Thứ Sáu, 3 Tháng Năm, 2024
Trang chủThời SựNhững phụ nữ Thái ở miền núi Sơn La vươn lên làm...

Những phụ nữ Thái ở miền núi Sơn La vươn lên làm chủ cuộc sống từ cây cà phê


Hơn 12 năm là mẹ đơn thân ở bản vùng núi Sơn La, chị Quàng Thị Dân ở bản Nam, xã Hua La, thành phố Sơn La không dám nói lên tiếng nói của mình trong gia đình, trong cuộc sống, ngay cả khi chị có thể trồng được những cây cà phê cho quả chất lượng hảo hạng vì sự phân biệt đối xử với phụ nữ, chị lại là mẹ đơn thân.

Người Thái ở bản Nam, xã Hua La, thành phố Sơn La sống nhờ trồng cây cà phê. Hầu hết người dân ở đây trồng cà phê đem bán làm thu nhập chính. Họ là những người lao động cần cù và chăm chỉ, nhưng thiếu kiến thức, kỹ năng lại quen với lối mòn lạc hậu trong việc sản xuất và bán sản phẩm của mình. Cuộc sống khó khăn, cùng với những phong tục lạc hậu, sự phân biệt đối xử với phụ nữ ở vùng núi càng sâu sắc.

Những phụ nữ Thái ở miền núi Sơn La vươn lên làm chủ cuộc sống từ cây cà phê - Ảnh 1.

Mẹ con chị Quàng Thị Dân hái cà phê chín đỏ.

Trước đây 2 mẹ con chị Dân sống trong căn nhà sàn nhỏ, vách bằng tre, gỗ đơn sơ, cuộc sống phải lo ăn từng bữa. Chị Dân học hết lớp 11, kết hôn năm 19 tuổi với người xã bên. Hai vợ chồng chung sống được 3 năm thì ly hôn vì không hợp. Chị bế con trai 3 tuổi trở về ở cùng bố mẹ đẻ ở bản Nam với hai bàn tay trắng. Là mẹ đơn thân từ đó đến giờ đã 12 năm, cuộc sống 2 mẹ con chỉ trông chờ vào 5.000m2 đất vườn trồng cà phê được bố mẹ đẻ chị chia cho. Dù chăm chỉ làm ăn và tiết kiệm nhưng cuộc sống của 2 mẹ con vẫn nghèo vẫn đói.

Cuộc sống của người Thái ở vùng núi đã nghèo khó, là mẹ đơn thân còn khó khăn gấp nhiều lần. Chị Dân chia sẻ: “Là thân phụ nữ một mình nuôi con ở bản này bị người ta khinh thường lắm, nuôi được con gà vừa lớn đã bị bắt trộm, trồng cây xoài, cây mận vừa có quả đã bị người ta hái trộm. Bản thân mình khổ thì chịu đựng được nhưng con đi học cũng bị bạn trêu trọc, bắt nạt, thậm chí bị bạn đánh vì không có bố. Đi đá bóng với trẻ con trong bản bị bạn chửi, không cho chơi cùng, vì ghét những đứa không có bố. Kể cả tham gia các hoạt động trong bản dù mình nhiệt tình, tình nguyện tham gia nhưng cũng không được người dân trong bản tin tưởng”.

Những phụ nữ Thái ở miền núi Sơn La vươn lên làm chủ cuộc sống từ cây cà phê - Ảnh 2.

Chị Dân hái cà phê trên vườn của mình.

Chỉ tay về phía vườn cà phê, chị Dân nhớ lại: “Trước đây mình trồng cà phê trên diện tích 5.000m2 đất vườn, vụ thu hoạch cao nhất cũng chỉ gần 30 triệu đồng. Năm nào sương muối nhiều, cà phê mất trắng còn thêm nợ vì mất tiền mua phân bón”.

Cuối năm 2019, chị Dân và 5 hộ phụ nữ Thái là mẹ đơn thân ở bản Nam được Liên minh Cà phê Phụ nữ Quốc tế Việt Nam mời tham gia vào nhóm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số trồng cà phê. Ở đây chị được tập huấn, hướng dẫn trồng, chăm sóc cà phê đúng kỹ thuật; được hướng dẫn thay đổi thói quen hái lẫn quả xanh và đỏ chuyển sang hái chọn lọc hoàn toàn quả đỏ, giúp tăng chất lượng sản phẩm. Quả cà phê sản suất ra được công ty mua với giá ổn định và không còn bị thương lái ép giá.

Tham gia trong chương trình, chị được tiếp xúc với nhiều người có hoàn cảnh giống mình, được kể câu chuyện của mình và được lắng nghe. Chị tìm được sự đồng cảm và chia sẻ từ những người cùng cảnh ngộ.

Từ khi tham gia Liên minh Cà phê Phụ nữ Quốc tế Việt Nam, thu nhập gia đình chị Dân được cải thiện hơn hẳn. Năm 2021 cũng trên diện tích 5000m2 đất, vườn cà phê chị Dân thu được gần 100 triệu đồng từ bán quả cà phê đỏ, cao gấp 3 lần những năm trước.

Những phụ nữ Thái ở miền núi Sơn La vươn lên làm chủ cuộc sống từ cây cà phê - Ảnh 3.

Những phụ nữ dân tộc Thái ở bản Nam tham gia chương trình Liên minh Cà phê Phụ nữ (IWCA) Việt Nam.

Hộ chị Cà Thị Phong, Lò Thị Liên đều là nhưng phụ nữ đơn thân chồng mất sớm một mình nuôi 3 con cuộc sống khó khăn… Khi tham gia Liên minh Cà phê Phụ nữ Quốc tế Việt Nam, các chị được hướng dẫn kiến thức, hỗ trợ giống, được đào tạo nhiều kỹ năng mềm, kiến thức trong cuộc sống. Từ chương trình, những người mẹ đơn thân như các chị được cải thiện cuộc sống, có người cất được nhà khang trang, dành dụm được một số vốn khá khá tiếp tục mở trang trại chăn nuôi.

Cuộc sống của những phụ nữ đơn thân như chị Dân, chị Phong, chị Liên đã khác xưa. Việc được tham gia Liên minh Cà phê Phụ nữ Quốc tế Việt Nam đã giúp họ có thể tự làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Chị Phong tâm sự “Có kinh tế trong tay, tôi tự tin, tôi dám ước mơ, dám nghĩ đến những điều mà trước đây tôi không nghĩ tới. Từ cây cà phê đã mang cái ấm no đến với những phụ nữ như chúng tôi”. Hiện tại bản Nam nơi chị Dân sinh sống có 90 hộ tham gia Liên minh Cà phê Phụ nữ Quốc tế Việt Nam, hầu hết trong số đó đều là những phụ nữ đơn thân. Những phụ nữ Thái là mẹ đơn thân ở bản miền núi đã bắt đầu tự tin hơn, khẳng định vị thế của mình trong xã hội.

Mè Hương

Nguồn: Giadinh.suckhoedoisong.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới