Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024
Trang chủThời SựNhững ‘chiến sĩ áo trắng’ Tây Nguyên ngăn dịch bệnh kép

Những ‘chiến sĩ áo trắng’ Tây Nguyên ngăn dịch bệnh kép

Trong lúc cùng cả nước chống COVID-19, đội ngũ y, bác sĩ Tây Nguyên còn gánh thêm nhiệm vụ dập dịch bạch hầu. Một vai hai gánh, những ‘chiến sĩ áo trắng’ gác niềm riêng, vượt đồi, băng rừng, ‘xua đuổi’ dịch bệnh.

Cán bộ y tế vào tận buôn lấy mẫu xét nghiệm cho người dân

Hôm nay (ngày 27/2), ngày lễ trọng của ngành y, thế nhưng, nhiều cán bộ, nhân viên y tế đã tạm gác niềm vui, lo cho sức khỏe nhân dân. Bởi không chỉ có COVID, ngành y tế còn đương đầu với nhiều bệnh truyền nhiễm khác.

Cán bộ y tế khám, sàng lọc bệnh bạch hầu cho người dân

Nhiều lần đối mặt với dịch dã song năm 2020 là đặc biệt nhất với ông Nguyễn Đức Vũ- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Bông (Đắk Lắk) bởi trong lúc huyện này dẫn đầu tỉnh về ca mắc bạch hầu (17 ca) và nhiều ca bệnh nặng, thì nhận thêm hàng nghìn người dân trở về từ tâm dịch COVID Quảng Nam, Đà Nẵng. Lực lượng y tế ở đây vốn mỏng đã phải phân thân dập dịch bạch hầu và làm xét nghiệm nhanh COVID-19 cho hàng nghìn trường hợp.

Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk vào vùng dịch bạch hầu động viên người dân

Cán bộ y tế Krông Bông một phen “choáng” khi nhận kết quả nhiều người dương tính với SARS-CoV-2 qua xét nghiệm nhanh. Rất may sau đó, những trường hợp trên đều có kết quả âm tính nhưng cán bộ y tế vẫn không dám lơ là. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là đội xung kích tại các xã (dân quân, y tế thôn buôn, trưởng thôn, gia làng…), ngành y tế huyện này đẩy lùi dịch bệnh bạch hầu và ngăn COVID xâm nhập.

Bác sĩ mặc đồ bảo hộ lẫy mẫu xét nghiệm COVID-19

Bác sĩ Trương Văn Bảo, Trưởng trạm Y tế xã Cư Pui (điểm nóng về dịch bạch hầu của huyện Krông Bông) cho hay, đến nay bệnh bạch hầu cơ bản được kiểm soát nhưng cán bộ y tế tiếp tục rà soát, tiêm vắc xin phòng bệnh cho dân, xóa vùng lõm về tiêm chủng.

Khám cho bệnh nhân dương tính với bạch hầu

Nhắc lại cuộc chiến với bạch hầu, chị Hiền – Phó Trạm Y tế xã Cư Pui không nhớ đã băng qua bao quả đồi, con đường, gõ cửa từng nhà thống kê nhân khẩu, mang vắc xin vào tận nơi tiêm. Suốt thời gian chống dịch bệnh, chị Hiền gửi con nhỏ về ngoại, thuê trọ gần cơ quan, toàn tâm cho công việc. “Ngành y có câu, lo cho dân nhưng đừng quên sức khỏe bản thân. Song, khi đứng trước cuộc chiến, chúng tôi lại nhớ, lo cho dân nhiều hơn”, chị Hiền nói.

Đồng hành cùng “chiến sĩ áo trắng” còn có đội xung kích

Đắk Nông cũng là tỉnh cùng lúc chống dịch bạch hầu và COVID-19. Tết Nguyên đán Tân Sửu, công việc của đội ngũ y, bác sĩ nhiều gấp bội khi, tỉnh này quyết định cách ly y tế tại nhà tất cả người đi/về từ vùng dịch TP HCM.

Cán bộ y tế thường xuyên vào vùng dịch kiểm tra sức khỏe cho người dân

Huyện Đắk Mil có lượng người cách ly y tế nhiều nhất tỉnh. Bác sĩ Nguyễn Ðăng Trung, Giám đốc TTYT huyện Đắk Mil cho hay: “Chúng tôi phải làm việc liên tục, bất kể ngày đêm, giao thừa hay Tết để phòng chống dịch và xử lý các ca bệnh cấp cứu. Với tôi, trực Tết không còn xa lạ và ngành nào cũng có những hy sinh riêng. Hơn 19 năm gắn bó với nghề, điều tôi nhớ nhất là chứng kiến nhiều đồng nghiệp gác lại đám cưới, vào tuyến đầu chống dịch”.

Huỳnh Thủy

Nguồn: Báo Tiền Phong

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới