Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024
Trang chủThời SựNguy cơ dị ứng các loại hạt ngày Tết

Nguy cơ dị ứng các loại hạt ngày Tết

Theo các bác sĩ, rất nhiều loại hạt như hạt dẻ, hạt điều, hạnh nhân, óc chó, hạt dẻ cười, hạt thông… được chị em ‘săn lùng’ mua để thưởng thức và đãi khách dịp Tết, tuy nhiên một số loại hạ lại có nguy cơ dị ứng.

Nguy cơ dị ứng các loại hạt ngày Tết Ảnh 1

Các loại hạt thường được rao bán rát nhiều trong dịp Tết.

Cảnh báo dị ứng hạt

Chị Nguyễn Thị Hương (Lào Cai) chia sẻ chị không thể nào quên cả Tết năm ngoái chị chỉ gãi vì dị ứng. Chị Hương kể, chiều mùng 1 Tết, chị đến nhà bác và thấy có hạt thông. Loại hạt mới xuất hiện, lạ mắt và ăn béo ngậy. Chị Hương ngồi mải miết bóc ăn. Các loại hạt chị rất mê vì ăn mà không lo béo. Tuy nhiên, sau ăn khoảng nửa tiếng, chị Hương thấy bắt đầu ngứa. Ban đầu là ngứa hai cánh tay phần da mềm mỏng sau đó là mặt trong của đùi và bắt đầu ngứa ran toàn thân.

Chị Hương không giấu nỗi cảm giác sợ hãi khi nhớ lại cơn ngứa ấy. Theo chị Hương, bị ngứa dị ứng thật là khủng khiếp, thà đau bụng, nhức đầu còn uống thuốc. Ngứa quá,chị Hương bắt đầu lấy mật ong bôi da hi vọng hết ngứa nhưng vẫn không có hiệu quả. Cuối cùng, chị phải ra phòng khám bác sĩ cho uống thuốc chống dị ứng. Bác sĩ cho rằng tác nhân có thể do chị Hương đã ăn gì đó. Cả chiều mùng 1 Tết, chị Hương kể chỉ ăn hạt thông. Lúc này, bác sĩ chỉ ra thủ phạm là hạt thông.

Trường hợp bé Nguyễn Ngọc Linh (12 tuổi, con gái chị Lê Hoài Thu ở Cổ Nhuế, Hà Nội) cũng bị dị ứng các loại hạt ngày Tết. Chị Thu kể, năm 5 tuổi cháu đã bị dị ứng hạt ăn xong là nổi mề đay. Từ đó chị Thu không mua các loại hạt ngày Tết. Chị cũng dặn con không được ăn vì gây dị ứng cho bé.

Theo bác sĩ Trần Thu Thủy (Bệnh viện Nhi Trung ương), những loại hạt ngày Tết không thể thiếu trong các gia đình. Đây là những loại hạt giàu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, đây cũng được coi là thực phẩm có tiềm năng gây dị ứng lớn nhất, nghĩa là chỉ cần một lượng rất nhỏ cũng đủ gây phản ứng dữ dội. Khoảng 0,5% dân số dị ứng với các hạt này, bệnh hiếm khi tự khỏi. Với những người bị dị ứng với một loại hạt cây thường cũng sẽ dị ứng với các loại hạt cây khác và có thể dị ứng chéo với lạc. Dị ứng hạt điều được cho là nặng hơn dị ứng lạc.

Bác sĩ Thủy chia sẻ, khi bị dị ứng, triệu chứng lâm sàng bao bồm các dấu hiệu phản ứng nhẹ như nổi mẩn quanh miệng hoặc toàn thân, đau bụng, nôn. Trường hợp nặng có thể gây ho, thở khò khè, khó thở, khàn giọng do dị ứng đường hô hấp. Trường hợp rất nặng có thể gây ngất, thậm chí là sốc phản vệ dẫn tới tử vong.

Một số trường hợp phản ứng dữ dội với hạt có thể bị kích hoạt bởi một lượng thực phẩm cực nhỏ (đôi khi chỉ là tiếp xúc qua da hoặc qua hít thở), người bị dị ứng cần tuyệt đối tránh các thực phẩm này.

Nguy cơ dị ứng từ hạt lạc

Không chỉ dị ứng các loại hạt phổ biến ngày Tết, bác sĩ Thủy cho biết, dị ứng hạt lạc trong ngày thường cũng khá phố biến. Khoảng 0,5-1% trẻ bị dị ứng lạc. Không như dị ứng sữa và trứng, bệnh này ít tự khỏi, 75% các bé vẫn dị ứng lạc khi trưởng thành.

Lạc là cây họ đậu có nguồn gốc Nam Mỹ, cùng họ với các loại đậu hạt, đậu nành. Thủ phạm gây dị ứng là các protein dự trữ, nguồn dinh dưỡng cho sự tăng trưởng của cây sau này. Hai protein gây dị ứng mạnh nhất là vicilin và albumin, vẫn bền vững ở nhiệt độ cao, tuy nhiên lạc nướng gây dị ứng nhiều hơn lạc luộc hay rang.

Biểu hiện lâm sàng của dị ứng lạc có thể gồm dị ứng ở miệng (ngứa miệng và họng) hay khó thở (hen), thậm chí là sốc phản vệ. Trong tất cả các loại dị ứng thức ăn, dị ứng với lạc thường có biểu hiện nặng nề nhất. Lạc có thể gây dị ứng mạnh ngay trong lần sử dụng đầu tiên. Triệu chứng ngứa ran ở môi khi tiếp xúc với lạc là dấu hiệu cảnh báo của phản ứng mạnh có thể xảy ra. Trong một số ít trường hợp, chỉ cần hít phải mùi lạc hoặc tiếp xúc da tối thiểu, thậm chí là hôn nhau cũng có thể dẫn tới dị ứng lạc.

Khoảng 80% trẻ em bị dị ứng lạc sẽ phản ứng ngay trong lần tiếp xúc đầu tiên. Còn chưa rõ vì sao cơ thể có phản ứng dị ứng khi chưa tiếp xúc trực tiếp với lạc trước đó. Có giả thiết cho rằng các bé đã làm quen với protein lạc khi nằm trong bụng mẹ hoặc trong thời gian bú mẹ. Bệnh nhân dị ứng lạc cũng thường dị ứng với các loại hạt cây như hạt dẻ, hạt điều, hạnh nhân, hạt dẻ cười…

Ngưỡng gây dị ứng lạc được ghi nhận là 1 miligam (một hạt lạc có khối lượng trung bình 500-1000 mg). Điều này có nghĩa 1/1.000 hạt lạc cũng có thể làm khởi phát phản ứng dị ứng ở một số bệnh nhân.

Khánh Chi

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới