Đông Nam Á và bán đảo Triều Tiên và có thể là điểm đến tiếp theo của dịch sốt heo châu Phi (ASF) sau khi dịch bệnh lan nhanh tại Trung Quốc, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) cảnh báo hôm 28-8.

Một trang trại heo ở huyện Nghi Dương, thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: AFP
ASF lan nhanh ở Trung Quốc, de đọa các nước láng giềng
Cuối tuần trước, Trung Quốc thông báo phát hiện ổ dịch ASF mới tại tỉnh Chiết Giang, chỉ bốn ngày sau khi tỉnh láng giềng Giang Tô phát hiện ổ dịch này. Ổ dịch mới nhất này ở Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, cách xa ổ dịch đầu tiên ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh 2.150 km về phía nam, xuyên qua các tỉnh chăn nuôi heo lớn Hà Bắc, Sơn Đông và Giang Tô.
Cho đến nay, chỉ trong vòng chưa đến một tháng, Trung Quốc đã phát hiện bốn ổ dịch ASF ở các tỉnh Liêu Ninh, Giang Tô, Hà Nam và Chiết Giang.
Hôm 28-8, FAO ra tuyên bố cảnh báo sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của dịch ASF trên một khu vực rộng lớn ở Trung Quốc, làm dấy lên các lo ngại dịch bệnh này sẽ lan qua các tỉnh biên giới Trung Quốc với bán đảo Triều Tiên và các nước láng giềng Đông Nam Á, nơi hoạt động thương mại và mức tiêu thụ của các sản phẩm thịt heo cũng ở mức cao.
Dịch ASF bùng phát ở Trung Quốc gây sự chú ý của thị trường thịt heo toàn cầu vì nước này chiếm hơn 50% tổng lượng đàn heo thế giới và thịt heo là nguồn cung cấp protein chủ yếu trong khẩu phần ăn hàng ngày của người dân Trung Quốc.
FAO đang liên hệ với nhà chức trách ở Trung Quốc và các nước láng giềng của nước này để phối hợp nâng cao tính sẵn sàng ứng phó nếu dịch ASF lan rộng. FAO cho biết dòng virus ASF ở Trung Quốc giống dòng virus ở những con heo bị nhiễm ASF ở miền đông nước Nga vào năm 2017. Tuy nhiên, cho đến nay, Trung tâm Dịch tễ học và Thú y Trung Quốc chưa tìm ra nguồn gốc của ổ dịch ASF đầu tiên ở Trung Quốc cũng như mối liên quan với dịch ASF ở Nga.
Juan Lubroth, giám đốc cơ quan thú y của FAO cho biết: “Hoạt động vận chuyển các sản phẩm thịt heo có thể làm lây lan dịch bệnh nhanh chóng. Có khả năng hoạt động vận chuyển các sản phẩm đó, chứ không phải heo sống, đã khiến virus ASF lây lan ra nhiều nơi ở Trung Quốc”.
Trong một báo cáo hồi tháng 3, FAO cũng đã cảnh báo nếu ASF lan đến Trung Quốc, điều này có thể gây ra những hậu quả thảm khốc đối với thú y, an ninh và an toàn lương thực, làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh này lan xuống Đông Nam Á.
Trung tâm Thông tin Thú y heo (Mỹ) cho biết: “Ngành công nghiệp chăn nuôi heo chưa bao giờ chứng kiến một đợt bùng phát dịch ASF nào xảy ra trong một không gian sản xuất rộng lớn như vậy, nơi mà các biện pháp kiểm soát chưa được kiểm nghiệm”.
Khoảng cách xa giữa các ổ dịch với các đợt phát dịch ở bốn tỉnh Trung Quốc xảy ra trong một thời gian ngắn, là thách thức lớn để Bắc Kinh kiểm soát dịch bệnh này. Bốn tỉnh xuất hiện dịch có diện tích tổng cộng tương đương diện tích Tây Ban Nha.
Ngoài ra, đàn heo hoang dã ở Trung Quốc, có thể nhiễm ASF mà không biểu hiện các triệu chứng, ước tính có khoảng 33,5 triệu con. Đây có thể là nguồn lây lan ASF nguy hiểm vì khó kiểm soát. Trung Quốc đã cấm săn bắt heo rừng từ năm 1994 trừ phi nông dân có thể chứng minh được chúng phá hoại mùa màng.

Bốn ổ dịch ASF ở Trung Quốc nằm cách nhau khá xa. Ảnh: Reuters
Kiểm tra các trang trại heo trên toàn quốc
Cho đến nay, Trung Quốc đã tiêu hủy 25.000 con heo ở bốn tỉnh bị dịch ASF ảnh hưởng. Các cơ quan chức trách Trung Quốc đang tiến hành kiểm tra các trang trại chăn nuôi heo trên toàn quốc và đề nghị bồi thường cho các nông dân nếu heo của họ bị tiêu hủy để ngăn ngừa ASF lây lan. Các biện pháp này được triển khai để cải thiện khả năng khống chế dịch bệnh sau khi đợt bùng phát dịch heo tai xanh ở Trung Quốc vào năm 2006, khiến hàng triệu con heo bị chết và dẫn đến giá thịt heo tăng gấp bốn lần vào năm đó.
Trong một báo cáo gửi cho Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Bắc Kinh cho biết đã triển khai kế hoạch khẩn cấp và các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn sự lây lan của virus ASF.
Hôm 26-8, Cục quản lý chăn nuôi tỉnh Sơn Đông ra lệnh cấm vận chuyển heo sống và các sản phẩm thịt heo từ các vùng có nguy cơ dịch ASF cao vào tỉnh này, đồng thời cấm các cơ sở giết mổ và các nhà máy chế biến thịt heo ở trong tỉnh sử dụng thịt heo từ các vùng bị dịch.
Sơn Đông nằm sát với tỉnh Hà Bắc và hai tỉnh đã xuất hiện dịch ASF là Hà Nam và Giang Tô. Các xe tải chở heo từ các trang trại và chợ heo ở đông bắc Trung Quốc thường đi qua tỉnh Sơn Đông để đến các cơ sở giết mổ ở phía nam Trung Quốc.
Trong khi đó, tỉnh Hồ Nam, khu vực nuôi heo lớn thứ ba Trung Quốc, cũng đã tăng cường hoạt động kiểm dịch, giám sát các đàn heo sống và các sản phẩm heo được vận chuyển đi ngang qua tỉnh này.
Hôm 27-8, Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc ra thông báo cho biết đã tăng cường các biện pháp kiểm dịch ở các sân bay sau khi phát hiện virus ASF trong thực phẩm Trung Quốc do một du khách Hàn Quốc mang về. Thông báo nói rằng du khách Hàn Quốc này đã mua các sản phẩm thịt heo đã chế biến từ Trung Quốc và tự nguyện đem đến nhà chức trách để trình báo.
Rất khó để tiệt trừ hoàn toàn
Virus ASF được phát hiện đầu tiên ở châu Phi cách đây gần một thế kỷ và lây lan sang châu Âu vào thập niên 1960, khiến khu vực phải mất ba thập kỷ mới khống chế được. ASF là dịch bệnh gây chết chóc nhất đối với đàn heo. Các con heo bị nhiễm virus ASF sẽ xuất hiện các triệu chứng sốt, xuất huyết ở da và các cơ quan nội tạng, khiến chúng chết trong vòng 2-10 ngày, theo OIE. Tỷ lệ tử vong ở heo mắc bệnh này có thể lên đến 100%.
Virus ASF có khả năng lây lan cực cao. Nó lây lan qua những con ve bét và sự tiếp xúc trực tiếp giữa các động vật và cũng như lây lan qua thực phẩm, thức ăn chăn nuôi nhiễm bẩn và hoạt động di chuyển của con người từ các vùng bị dịch. Chưa có vắc-xin phòng chống dịch ASF nhưng căn bệnh này không nguy hiểm cho con người.
Phương án khả dĩ nhất để ngăn chặn lây lan virus này là tiêu hủy mọi con heo bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, nhà chức trách cần phải triển khai các biện pháp phòng ngừa khác như khử trùng, khoanh vùng bị dịch để hạn chế tốc độ lây lan.
Từ năm 2007 đến tháng 7-2017, có 5.445 ổ dịch ASF được phát hiện ở châu Âu, bao gồm 903 ổ tại Nga.
Kinh nghiệm ở Nga cho thấy dịch ASF rất khó kiểm soát. Dịch ASF đã khiến 800.000 con heo chết ở Nga và nước này phải mất một thập kỷ mới khống chế được dịch bệnh này.
Theo OIE, các chương trình tiệt trừ ASF thành công thường liên quan đến chẩn đoán nhanh, tiêu hủy động vật ở các ổ dịch, khử trùng và vệ sinh kỹ càng, loại bỏ các côn trùng như ve bét, kiểm soát và giám sát di chuyển heo và người từ các vùng bị dịch.
Đợt bùng phát ASF gần đây nhất ở châu Âu được phát hiện ở Georgia vào năm 2007 và sau đó lan sang Armenia, Nga và Azerbaijan. Dịch bệnh này xâm nhập vào Ukraine, Belarus và Romania lần lượt vào các năm 2012, 2013 và 2017.
Mới đây nhất, hôm 25-8, Romania xác nhận một ổ dịch ASF xuất hiện ở trang trại heo lớn nhất Romania ở hạt Braila. Nhà chức trách cho biết sẽ tiêu hủy tất cả 140.000 con heo ở trang trại này. Họ nghi ngờ trang trại đã sử dụng nguồn nước của một con sông Danube gần đó. Có những thông tin cho biết một số nông dân nuôi heo đã vứt xác của các con heo nhiễm bệnh xuống sông này.
Lê Linh/ thesaigontimes (Theo Reuters, Bloomberg)
Trang chủ » 14. Thị trường chăn nuôi » Góc chia sẻ – Nông nghiệp thế giới » Nguy cơ sốt heo châu Phi từ Trung Quốc lan sang Đông Nam Á