi vẫn trực cùng anh em đơn vị, chỉ có 3 mẹ con đưa nhau về quê. Quê nội các cháu ở Thái Bình, quê ngoại lại ở Thanh Hóa. Do đó, 3 mẹ con phải “chia đôi” kỳ nghỉ Tết để trọn vẹn cả đôi bên. Cuộc đoàn viên ngày Tết khiến chúng tôi thấy lòng mình ấm áp hơn, tình cảm gia đình gắn kết hơn”-chị Thúy xúc động chia sẻ.

Về quê nội, hai cháu nhỏ con chị Thúy được gần gũi với ông bà, được thỏa sức khám phá đồng ruộng quê ba và đón một cái Tết rất khác so với những cái Tết trước đây chúng trải qua ở Gia Lai. “Ở quê có nhiều đồng ruộng. Cháu được ra ruộng làm cùng bà nội, được tưới rau, thu hoạch rau. Cháu vui lắm!”-cháu Mai Ngọc Thịnh-con trai chị Thúy hào hứng nói.

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 kéo dài 9 ngày, do đó, nhiều gia đình đã cố gắng tranh thủ về quê đón Tết cùng họ hàng, người thân sau nhiều năm xa quê. Có mặt tại Bến xe Đức Long Gia Lai những ngày cận Tết, chúng tôi bắt gặp vô vàn những gia đình đang bắt đầu chuyến hành trình trở về quê của mình. Dù vất vả bởi đi lại ngày Tết cập rập, chen lấn nhưng mỗi người không ngại đem theo những món quà Tây Nguyên như chứa đựng cả tấm lòng, tình cảm của mình gửi về người thân. “Tết về tôi tìm mua mật ong rừng, nấm linh chi và cả một ghè rượu cần về quê để biếu mọi người và vui Tết. Những món này ở ngoài Bắc khó kiếm lắm”-anh Nguyễn Quang Hạnh (tổ 2, thị trấn Chư Prông) chia sẻ. Còn anh Nguyễn Văn Hai thì cùng vợ và 2 con về quê hương Yên Mô (Ninh Bình) đón Tết thì hào hứng: “Quê mình có nhiều di tích, thắng cảnh, là vùng đất “hai vua” nên mình muốn đưa con cháu về thường xuyên để các cháu hiểu và trân trọng giá trị quê hương mình cũng là thắt chặt tình đoàn kết anh em, họ hàng”.

Mới 16 tuổi nhưng em Lê Văn Nhớ (quê Sóc Trăng) đã gắn bó với công việc mưu sinh tại TP. Pleiku một thời gian. “Nhà em nghèo nên không có điều kiện theo học, em bươn chải tới nhiều nơi để sinh sống, kiếm việc làm. Ở Gia Lai, nhờ công việc phụ làm rẫy cho chủ vườn cà phê, em đã dành được chút tiền để Tết này về quê thăm cha mẹ, gia đình và đón Tết với mọi người”-Nhớ tâm sự.

Tết đoàn viên, Tết yêu thương

Ở chiều ngược lại, mỗi dịp Tết đến xuân về, mảnh đất Gia Lai lại chào đón những người con học tập, làm ăn xa xứ trở về. Họ là những người con Gia Lai học tập, lao động hay sinh sống tại những vùng miền khác nhưng cũng có thể định cư ở nước ngoài, cách xa quê nhà nhiều giờ bay.

Gia đình ông Đào Ngọc Lập Tết năm nay đón một mùa Xuân đoàn viên. Ảnh: Lê Hòa

Gia đình ông Đào Ngọc Lập Tết năm nay đón một mùa Xuân đoàn viên. Ảnh: Lê Hòa

Tết này, gia đình ông Đào Ngọc Lập (tổ 5, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đón một cái Tết vui hơn rất nhiều Tết trước bởi vợ chồng người con trai cả của ông định cư ở Nhật Bản trở về quê nhà đón Tết cùng gia đình. Anh Đào Ngọc Thành (sinh sống tại Tokyo, Nhật Bản)-con trai ông Lập hiện đang là CEO của một công ty đa quốc gia chuyên về công nghệ thông tin có chi nhánh tại Việt Nam. Anh là một trong số 100 gương mặt tiêu biểu được lựa chọn tham dự cuộc gặp “Người Việt tài năng” trong lĩnh vực khoa học công nghệ do Chính phủ Việt Nam tổ chức hồi tháng 8-2018. “Các cháu sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản. Tuy là nước châu Á nhưng phong tục đón Tết khác Việt Nam. Những dịp như thế này là để các cháu nhớ về nguồn cội, quê hương với những phong tục, truyền thống tốt đẹp của người Việt. Dù mai này đi đâu về đâu, các cháu cũng phải nhớ đến gốc rễ của chính mình”-ông Lập chia sẻ. Trong chuyến về Việt Nam ăn Tết, vợ chồng anh Thành đã dành những phần quà nhỏ chia sẻ khó khăn với 60 gia đình nghèo sinh sống tại TP. Pleiku và huyện Kbang để góp phần tạo nên những cái Tết ấm cúng, đủ đầy hơn cho nhưng người nghèo khó.

Tết đoàn viên luôn là niềm mong chờ của bất cứ gia đình nào có người thân ở xa. “Hai con của tôi đều công tác và học tập tại TP. Hồ Chí Minh. Tết năm nay, các cháu về muộn nên vợ chồng tôi ngóng lắm. Bà nhà lo đặt vé xe cho các con từ sớm rồi tìm mua những thứ ngon nhất để nấu nướng, chờ các cháu về. Tết có các con về, cả nhà quây quần gói bánh chưng, đi chợ mua sắm rồi cả nhà cùng nhau du xuân, đi lễ chùa… Đơn giản thế thôi nhưng đem đến niềm hạnh phúc trọn vẹn trong những ngày đầu xuân năm mới”-ông Nguyễn Duy Cùng (tổ 5, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) chia sẻ.

…Những ngày Tết rồi sẽ dần khép lại. Những cuộc đoàn viên rồi sẽ chia tay để mọi người bước vào một năm mới với nhiều dự định ở phía trước. Trong chặng hành trình đi tới, chắc chắn sẽ có những mùa xuân đợi chờ họ ở phía tương lai. Đó vẫn là những mùa xuân đoàn viên, xuân của những chuyến trở về, của yêu thương hòa trong hương vị Tết cổ truyền dân tộc.

Lê Hòa

Theo Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới