Hiền mèo trắng từng là một tướng cướp khét tiếng, bị kết án tử hình. Cuộc đời trầm luân của người đàn ông này tạm kết bằng mối tình với người phụ nữ bị tâm thần. Nhưng chính tình yêu với cô gái này đã thức tỉnh lương tri hắn để rồi sau đó hắn làm lại cuộc đời lương thiện.
Những tên tướng cướp này có số phận rất khác nhau, người thì được kính nể vì sự nghĩa hiệp, kẻ thì bị ghê sợ vì những tội ác khủng khiếp. Có những ông trùm tạo được một vỏ bọc thành đạt và cũng không thiếu những tướng cướp máu lạnh nhưng có vẻ ngoài trí thức… Các tướng cướp này, một số thì sa lưới pháp luật, số khác thì rửa tay gác kiếm… Nét chung của họ là rất bản lĩnh (và liều lĩnh – dĩ nhiên) và có tính định hướng rất cao trong “nghề” cướp của mình. Loạt bài Những tướng cướp khét tiếng Việt Nam một thời thuật lại đầy đủ nhất chân dung những “siêu trộm” lũng đoạn xã hội Việt Nam những thập kỷ trước.
Từng náo loạn giang hồ, bị tuyên án tử
Hiền “mèo trắng” tên thật là Trần Văn Nhu (SN 1958, trú tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An).
Trần Văn Nhu sinh ra trong một gia đình có 8 anh em. Là con trai cả nên khi người bố qua đời, ông trở thành trụ cột chính trong gia đình. Hàng ngày, ông đi bốc vác thuê và theo thuyền ra khơi đánh cá, dù làm việc quần quật ngày đêm nhưng vẫn không đủ nuôi 9 miệng ăn.

Sau cú sốc mất cha, Nhu đã hoàn toàn trở thành một con người khác. Bị mọi người trong họ hàng xua đuổi, ghẻ lạnh, hắn càng trở nên ương bướng, khó bảo.
Công việc mệt nhọc, làm quần quật cả ngày mà vẫn không có tiền, Nhu đâm chán nản rồi bỏ đi theo giang hồ.
Năm 19 tuổi, gã theo chân đám bạn xấu đi trộm cắp, rồi bị bắt và bị kết án 18 tháng tù giam vì lấy trộm đồng hồ của một hành khách trên tàu.
Mãn hạn tù, tưởng rằng hắn sẽ cải tà quy chính để làm lại cuộc đời, nhưng không, Nhu lại tiếp tục đi theo vết xe đổ trước đó của đời mình.
Nhu gia nhập băng nhóm “Người không mang họ” chuyên đi móc túi, cướp giật và trấn lột. Thủ lĩnh của băng cướp này là tướng cướp Trương Hiền (tức Toọng) một kẻ dạt vòm từ Đông Hà (Quảng Trị) vào Vinh nhưng nhanh chóng thống lĩnh giới giang hồ tại đây nhờ bản tính hung hăng và liều lĩnh.
Dưới sự thống trị của Toọng, băng cướp “Người không mang họ” đã trở thành nỗi ám ảnh và khiếp sợ trong suốt những năm 1976 – 1979 của người dân Thành Vinh nói riêng và dân chúng các tỉnh thành miền Trung nói chung thời bấy giờ.
Chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng (từ tháng 12/1978 – 5/1979) băng cướp do Tọng cầm đầu đã gây ra trên 40 vụ cướp, cưỡng đoạt tài sản của công dân, 2 vụ trộm tài sản lớn tại Tổng kho Ngoại Thương, bắn trọng thương 4 người, chiếm đoạt hơn 8 triệu đồng.
Điển hình, ngày 16/4/1978, Hiền “Mèo Trắng” là 1 trong 6 đối tượng cầm đầu bắt xe ra ga Si (Diễn Châu) cùng đồng bọn cướp 12 khẩu súng của bộ đội và 1 bao tải chứa 50 kg bột mỳ. Sau khi bỏ chạy ra hướng ga Yên Lý, ổ nhóm này bị lực lượng công an phát hiện, truy đuổi và lần lượt sa lưới pháp luật.
Năm 1980, TAND tỉnh Nghệ Tĩnh đưa vụ án trên ra xét xử. Với 2 tội danh “Chống người thi hành công vụ”và “Cướp đoạt tài sản xã hội”, Trần Văn Nhu bị tuyên án tử hình.
Đối diện với án tử, Nhu mới thực sự sợ hãi. Sau đó hắn làm đơn kháng cáo, rồi được tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt từ tử hình xuống chung thân. Tháng 4/2000, sau 20 năm trả giá, Nhu được tự do vì cải tạo tốt.
Tìm về nẻo thiện với mối tình trái ngang
Ở trong ngục tù, nghĩ đến người cha khắc khổ cả đời sương gió, gã đã khóc và ân hận vì lỗi lầm của mình, để rồi âm thầm quyết tâm sẽ cải tạo tốt để sớm được ra tù.
Sau 20 năm đền tội, cuối cùng người đàn ông này đã được tự do.
Trở về quê hương khi đã đi qua nửa cuộc đời, với tiền án mang trên mình, hắn bị tất cả mọi người xa lánh, dè bỉu. Ngay cả mẹ đẻ và anh em ruột thịt cũng không muốn nhìn mặt hắn. Tuy nhiên, Nhu không hề oán trách ai mà chỉ ân hận về những lỗi lầm mình gây ra và cố gắng trở thành một người lương thiện.
Có những lúc, trước sự gay gắt của dư luận địa phương, cũng sự ghẻ lạnh của gia đình, ông Nhu đã có ý nghĩ bỏ làng đi làm ăn xa.
Sống một mình cô đơn và buồn tủi, ông luôn khát khao một mái ấm gia đình. Nhưng ông luôn nghĩ sẽ không người phụ nữ nào chấp nhận lấy một người từng vào tù, ra tội làm chồng cả.
Hồi ấy, trong làng ông có một người phụ nữ tên Tô Thị Định (SN 1972). Sinh ra và lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác, thế nhưng đến tuổi trưởng thành Định bỗng nhiên phát bệnh tâm thần.
Mặc dù đã được bố mẹ đưa đi chữa trị khắp nơi, nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm. Mỗi khi trái gió trở trời, Định nói lảm nhảm, chửi bới và đập phá đồ đạc. Thậm chí còn bỏ đi lang thang khắp nơi.
Thế rồi ông chợt cảm thấy thương cảm với người phụ nữ này. Một ngày nọ, ông Nhu quyết định sang nhà chị Định để xin hỏi cưới. Mới đầu nghe nguyện vọng của ông Nhu nhiều người vô cùng sửng sốt.
Họ không thể ngờ ông Nhu lại quyết định lấy người con gái tâm thần làm vợ. Nhiều người còn ngờ vực ý đồ của người đàn ông này. Nhưng thấy sự quyết tâm, gia đình cũng cho chị Định kết hôn với ông Nhu.

Ông Nhu biết rằng, lấy 1 người tâm thần sẽ khổ cực. Nhưng chính sự khao khát làm lại cuộc đời và sự đồng cảm với số phận của người bất hạnh, ông đã quyết định dành nửa cuộc đời còn lại chăm sóc cho chị Định. Với ông, đó cũng là cách để ông trả nợ đời, làm một người lương thiện.
Năm 2001, người phụ nữ ấy mang bầu và sinh con nhưng cuối cùng cũng không nuôi được. Hơn một năm sau, niềm vui như vỡ òa khi ông chính thức được làm bố của một bé trai kháu khỉnh mà sau này ông đặt tên cho con trẻ là Trần Văn Nhật.
Hiện tại, bé trai đã học lớp 7. Với ông đó là niềm hạnh phúc lớn lao, niềm an ủi cho một cuộc đời nhiều sóng gió.
Thương cho ông Nhu không có việc làm, chính quyền địa phương xã Quỳnh Long đã bố trí cho ông làm quản lý khu chợ làng. Công việc là đảm bảo an ninh, giữ vệ sinh khu chợ.
Hàng ngày bận rộn với công việc ở chợ, chăm sóc vợ con, tối lại đi dọn rác đến khuya mới về nhưng người đàn ông này không hề than vãn. Rất may đứa con trai của ông Nhu rất thông minh, nhanh nhẹn và thương bố. Ngoài giờ đi học, Nhật còn phụ giúp bố trông mẹ, nấu cơm lo cho gia đình.
Gần 20 năm ra tù, giờ đây cái tên Hiền “Mèo Trắng” đã bị lãng quên. Từ một tên cướp khét tiếng, ông Nhu đã trở thành người chồng, người cha hiền lành, lam lũ và được mọi người tin yêu, quý mến.