Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiNhững công trình lãng phí nguồn lực-Kỳ 4: Hiệu quả sử dụng...

Những công trình lãng phí nguồn lực-Kỳ 4: Hiệu quả sử dụng thấp

Dù được đầu tư nhiều tỷ đồng để phục vụ nhu cầu của địa phương nhưng một số công trình của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh không được sử dụng hiệu quả, thậm chí bỏ không gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước.

Nhiều công trình ở Ayun Pa “đắp chiếu”

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên thị xã Ayun Pa sau khi giải thể vào cuối năm 2019 đã được bàn giao lại cơ sở vật chất cho Trường THCS Dân tộc Nội trú thị xã để quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, do không có nhu cầu nên hầu như cơ sở này bị bỏ hoang dẫn đến phòng học bị xuống cấp, bàn ghế hư hỏng, cỏ mọc um tùm. Được biết, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên thị xã được đầu tư xây dựng năm 2011 với tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng, gồm các hạng mục: nhà hiệu bộ, thư viện, 5 phòng học, hội trường 150 chỗ, nhà ăn, bếp, nhà ở học viên và dàn máy vi tính.

Cô Mai Thị Hồng Tâm-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú thị xã Ayun Pa-cho hay: Trước đây, thị xã xây dựng Đề án mở rộng quy mô trường lên THCS và THPT nên đã giao cơ sở này cho nhà trường nhằm phục vụ việc dạy và học. Tuy nhiên, đề án không được UBND tỉnh phê duyệt, trong khi cơ sở vật chất, bàn ghế của nhà trường vẫn đảm bảo cho 150 học sinh nội trú. “Hơn 2 năm nay, nhà trường bảo vệ, trông coi chứ không sử dụng cơ sở này, không có người dọn dẹp dẫn đến xuống cấp, bàn ghế học sinh làm bằng ván ép nên bị bong hết, chỉ còn khung”-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú thị xã xác nhận.

Từ khi được bàn giao lại cho Trường THCS Dân tộc Nội trú thị xã Ayun Pa, cơ sở vật chất của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên thị xã hầu như bị bỏ hoang. Ảnh: Quang Tấn
Từ khi được bàn giao lại cho Trường THCS Dân tộc Nội trú thị xã Ayun Pa, cơ sở vật chất của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên thị xã hầu như bị bỏ hoang. Ảnh: Quang Tấn

Trên địa bàn thị xã Ayun Pa hiện có 4 công trình bể bơi thông minh được lắp đặt tại Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Viết Xuân (xã Ia Rtô), Trường THCS Lê Lợi (xã Ia Sao), Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám (phường Cheo Reo), Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang trong tình trạng xuống cấp. Các công trình này được cấp kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2017-2021 với tổng vốn trên 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi được lắp đặt đến nay, hiệu suất sử dụng các công trình này không cao, thậm chí có bể bơi không sử dụng nhiều năm dẫn đến xuống cấp.

Nằm trong danh mục công trình, dự án phân bổ để đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị thuộc nhiệm vụ chi sự nghiệp GD-ĐT năm 2017, bể bơi thông minh đặt tại Phòng GD-ĐT thị xã có tổng kinh phí đầu tư 300 triệu đồng. Tuy nhiên, 3 năm nay, bể bơi này không mấy khi khai thác sử dụng. Theo ông Võ Đức Hạnh-Trưởng phòng GD-ĐT thị xã, bể bơi có diện tích hơn 50 m2, lắp đặt nhằm phục vụ nhu cầu học bơi của học sinh 3 trường tiểu học gồm: Võ Thị Sáu, Nay Der (phường Đoàn Kết) và Lê Văn Tám (phường Cheo Reo). Trong 2 năm 2018-2019, Phòng GD-ĐT có sử dụng để tổ chức một số giải bơi cấp thị xã cho học sinh. Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên bể bơi dừng hoạt động. Vì không sử dụng trong thời gian dài, bể bơi đang có dấu hiệu hư hỏng, bong tróc.

Hồ bơi thông minh lắp đặt tại Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Viết Xuân (xã Ia Rtô) được đầu tư hơn 400 triệu đồng nhưng ít sử dụng. Ảnh: Nguyên Hương
Hồ bơi thông minh lắp đặt tại Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Viết Xuân (xã Ia Rtô) được đầu tư hơn 400 triệu đồng nhưng ít sử dụng. Ảnh: Nguyên Hương

Trong khi đó, bể bơi thông minh đặt tại Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Viết Xuân (xã Ia Rtô) được lắp đặt từ năm 2018 với kinh phí trên 400 triệu đồng. Từ đó đến nay, định kỳ hàng năm, nhà trường chỉ tổ chức được 1-2 lớp dạy kỹ năng học bơi cho học sinh vào học kỳ 2 của mỗi năm học. Thầy Trần Thanh Vĩnh-Hiệu trưởng nhà trường-cho rằng: Lắp đặt bể bơi thông minh tại các trường thuộc phường sẽ hợp lý hơn là ở các xã, vì nhu cầu cao hơn. Trường nằm trên địa bàn xã ven sông Ba, đa phần các em đã biết bơi, đời sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn nên việc xã hội hóa các lớp học bơi khó triển khai. Hàng năm, nhà trường được UBND thị xã cấp 45 triệu đồng để duy trì hoạt động của bể bơi nhưng khoản kinh phí này không đủ trả chi phí dạy bơi cho giáo viên thể dục, mua hóa chất khử trùng, tiền điện, thuê nhân viên dọn vệ sinh… “Nếu để khô nước thì bể sẽ nhanh hư hỏng. Vì vậy, trong thời gian không hoạt động, nhà trường vẫn bố trí giáo viên luân phiên nhau thay nước bể. Do máy bơm nước của trường công suất nhỏ, mỗi lần thay nước phải mất vài ngày, tắt, mở liên tục vì sợ cháy máy. Tấm bạt lót lòng bể cũng đã hư hỏng nên thầy cô phải lấy cây lau nhà để thấm hết nước bẩn, lau dọn rất mất công”-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Viết Xuân chia sẻ.

Nước tưới chờ… ruộng của công trình ngàn tỷ

Sau nhiều năm xây dựng rồi gián đoạn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông) đã hoàn thành các hạng mục đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, người dân tại vùng dự án chưa có ruộng đất để khai thác nguồn nước dồi dào từ công trình này.

Công trình thủy lợi Ia Mơr được thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 1998 và cho phép thực hiện từ năm 2005. Đến năm 2007, công trình được khởi công xây dựng nhằm phát triển vùng trọng điểm nông nghiệp khu vực biên giới của 2 tỉnh Gia Lai và Đak Lak. Dự án gồm 2 hợp phần: hợp phần hồ chứa Plei Pai và đập dâng Ia Lốp, có năng lực tưới 1.847 ha; hợp phần cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Ia Mơr sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu tưới 12.500 ha lúa nước và hoa màu của 2 tỉnh (Gia Lai 8.500 ha và Đak Lak 4.000 ha). Ngoài ra, công trình còn cung cấp nước sinh hoạt cho 50 ngàn hộ dân vùng biên giới, cắt giảm lũ vùng hạ du, nuôi trồng thủy sản, kết hợp du lịch… Dự án do Bộ Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư với tổng vốn 2.796 tỷ đồng.

Hồ chứa Plei Pai với 20,9 triệu m3 nước và đập dâng Ia Lốp đã hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2011 hiện phát huy hiệu quả, giúp người dân 2 xã Ia Lâu, Ia Piơr sản xuất hơn 1.847 ha lúa nước 2 vụ ổn định mang lại cuộc sống ấm no. Còn cụm đầu mối hồ chứa nước Ia Mơr phải ngừng thi công 4 năm bởi Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội bị giãn tiến độ.

Công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông) tuy đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng do không có vùng tưới nên chưa phát huy hết năng lực. Ảnh: Quang Tấn
Công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông) tuy đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng do không có vùng tưới nên chưa phát huy hết năng lực. Ảnh: Quang Tấn

Đến năm 2015, công trình hồ chứa nước Ia Mơr tiếp tục được thi công và hoàn thành hồ chứa cùng phần cụm đầu mối kênh mương chính vào năm 2016. Cụ thể, đã hoàn thành kênh chính 0,6 km, kênh chính Đông 35,69 km, kênh chính Tây 15,31 km và 52 km kênh nhánh để chuyển nước cho địa bàn Gia Lai, đáp ứng tưới cho khoảng 1.000 ha. Diện tích còn lại do vướng vào đất rừng nên chưa thể chuyển đổi mục đích sang đất sản xuất nông nghiệp. Do đó, chưa xây dựng hệ thống kênh mương cũng như khai hoang đồng ruộng để khai thác nguồn nước tưới dồi dào từ công trình thủy lợi Ia Mơr.

Ông Rơ Mah Tuyết (làng Klăh, xã Ia Mơr) cho hay: Người dân rất kỳ vọng vào công trình thủy lợi Ia Mơr. Thế nhưng, từ năm 2016, khi công trình hoàn thành, chúng tôi chưa được hưởng lợi nhiều bởi phần lớn đất sản xuất bị vướng vào đất rừng chưa thể chuyển đổi mục đích sang đất nông nghiệp để khai hoang đồng ruộng sản xuất. “Năm vừa rồi, nhờ một số tuyến kênh nhánh được xây dựng dẫn nước về cánh đồng làng Klăh nên một số bà con đã sản xuất rất tốt. Riêng gia đình tôi, vụ mùa vừa rồi làm 3 sào lúa nước theo mô hình huyện hỗ trợ thu được hơn 30 bao, cao hơn gấp nhiều lần so với cây lúa truyền thống. Tuy nhiên, gia đình tôi vẫn còn khoảng 3 ha chưa có hệ thống kênh mương nước tưới. Chúng tôi mong Nhà nước sớm chuyển đổi đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp và đầu tư hệ thống kênh mương cấp 2 và kênh nội đồng dẫn nước từ công trình thủy lợi Ia Mơr cung cấp cho bà con sản xuất, nhằm tăng thu nhập, tạo điều kiện thoát nghèo”-ông Tuyết mong mỏi.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr: Hiện nay, nguồn nước từ công trình thủy lợi Ia Mơr đang rất dồi dào nhưng hầu hết cánh đồng đều khô khát, sản xuất dựa vào nước trời. “Mong muốn lớn nhất của địa phương là Trung ương sớm chuyển đổi vùng tưới để phát huy hiệu quả công trình, giúp người dân phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững, tránh lãng phí tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Nếu chuyển đổi được, chúng tôi sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng chuyên canh cây trồng quy mô lớn, đưa máy móc, khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế, góp phần từng bước nâng cao đời sống người dân vùng biên giới”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr nói.

 NHÓM PHÓNG VIÊN 

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới