Căn cứ vào gói tín dụng và số lượng tàu tuần tra được Nhật cam kết viện trợ cho Việt Nam cùng Philippines thì khả năng tàu của ta sẽ lớn hơn.
Trong năm 2015, Bộ Vận tải và Viễn thông Philippines (DOTC) thông báo rằng Nhật Bản đã giành được gói thầu sản xuất 10 tàu tuần tra nằm trong dự án Cải thiện khả năng đảm bảo an toàn hàng hải của quốc gia Đông Nam Á này.
Gói thầu nêu trên có giá trị khoảng 200 triệu USD, sẽ bao gồm khoảng 170 triệu USD được cho vay từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và khoảng 30 triệu USD từ vốn đối ứng của chính phủ Philippines.
Bên cạnh kế hoạch đóng tàu mới, dự án trên còn bao gồm quá trình sửa chữa và nâng cấp, huấn luyện thủy thủ, vận tải biển và bảo hiểm hàng hải. Dự kiến những chiếc tàu đầu tiên sẽ được chuyển giao vào năm 2016 và kết thúc vào cuối năm 2018.
Như vậy mỗi tàu tuần tra đóng mới của Philippines có trị giá gần 20 triệu USD và tính đến thời điểm hiện tại họ đã tiếp nhận chiếc tàu tuần tra MMRV thứ sáu với chiều dài 40 m, lượng giãn nước vào khoảng 300 tấn.

Trong khi đó đầu năm nay, ông Shinzo Abe đã công bố quyết định cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra mới.
Đồng thời, Nhật Bản vẫn tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, cụ thể hóa các hoạt động hợp tác của các cơ quan chấp pháp trên biển của 2 nước.
Tại buổi họp báo tối cùng ngày, ông Kawamura Yasuhisa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết tổng trị giá 6 tàu đóng mới Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam vào khoảng 38,5 tỉ yen (tương đương 320 triệu USD), bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật dành cho Việt Nam.

Như vậy có thể thấy rằng 6 tàu tuần tra dành cho Việt Nam cần 320 triệu USD để đóng mới, trong khi 10 tàu MMRV dành cho Philippines tiêu tốn chưa tới 200 triệu USD.
Căn cứ vào 2 nguồn dữ liệu trên, khả năng rất cao là tàu của Việt Nam sẽ có lượng giãn nước lớn hơn hẳn tàu Nhật Bản đóng cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, cho thấy phía bạn đã dành cho ta ưu đãi khá lớn.
Việc đóng các tàu tuần tra lớn hơn tại Nhật Bản cũng là điều hợp lý vì MMRV mà Philippines vừa tiếp nhận chỉ tương đương với TT-400 của Việt Nam – lớp tàu mà chúng ta đã hoàn toàn làm chủ công nghệ thi công trong nước, không cần phải thuê nước ngoài.