Bảy Viễn là một tướng cướp lừng danh trước năm 1945. Hắn đã từng 3 lần vượt ngục Côn Đảo thành công trước khi quy hàng Pháp để leo đến chức Tổng trấn Sài Gòn.
Những tên tướng cướp này có số phận rất khác nhau, người thì được kính nể vì sự nghĩa hiệp, kẻ thì bị ghê sợ vì những tội ác khủng khiếp. Có những ông trùm tạo được một vỏ bọc thành đạt và cũng không thiếu những tướng cướp máu lạnh nhưng có vẻ ngoài trí thức… Các tướng cướp này, một số thì sa lưới pháp luật, số khác thì rửa tay gác kiếm… Loạt bài Những tướng cướp khét tiếng Việt Nam một thời thuật lại đầy đủ nhất chân dung những “siêu trộm” lũng đoạn xã hội Việt Nam những thập kỷ trước.
Bảy Viễn tên thật là Lê Văn Viễn, sinh 1904, năm có trận lũ lụt lớn nhất trong lịch sử Nam Bộ. Nơi sinh là Phong Được, quận Cần Giuộc, Chợ Lớn, nay thuộc quận 8, TP.HCM. Năm 16 tuổi, học hết trường làng, Viễn đi bụi, học võ.
3 lần vượt ngục ‘ngoạn mục’
Bảy Viễn vào đời bằng một chuỗi tiền án không mấy vẻ vang gì, từ trộm vặt, hành hung người, rồi cướp có vũ khí. Cuộc đời giang hồ của hắn là vào tù ra khám và vượt ngục.
17 tuổi, nam thanh niên này đã cướp xe đạp (tài sản giá trị rất lớn bấy giờ) và bị án 20 ngày tù. Những ngày trong tù, Bảy Viễn thọ giáo với nhiều đàn anh nên khi ra tù, y không còn là tên ăn cắp vặt nữa mà trở thành tên du đãng, lưu manh.
Năm 1927, 23 tuổi, Bảy Viễn được ông chủ sòng bài tuyển làm nhân viên gác cửa. Vài hôm sau ông chủ này phải hối hận vì bị Bảy Viễn nện cho một trận. Kết quả Bảy Viễn phải đi tù 2 tháng.
Ra tù lần này, Bảy Viễn đã có số má nên bỏ hẳn những vụ cướp, va chạm lặt vặt. Bảy Viễn quy tụ bạn bè, đàn em, tổ chức thành băng đảng, tham gia nhiều vụ cướp kinh thiên động địa ở Sài Gòn – Chợ Lớn.
Năm 1936, Viễn cướp tiệm vàng ở Giồng Ông Tố, lấy được 6.000 đồng (tương đương với 600 tấn gạo). Sau đó bị bắt và kết án 12 năm ở Côn Đảo.
Ngục Côn Đảo nổi tiếng canh gác nghiêm ngặt, lại cách đất liền 120 hải lý nên việc vượt ngục khó như lên trời.
Phương tiện thoát khỏi nhà tù Côn Đảo chỉ có bứt mây rừng, đốn cây kết bè, chờ đến mùa gió chướng, thổi từ biển vào đất liền, rồi thả bè cho trôi theo chiều gió.
Tù nhân được điểm danh mỗi ngày. Các bãi biển có thể thả bè hướng về đất liền, luôn luôn được canh giữ cẩn mật, bởi những phạm nhân sắp mãn hạn tù, được cử làm “trật tự” chờ đợi ngày về Sài Gòn, ra khám.
Hơn nữa, vùng biển Côn Đảo có rất nhiều cá mập, ít có chiếc bè nào dám vượt qua mũi Cá Mập cả. Gian nan và nguy hiểm chập chùng trên đường vượt biển. Lắm khi giông bão nổi lên, cuốn bè trôi mất phương hướng, thay vì vào ven biển đất liền thuộc các tình miền Nam, lại trôi ngược lên tận đảo Hải Nam của Trung Hoa. Nhiều người chết vì đói và khát.
Ngày 8/2/1940, ở tù được 4 năm thì Viễn vượt ngục lần thứ nhất về đất liền. Như vậy còn thiếu 8 năm, nên sau đó hắn bị cộng thêm vào án 12 năm trong vụ cướp xưởng mộc Bình Triệu.
Tại phòng giam ở Côn Đảo lần 2, hắn bị biệt giam tại phòng 5 và đã đụng độ tên cọp rằn ác ôn người Miên tên Khăm Chay – một tướng cướp trên núi Tà Lơn. Tên này võ nghệ cao cường, có luyện “gồng Trà Kha”, được chúa đảo Bouvier đỡ đầu với chính sách dùng tù Miên trị tù Việt.
Trong cuộc so tài, Bảy Viễn đã tung một cú đá xỉa bằng năm đầu ngón chân (Kim Tiêu cước) nhanh và hiểm trúng vào nhân trung (yếu huyệt) Khăm Chay khiến hắn bể sống mũi, dập môi, gãy răng, máu tuôn xối xả, tràn cả vào mồm. Khăm Chay lảo đảo vài bước rồi đổ gục xuống nền buồng giam. Từ đó, cọp rằn Khăm Chay lặn mất tăm. Nhờ võ nghệ cao, Bảy Viễn thường xuyên ra mặt bảo vệ tù nhân khi bị đánh đập nên rất được nể phục.
Sau cuộc tỷ thí với Khăm Chay, Bảy Viễn nhờ chất giang hồ ngang tàng đã tán đổ cô vợ chủ cai ngục, và nhờ người tình chuẩn bị phương tiện đóng bè vượt ngục. Những đêm bí mật ăn nằm với vợ mã tà 76 – chủ cai ngục, Bảy Viễn thường bảo nàng kể chuyện vượt ngục để thầm chọn phương án tối ưu.
Cuối cùng, Bảy Viễn quyết định chọn cách làm bè.
Tại nhà tù, Viễn cùng 4 nhân vật khác kết nghĩa huynh đệ, lấy nước tiểu uống thay máu đào. Theo đó, Mười Trí làm đại ca, Bảy Viễn là nhị ca, Năm Bé làm tam ca, Tư Nhị là Út ca.
Được bạn tù giúp đỡ, đợi mùa gió về đất liền, y và 5 người tù nữa thả bè hướng vào bờ. Ròng rã nhiều ngày trên biển nhưng cuối cùng hắn và đồng bọn cũng vào được tới bờ.
Trở về đất liền lần này Bảy Viễn như rồng thêm cánh, hổ thêm nanh, hắn đã thực hiện những vụ cướp kinh thiên động địa khắp cả Nam Kỳ lục tỉnh.
Lần vào ngục thứ 2, hắn lại lợi dụng tình cảm cô vợ của mã tà 76, khai thác thông tin của người phụ nữ này, hắn biết được cai ngục tăng cường thắt chặt an ninh ngục, tặng tiền thưởng nhiều hơn cho bọn coi ngục để chúng cố gắng luồn rừng leo núi phát hiện bè mây giấu trên núi. Vì vậy, Bảy Viễn đã nảy ra ý định đánh cắp ghe thuyền ở đây để vượt biển.
Ðêm về, Bảy Viễn trằn trọc với ý nghĩ cướp chiếc tam bản của Sở Lưới để về đất liền.
Bảy Viễn nhờ vợ mã tà 76 lo nước uống, cơm khô, cốm nếp, chanh, đường. Còn Mười Trí thì liên lạc với Ba Rùm nhờ giũa cho một chìa khóa “vạn năng” để lấy trộm chiếc tam bản của Sở Lưới. Tư Nhị cũng được bắt liên lạc để chuẩn bị sẵn sàng. Ðêm vượt biển cũng chọn vào đêm trừ tịch, trời tối đen. Nhưng cuối cùng, Viễn đã vượt ngục một cách ngoạn mục.
Tuy nhiên, sau vụ cướp táo bạo chủ sở cao su Dầu Tiếng, Bảy Viễn, Mười Trì lại bị bắt đày Côn Ðảo. Với Bảy Viễn, đây là chuyến ra đảo lần thứ ba.
Tại nhà tù, dù quen mặt với các cán bộ trại giam, ngoài miệng thì bô lô ba la với thầy chú với người quản ngục nhưng đêm đêm, Mười Trí và Bảy Viễn đều nôn nóng bàn mưu tính kế vượt ngục vì tình hình dường như sắp biến chuyển quan trọng. Lúc đó, chiến tranh thế giới thứ 2 sắp kết thúc. Phe Ðồng minh đang phản công như giông gió. Phát xít Ðức-Ý-nhật đang yếu thế. Nhờ đọc báo mà Bảy Viễn và Mười Trí biết chút ít thời cuộc. Càng biết thời cuộc thì không thể an tâm nằm ngoài đảo lâu ngày được.
Y lại tổ chức vượt ngục, trở lại đất liền.

Cái chết côi cút xứ người
Bảy Viễn trở về đất liền vào đúng thời điểm lịch sử biến động. Thực dân Pháp theo chân quân Anh trở lại gây hấn, quân đội Nhật ở Đông Dương như rắn mất đầu.
Chiến tranh nổ ra giữa chính quyền Việt Minh non trẻ và thực dân Pháp – Anh. Thời gian đầu Bảy Viễn đưa đám đàn em dưới trướng tham gia quân đội Bình Xuyên của Bảo Đại. Giai đoạn này cũng ghi nhận việc Bảy Viễn lấy vợ theo kiểu rất ngang tàng. Biết ông Hội đồng Đống có cô con gái xinh đẹp, Viễn bỏ khẩu súng Colt rất quý thời đó vào hộp tặng rồi bắn tin muốn làm rể. Biết tiếng tăm tướng cướp lừng lẫy, ông Đống bấm bụng gả con.
Sau khi Ba Dương mất trong trận chống càn ở Bến Tre, Bảy Viễn muốn giành chức Tư lệnh Bình Xuyên nhưng một số chỉ huy không tán thành. Xung đột xảy ra, Viễn mang khoảng 200 đàn em đầu hàng Pháp và được gắn lon đại tá. Được giao nhiệm vụ mở tuyến đường Sài Gòn đi Vũng Tàu, Viễn hoàn thành sau 3 năm và được nâng lon lên thiếu tướng.
Muốn leo cao trên con đường chính trị, Bảy Viễn thiết lập quan hệ thân thiết với Bảo Đại, nạp cho ông vua này hàng triệu đồng tiền Đông Dương và nửa triệu đôla. Năm 1952, Bảo Đại bổ nhiệm Bảy Viễn vào chức Đô trưởng Cảnh sát Sài Gòn. Sau đó, ông ta được giao chức Tổng trấn Sài Gòn – Gia Định nắm mọi quyền hành ở Sài Gòn xưa.
Bằng thế lực của mình, Bảy Viễn thâu tóm các sòng bạc Đại Thế giới (Casino Grand Monde), Kim Chung (Casino Cloche d’Or), đồng thời làm ngơ cho khu mại dâm Bình Khang hoạt động công khai. Nhiều tài liệu còn cho thấy Bảy Viễn móc nối với người đảo Corse (Thuộc nước Pháp) để buôn thuốc phiện và ma tuý công khai. Theo nhiều tài liệu còn lưu lại trong Cục lưu trữ Sài Gòn thì Lực lượng Bình Xuyên của Bảy có mặt trong hầu hết các ngành khai thác, kinh doanh béo bở khắp Nam Kỳ, nhưng đồng thời Lực lượng Bình Xuyên do tên thủ lĩnh vẫn là một đơn vị độc lập.
Trong khoảng thời gian huy hoàng khi nắm trong tay quyền lực to lớn, thao túng mọi hoạt động kinh doanh-buôn bán, Bảy Viễn dường như trở thành một trong những người giàu có, đại tư sản và quyền lực nhất Đông Dương, thậm chí là toàn cõi Đông Nam Á lúc bấy giờ. Trong giới giang hồ miền Nam ngày xưa thì Bảy là người thành công nhất về quyền lực, sự giàu sang cũng như đạt đến đỉnh cao của danh vọng.
Tháng 9/1954, Bảy Viễn từ chối lời mời của Ngô Đình Diệm về việc sát nhập Lực lượng Bình Xuyên vào Quân đội của chính quyền Sài Gòn.
Ngày 28/3/1955, Bảy Viễn chỉ huy quân Bình Xuyên tấn công vào các Lực lượng của chính quyền Sài Gòn nhưng bị thua trận, lực lượng của Bảy Viễn gần như tan nát, trốn khắp nơi.
Sau đó, Ngô Đình Diệm quyết định đóng cửa các sòng bài do Bảy Viễn điều hành, giải tán khu mại dâm Bình Khang, cho quân đội Sài Gòn tấn công quân Bình Xuyên và các giáo phái.
Nhờ người Pháp ra tay cứu, Bảy Viễn đến Pa-ri ngày 7/11/1955. 3 bà vợ và con trai là thiếu tá Lê Paul bị kẹt ở lại và bị Ngô Đình Nhu tống giam. Năm 1956, Lê Paul bị cảnh sát bắn chết. Bảy Viễn nghe tin đau đớn tột cùng.
Năm 1971, ông qua đời tại Pháp.