Thời điểm đầu tháng 4, quả nhót ở Gia Lai bắt đầu chín rộ. Nhiều gia đình hái bán với giá 20.000 đồng/kg.

Cây nhót còn có các tên gọi khác là cây lót, hồi đồi tử, thuộc loại cây bụi, thân giòn dễ gãy, tán rộng.

Trên thân cây, mặt sau lá và quả có một lớp vảy trắng hình tròn rất nhỏ xếp sát nhau.

Lớp vảy này thường bám dày và chắc khi quả còn xanh. Khi quả chín, lớp vảy càng mỏng và dễ bong khi bị chà xát.

Cháu Ngam (học sinh lớp 5) cho biết, rất thích ăn quả nhót, những buổi nghỉ học cháu thường đi hái thật nhiều, mang lên lớp ăn cùng bạn bè.

Quả nhót được dùng để ăn hoặc nấu canh chua. Các bộ phận khác của cây nhót từ lá đến rễ còn được dùng để chữa bệnh.

Chủ nhà có cây nhót ở đường Lê Đại Hành, TP Pleiku (Gia Lai) cho biết, cây này trồng được 6 năm. Đầu mùa có hái vài chục ký đi bán, nhưng nay bận bịu không hái được, để chín đỏ trên cây.

Thỉnh thoảng bạn bè, hàng xóm đến hái ăn nhưng vẫn không hết.

Quả nhót có hình bầu dục, khi chín có màu đỏ rất bắt mắt. Khi ăn nên cạo sạch lớp bụi phấn để tránh gây đau họng do vẩy nhót bám vào. Tránh ăn quả nhót khi đang đói bụng vì dễ gây kích ứng dạ dày, chỉ nên ăn sau bữa cơm khoảng 30 phút.

Nhà bà Mưi (TP Pleiku) có một cây nhót 8 năm tuổi. Hằng năm cứ vào thời điểm này, bà ra vườn hái mang đi bán, kiếm thêm thu nhập.

Nhót cho hai loại quả chua, ngọt, nhưng hầu hết đều có đặc tính là chua khi còn xanh và ngọt khi đã chín đỏ. Từ xa xưa, dân gian đã sử dụng nhót trong một số bài thuốc cổ truyền chữa viêm xoang, hen phế quản, hen suyễn mạn tính. Hạt nhót còn có công dụng chính là sát khuẩn, trừ giun sán.

Quả nhót rất quen thuộc và gắn liền với tuổi thơ của nhiều người.

Theo Thegioitiepthi.vn