Một gánh hàng rong, một hàng lụi nướng, một quán nước đậu… gắn với hình ảnh những con người tần tảo nhưng tình cảm luôn nồng ấm đã trở thành một phần thân thương trong lòng mỗi đô thị. Họ ở đó, nhiều chục năm, chứng kiến bao sự đổi thay của thành phố, của con người, rồi trở thành người lưu giữ ký ức cho nhiều thế hệ.
Một ngày mới bắt đầu với chị Phụng (đường Nguyễn Công Trứ, TP. Pleiku) bằng việc ra chợ Bà Định chọn những miếng thịt heo tươi ngon nhất mang về tẩm ướp, chuẩn bị cho gánh lụi ban chiều. Hình ảnh gánh hàng rong của chị với những cây lụi nướng thơm phức, ràng bánh tráng cùng dăm quả dưa leo với rau sống trở nên thân thuộc vô cùng, nhất là đám trẻ con mê “lụi cô Phụng”. “Không ai như tui, bán có ngàn bạc cây lụi, vài ngàn bạc xiên thịt heo nướng nhưng nhất định phải tẩm ướp bằng dầu phộng cả trăm ngàn đồng một lít.
![]() |
Chỉ một gánh hàng rong cũng làm nên hồn phố. Ảnh: internet |
Khách hàng của tui đa số là trẻ con, tui coi chúng như con cháu, ai nỡ làm cây lụi không ngon, không đảm bảo vệ sinh”-chị Phụng nói như vậy khi trìu mến nhìn đám trẻ bu quanh gánh lụi của chị, háo hức với món quà chiều. Gắn bó với gánh hàng rong ngót 20 năm, hiếm có ngày nào bước chân chị vắng trên những vỉa hè Pleiku. Cũng bởi, gánh hàng rong ấy còn là kế mưu sinh của cả một gia đình đông con.
Người phụ nữ quê gốc Bình Định này nói rằng, chẳng biết duyên cớ gì nhưng chị lại chọn gánh lụi đi bán rong, đi mòn cả gạch trên khắp các vỉa hè. “Có những đứa ăn lụi của tôi từ lúc học mẫu giáo giờ đã thành sinh viên đại học. Tôi thuộc lòng tên đám trẻ khắp xóm, từ đường Huỳnh Thúc Kháng, Cao Bá Quát đến con đường Phan Đình Phùng sầm uất”-chị Phụng cho biết.
Nếu gánh lụi của chị Phụng chỉ bán cho đám trẻ con thì hàng lụi của bà Sang ngay góc đường Huỳnh Thúc Kháng-Lý Thái Tổ lại chủ yếu phục vụ thực khách là học sinh. Mười lăm năm có lẻ bán hàng, vậy mà hàng lụi của bà cũng chỉ vài chiếc ghế nhựa đặt dưới một gốc cây già trên con đường rợp bóng cây xanh. Không thành quán hàng, không có biển hiệu nhưng không ít lần, trong những dòng thương nhớ về Pleiku của những bạn trẻ đang học xa nhà, có hình ảnh xiên lụi của bà Sang. Một số trang chuyên về ẩm thực-du lịch còn giới thiệu đây là một trong những địa chỉ ăn vặt nhất định phải đến khi du lịch Phố núi Pleiku.
Bà nói, lũ học trò thiếu kiên nhẫn lắm, hễ tới đông là giục như giục đò làm bà quýnh quáng, có hôm nướng cây lụi chưa kịp giòn đã cháy. Nhưng hình như nhiều người tới ăn không phải vì lụi ngon, mà còn vì không khí rất đặc biệt của hàng lụi trên vỉa hè con đường yên tĩnh bậc nhất thành phố này. Một ngày đông lạnh, ghé hàng lụi bà Sang, ngồi cạnh bếp than nồng đượm, hít hà mùi khói tỏa ra mang theo hương thơm nức của thịt nướng, nhấm nháp cây lụi vàng ươm, giòn rụm, ngắm nhìn nụ cười hồn hậu nồng ấm của bà, người ta chợt nhận ra, bà không chỉ bán lụi ngon mà còn bán ký ức. Ký ức ấy dẫn đưa người ta đến những tình cảm trìu mến với thành phố, với quê hương.
Người ta nói thành phố tạo nên bởi những con người. Có những con người thầm lặng nhưng lại là mối đồng cảm, truyền thứ năng lượng sống tích cực cho cả một tập thể. Pleiku rất nhỏ, vì thế hẳn nhiều người quen thuộc với hình ảnh hàng bánh ướt của bà The-một người phụ nữ gốc Huế hồn hậu, tần tảo từ dáng đi đến giọng nói đậm dấu ấn vùng miền. Mỗi ngày bà đi từ đầu làng đến cuối phố hai lượt: buổi sáng với gánh nước đậu nóng hổi, buổi chiều đẩy xe bánh ướt. Bà nói, bánh ướt của bà chủ yếu bán cho người quen.
Nhiều người ăn vì thích, mà ăn vì thương cũng có. Thích là bởi cách người phụ nữ Huế này pha chén nước mắm đậm đà, cay xé rất kích thích vị giác, chả giò của bà cũng có vị rất ngon, rất đặc biệt. Thương là bởi sau xe bánh ướt, gánh nước đậu mỗi ngày, người ta biết rằng, người mẹ này đang phải gồng mình để kiếm tiền chữa bệnh cho con trai. “Tui cứ bán vài tháng gom góp đủ tiền bạc lại đưa con đi bệnh viện chạy thận, có khi không đủ tiền lại phải kéo dài thời gian ra”-bà nói.
Bà The cho hay, trước không mấy người bán bánh ướt, bánh lọc nên xe bánh của bà đi tới đâu hết tới đó. Giờ hàng quán mọc khắp nơi nên hàng bánh của bà cũng khó khăn hơn trong cuộc mưu sinh. Trong khi đó, bệnh tình của con trai bà thì mỗi ngày mỗi trở nặng và điều trị tốn kém. Dẫu vậy, ở bà vẫn tràn đầy sự lạc quan: “Bác sĩ nói bệnh thận của con trai tui rất khó khỏi, nên mình cứ phải cố gắng. Ngừng cố gắng mới hết thuốc chữa. Tui cũng luôn động viên con như vậy”-bà cười hồn hậu nói.
Phố núi Pleiku dễ thương bởi có những con người, những quán hàng không tên, không biển hiệu như vậy. Còn có hàng bánh mì bà Năm Lé ngay đầu đường Nguyễn Trãi-Huỳnh Thúc Kháng với thời gian tồn tại ngót 30 năm. Đây còn là trung tâm tin tức của xóm, của phường với đủ những hỉ nộ ái ố. Người đến mua một hoặc vài ổ bánh mì cũng tranh thủ “tám” với bà đủ thứ chuyện đời. Trong những đối thoại đơn giản thường ngày ấy, có chuyện vui lẫn chuyện buồn, có những đùa cợt khiếm nhã nhưng người ta chợt nhận ra nó chất chứa những thân thương của phố phường và tình người.
Hoàng Ngọc
Baogialai.com.vn