Sau 40 năm tôi mới trở lại xã Tơ Tung (huyện Kbang). Nhìn cánh đồng Đê Bar ngút ngàn, rập rờn những sóng lúa vàng sắp đến kỳ thu hoạch đẹp như một tấm thảm trải dài dưới vùng núi non hùng vĩ, cứ ngỡ như trong mơ. Nhưng đây là sự thật, một sự đổi đời, no đủ của vùng đất anh hùng.
Còn nhớ, đầu năm 1976, tỉnh chủ trương xây dựng các công trình thủy lợi, đập dâng, san bằng cánh đồng, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. Công trình đập tràn tự chảy Đê Bar đã ngăn con suối Ktăc và khai mở gần 3 km kênh mương đưa nước về tưới cho trên 30 ha.
![]() |
Nhà lưu niệm Anh hùng Núp nhìn từ trên cao. Ảnh: A.S |
Trước năm 1975, cánh đồng Đê Bar chỉ là một vùng trũng rộng chừng hơn 10 ha, chuyên làm lúa một vụ. Đồng bào tham gia sản xuất chủ yếu là người Bahnar. Để khai thác tiềm năng đất đai, công trình chính thức được khởi công vào tháng 3-1976. Hồi ấy, xã Nam còn thuộc huyện An Khê nên huyện giao cho 9 xã vùng dân tộc Kinh lên hỗ trợ xây dựng công trình thủy lợi và khai hoang đồng ruộng.
Thanh niên được huy động “ra quân”, ba lô lương thực trên vai đi thực hiện nghĩa vụ. Các xã đồng loạt khởi hành từ An Khê bằng phương tiện chủ yếu là… đi bộ, phải mất khoảng hơn 6 giờ mới đến nơi. Lập tức các lán trại mọc lên như nấm, chủ yếu làm bằng những tấm ni-lông mỏng màu xanh của mậu dịch bán. Tại mỗi xã, những người làm việc công ích thì ăn cơm nhà, riêng đội thanh niên xung kích ăn cơm công trường. Mỗi đội gồm khoảng 40 thanh niên xung kích được tuyển chọn từ những nam nữ thanh niên tuổi 18-25, khỏe mạnh, có thể thực hiện các phần việc nặng nhọc, đòi hỏi sự nhanh nhạy. Tôi cũng thuộc lớp thanh niên thời ấy. Khi vào các đội xung kích nghĩa là phải túc trực liên tục tại công trường để thay phiên nhau làm việc, khoảng 2 tháng mới về thăm nhà một lần, sau đó tốp khác lại lên thay.
Đầu tiên là đào mương thủy lợi, sau là khai hoang, phá gốc cây, gom đá, đắp bờ, san bằng cánh đồng thành ruộng. Hồi ấy không có xe ủi, chủ yếu là dùng sức người. Khi đào mương nước, gặp đá cứng thì dùng củi rừng đốt đá cho thật nóng rồi từng nhóm dùng can nhựa, rổ tre đan lót ni-lông làm thau, chậu múc nước dội trực tiếp lên đá để gây lạnh đột ngột khiến đá tự vỡ ra.
Sống và lao động với nhiều vất vả, gian khó, những cơn bệnh ập đến bất cứ lúc nào, nhất là sốt rét. “Tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu” là vậy, mới sáng còn cười nói huyên thuyên nhưng đến trưa đã lên cơn co giật, đồng đội phải khiêng chạy về trạm xá dã chiến. Vậy mà tuổi trẻ chúng tôi vẫn cứ hăng say, mặc dù thiếu thốn nhiều mặt nhưng không đòi hỏi bất cứ vật chất nào, miễn có đủ cơm ăn là lao vào làm, về đến trại lại cười đùa “vui như Tết”. Hồi ấy, ai có cục xà phòng mỡ bò vàng khè là quý lắm, mọi người chia nhau gội đầu, lại còn kháo nhau: “Thơm quá!”.
Lớp đi, lớp ở lại thay phiên nhau hơn 3 năm trời, lúc nào cũng có 9 đội xung kích gồm trên 300 thanh niên túc trực. Và rồi công trình đầu mối đập tràn, mương nước uốn mình dài gần 3 km và 30 ha cánh đồng cũng hoàn thành phẳng phiu đón nước chảy về.
Cánh đồng lúa Đê Bar ngày nay có hơn 120 ha lúa 2 vụ, trải dài giữa một vùng núi non đẹp như tranh. Cánh đồng lúa tốt như trải thảm hôm nay hình thành là nhờ được Nhà nước đầu tư, nhờ những bước chân tình nguyện, nhờ những giọt mồ hôi mặn mòi và công lao của một lớp người ở huyện An Khê thời ấy. Tất cả đã góp phần xây dựng một vùng đất của làng Stơr, xã Tơ Tung trở nên trù phú, ấm no.
An Sinh
Baogialai.com.vn