Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024
Trang chủThời SựNhững bông hoa đẹp giữa biển khơi – Bài 2: 'Lên đồi'...

Những bông hoa đẹp giữa biển khơi – Bài 2: 'Lên đồi' thăm 2 trạm rada giữa lưng trời

Trong hành trình đến với đồng bào và chiến sỹ sinh sống, công tác tại đảo Trần, đảo Trà Bản (tỉnh Quảng Ninh), có lẽ kỷ niệm sâu đậm nhất khiến chúng tôi không thể nào quên được, đó là đã lên tận nơi để mục sở thị 2 trạm rada giữa lưng trời- là Trạm 480 và 485 thuộc Tiểu đoàn 151, Vùng 1, Hải quân. Tận mắt chứng kiến những thiết bị, máy móc tại trạm và thấy những khó khăn, vất vả, kiên cường của cán bộ, chiến sỹ nơi đây, chúng tôi thêm tự hào và cảm phục các anh.

Lênh đênh trên biển vài tiếng đến với đảo rồi từ đảo lại mất nhiều giờ mướt mải mồ hôi vượt rừng, leo đồi để lên tận đỉnh- nơi đóng 2 trạm rada 480 và 485, được gặp gỡ, chuyện trò với các cán bộ, chiến sỹ công tác tại đây, chúng tôi thấy vô cùng háo hức và thỏa mãn bởi có cơ hội hiểu về tính chất, nhiệm vụ của các anh.

Sau khi thăm một số đơn vị đóng quân trên đảo Trần, đoàn chúng tôi khởi hành lên Trạm rada 480- đóng quân trên đỉnh núi cao của đảo Trần. Biết hành trình sắp đi sẽ vất vả nhưng ai nấy đều có tâm thế háo hức, mong được “lên đồi” để thăm Trạm bởi mọi người đều hiểu rằng, đã ra đến đảo mà không “lên đồi” thì hành trình sẽ không thể trọn vẹn và ý nghĩa.

Các Trắc thủ rada làm nhiệm vụ tại Trạm rada 480- đóng trên đảo Trần.

Sau khoảng 45 phút đi bộ, trải qua nhiều con dốc thoai thoải, nhiều cây số đường rừng trơn trượt, chúng tôi mới lên đến được Trạm rada 480. Mồ hôi đẫm lưng giữa trời đông giá lạnh, tim đập nhanh, chân mỏi rã rời nhưng chỉ cần nhìn thấy những gương mặt vừa cương nghị, vừa chan chứa nụ cười của các cán bộ trên Trạm, chúng tôi thấy bao mệt nhọc đã mau chóng tan đi. Trong niềm háo hức, chúng tôi được các chiến sỹ dẫn đi thăm một vòng quanh khu vực; vừa để quan sát máy móc, thiết bị; vừa để thấy nơi sinh hoạt của các anh. Đảo một lượt nơi ăn chốn ở còn quá đơn sơ, thiếu thốn nhưng vô cùng ngăn nắp của các chiến sỹ, chúng tôi hiểu được rằng, để hoàn thành nhiệm vụ, các anh đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều trong việc khắc phục khó khăn.

PV trò chuyện với chiến sỹ Trạm rada 485, đảo Trà Bản trên đỉnh Trạm. Ảnh:Đ.Q

Theo giới thiệu của các chiến sỹ, chúng tôi được biết: Trạm rada 480, Tiểu đoàn 151, Vùng 1 Hải quân được biên chế nhiều máy móc, trang bị kỹ thuật. Đơn vị duy trì đồng thời nhiều trang bị kỹ thuật mới, hiện đại và những trang bị thế hệ cũ đã qua nhiều năm hoạt động. Đóng quân trên đảo, không khí có độ ẩm lớn, độ mặn cao làm cho máy móc và trang bị kỹ thuật thường xuyên hỏng hóc và tính đồng bộ không cao. Để duy trì hoạt động thường xuyên của đài rada, cán bộ, chiến sĩ đã tích cực bảo quản, bảo dưỡng máy móc, sớm phát hiện và xử lý các sự cố hỏng hóc xảy ra. Bên cạnh việc làm tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng, đơn vị còn tổ chức huấn luyện cho các trắc thủ rada nắm chắc và thực hiện nghiêm các bước thao tác vận hành, khai thác sử dụng rada, không để máy móc hỏng hóc do chủ quan hay do thiếu trách nhiệm. Tuy nhiệm vụ công tác dày dặn là vậy nhưng các bộ chiến sỹ nơi đây cũng dành thời gian vào việc tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn cho đơn vị.

Con đường lên Trạm rada 480 khó khăn là vậy nhưng không thấm vào đâu so với Trạm rada 485- nơi nằm ở độ cao 374m so với mực nước biển. Để chinh phục được trạm rada này, mọi người phải vượt qua hơn 7km đường rừng, trong đó có gần 1km là những đoạn đường dốc ngược. Trong điều kiện thời tiết mưa phùn và lạnh thì việc leo lên Trạm thực sự là một thử thách lớn.

Khi chúng tôi bắt đầu khởi hành lên “đồi”, trời bắt đầu lất phất mưa. Với hành trang là một cây gậy bằng cây giang rừng, những bước chân đầu tiên mau mắn của chúng tôi tiến vào khu rừng nguyên sinh- cũng là còn đường độc đạo dẫn lên “đồi”. Càng đi, rừng càng hun hút, những con dốc thêm dựng đứng khiến bước chân ai nấy đều trở nên nặng nhọc hơn. Theo lời Trung úy Nguyễn Công Ân- Trạm phó quân sự Trạm 485 thì đường lên “đồi” có các mốc thường được anh em nhắc đến là suối, gốc đa đổ, dốc đất, dốc đá… Cứ căn cứ vào từng mốc đó để tính toán ước chừng được quãng được mình đã đi.

Trong khi chúng tôi dò dẫm, thận trọng từng bước chân thì Trung úy Nguyễn Công Ân và các cán bộ dẫn đoàn rảo chân nhẹ nhõm bước như đi trên đường bằng. Các anh nói rằng, không nhớ đã bao nhiêu lần mình lên “đồi” nên thuộc làu từng viên đá, từng vách cây của con đường rừng này. Theo lịch phân công, 1 tuần, các chiến sỹ sẽ luân phiên lên đồi trực 1 lần nên khi lên đồi không ai đi người không mà còn phải khoác thêm 15-20kg gồm lương thực và nhu yếu phầm ở “dưới nhà” mang lên tiếp tế. Việc đi lại và vác đồ là chuyện bình thường nên các anh không thấy nặng nhọc hay khó khăn gì cả.

Mất gần 3 giờ đi bộ đường rừng, khi chân đã chùn, gối đã mỏi và tay vừa chống gậy vừa phải bám chặt vào những gốc và rễ cây ven đường; cuối cùng, đoàn đã lên đến đình Trạm rada 485. Trong làn sương dày, chúng tôi cảm nhận được nụ cười và hơi ấm của các chiến sỹ đang đứng chờ sẵn để đón đoàn. Tại đây, đoàn được thăm và chuyện trò với các chiến sỹ, trắc thủ của trạm và biết được nhiều hơn về cuộc sống, nhiệm vụ của các anh. Dù vội đến mấy, chúng tôi vẫn cố gắng đảo một vòng qua khu vực vườn rau và khu chăn nuôi của trạm. Quanh năm sương phủ, thời tiết khắc nghiệt nhưng các chiến sỹ vẫn có vườn rau xanh ngắt bốn mùa.

Chúng tôi xuống đồi để “về nhà”- đơn vị Trạm rada 485 khi trờ đã tối mịt. Lúc lên dốc cao bao nhiêu thì khi xuống thoải bấy nhiêu. Những bước chân bám chặt đất cho khởi trơn trượt, những bàn tay mò bám vào những rễ cây ven đường khiến cả tay và chân chúng tôi đều mỏi rã. Và một lần nữa, nhìn bước chân của cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ đưa đoàn xuống- cũng là thay phiên trực, chúng tôi lại thêm phần ngạc nhiên. Để dẫn đường, các anh đi trước, giơ đèn pin phía sau lưng cho chúng tôi nhìn đường. Xuống dốc, đi trong rừng lại giữa khi trời đã tối mịt, không có ánh đèn soi nhưng anh chẳng hề nao núng, dáng đi vững thẳng. Thói quen và sự gắn bó với “đồi” đã khiến các anh có đôi mắt tinh anh, đôi chân dẻo dai hơn ai hết.

Về đến đơn vị, chúng tôi nói lời tạm biệt các chiến sỹ Trạm rada 485 mà lòng còn biết bao điều muốn hỏi han, chia sẻ. Trong khoảng thời gian quá ngắn ngủi, tuy không thấu hết được những vất vả, thiếu thốn của các anh song chúng tôi hiểu được rằng, dù khó khăn bao nhiêu nhưng với tinh thần, trách nhiệm cao; với tình yêu đất nước và biển đảo quê hương, các anh luôn luôn cố gắng, nỗ lực vượt qua để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

(Còn nữa)

Điệp Quyên

Nguồn Pháp Luật & Xã Hội : https://phapluatxahoi.vn/nhung-bong-hoa-dep-giua-bien-khoi-bai-2-len-doi-tham-2-tram-rada-giua-lung-troi-181700.html

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới