Chủ Nhật, 20 Tháng 4, 2025
Trang chủThời SựNhững tướng cướp khét tiếng Việt Nam một thời (Kỳ 9): Chung...

Những tướng cướp khét tiếng Việt Nam một thời (Kỳ 9): Chung chón – Tướng cướp từng là trinh sát đặc công, con ma giữa rừng mang án 'tiêu diệt tại chỗ'

Vốn là đặc công thuộc biên chế một tiểu đoàn trinh sát, không chỉ giỏi về cách sử dụng các loại vũ khí, Chung Chón còn nhanh như sóc. Độ máu lạnh của hắn đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân và các thương lái vùng biên ải Lạng Sơn những năm 90 thế kỷ trước.

Những tên tướng cướp này có số phận rất khác nhau, người thì được kính nể vì sự nghĩa hiệp, kẻ thì bị ghê sợ vì những tội ác khủng khiếp. Có những ông trùm tạo được một vỏ bọc thành đạt và cũng không thiếu những tướng cướp máu lạnh nhưng có vẻ ngoài trí thức… Các tướng cướp này, một số thì sa lưới pháp luật, số khác thì rửa tay gác kiếm… Nét chung của họ là rất bản lĩnh (và liều lĩnh – dĩ nhiên) và có tính định hướng rất cao trong “nghề” cướp của mình. Loạt bài Những tướng cướp khét tiếng Việt Nam một thời thuật lại đầy đủ nhất chân dung những “siêu trộm” lũng đoạn xã hội Việt Nam những thập kỷ trước.

Băng cướp gặp người là nã đạn

Chung “chón” tên thật là Hoàng Văn Chung (sinh năm 1961, ngụ thôn Còn Pheo, xã Thụy Hùng, Cao Lộc, Lạng Sơn). 

Chung từng là lính đặc công thuộc biên chế một tiểu đoàn trinh sát, nên hắn rất giỏi về cách sử dụng các loại vũ khí. Thế nên, nhiều lần hắn đã tự vỗ ngực ngạo nghễ tuyên bố, hắn rành súng đạn hơn bất cứ thứ gì trên đời.

Hắn có vóc dáng to, thấp đậm, rất khỏe, chân tay cuồn cuộn và đặc biệt cực kỳ nhanh nhẹn. Đi đâu, Chung cũng kè kè khẩu colt, lưng giắt lựu đạn. Những người dân địa phương hắn đặt cho hắn cái biệt danh là “chón” nghĩa là nhanh như sóc (“chón” tiếng dân tộc Tày, Nùng nghĩa là “sóc”).

Mỗi vụ cướp hắn đều lập kế hoạch bài bản, có tổ chức, phân công đâu ra đấy, nhưng lại chẳng theo quy luật nào. 

Vào những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, hai bên biên giới Việt – Trung mở rộng giao thương, việc buôn bán, du lịch mua sắm diễn ra vô cùng tấp nập. Trong khi đó, tình hình an ninh trật tự còn chưa ổn định do chiến tranh biên giới kết thúc chưa bao lâu, nên tại tỉnh biên giới Lạng Sơn, các băng cướp hoành hành. Trong số đó, người dân thời ấy vẫn ám ảnh băng cướp do Chung “chón” cầm đầu.

Chung chón
Quốc lộ 1B, nơi các băng cướp do Chung “chón” cầm đầu hoành hành suốt một thời gian dài. Ảnh Tư liệu

Đầu tháng 1/1989, Chung “chón” từng “xộ khám” vì tội tổ chức đồng bọn vác súng đi chặn xe và cướp tài sản của những người đi đường tại khu vực cầu Bản Liếp, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn. Tuy nhiên, “xộ khám” chưa được bao lâu thì tháng 5/1990, Chung “chón” đã dùng lửa đốt phá cánh cửa buồng giam trốn thoát.

Như con sói thoát bẫy, Chung ngày càng gian manh, xảo quyệt và liều lĩnh hơn. Đi tới đâu, hắn cũng thâu nạp thêm tay chân, lấy cướp bóc làm kế sinh nhai, bắn nạn nhân làm trò giải trí và “thử súng”.

Với các băng cướp khác thì thường chọn những “mồi ngon” để tiến hành cướp bóc. Nhưng dù nổi tiếng với những vụ cướp táo tợn, tàn độc, băng cướp Chung “chón” cũng không “chừa” những vụ cướp vặt. Từ cướp một con gà, nồi khoai lang đến hàng trăm triệu đồng, vụ nào chúng nã súng bắn vô tội vạ.

Vụ điển hình về độ “ăn tạp” cũng như nguy hiểm của chúng phải kể đến cuộc nã súng cướp khoai vào tháng 2/1992. Khi đó, Hoàng Văn Chung cùng em trai là Hoàng Văn In, Đoàn Văn Trị và một tên nữa là Long vác 3 khẩu AK và 6 băng đạn đi cướp.

Nhưng cả ngày rình rập con mồi mà chả có bóng dáng nào xuất hiện, chán nản và đói lả, chúng hùa nhau đi cướp khoai của một hộ nông dân nơi Dốc Quýt (cách thành phố Lạng Sơn khoảng 5km) gần đó. Thấy chủ ruộng chạy mất, chưa đã tức, chúng hè nhau nhằm túp lều của ông này bắn loạn xạ. Vào trong lều, chả thấy thứ gì đáng giá ngoài chiếc nồi gang, sau khi luộc khoai ăn no nê, In liền xách chiếc nồi về nhà.

Sau này khi khai nhận với cơ quan điều tra, Chung cho biết vì tức giận với chủ ruộng khoai mà chúng đã cả hết 6 băng đạn. Qua lời khai của hắn mới thấy độ manh động và nguy hiểm của băng nhóm này.

Khoảng tháng 3/1992, hết tiền ăn tiêu, Chung lại cùng đồng bọn xách súng và lựu đạn đến khu vực xã Phú Xá chờ cướp. 

Chung đưa In khẩu súng ngắn K59, Long khẩu K54, Trị quả lựu đạn, còn y xách khẩu AK, túi đút lựu đạn ra khu vực xã Phú Xá chờ cướp. Lần này cả bọn cướp được 1 ví tiền và 1 con gà.

Cướp xong, cả bọn về nhà Chung đếm thì thấy có 300.000 đồng. Chúng chia nhau, ba tên In, Long, Trị – mỗi tên được 66.000 đồng còn Chung vì có súng đưa cho đồng bọn, góp cổ phần nhiều hơn, nên “lợi tức” được 100.000 đồng. 

Một tuần sau, cơ quan điều tra đã bắt Hoàng Văn In, Đoàn Văn Trị, nhưng riêng Chung và Long đã chuồn lẹ tẩu thoát.

Sau khi trốn khỏi địa phương, Chung mò sang địa bàn khác, lập băng cướp mới. Ngày 27/12/1992, Chung khoác AK cùng đồng bọn ra cầu Khánh Khê, huyện Văn Quan chặn xe cướp. Lần này, chúng làm nạn nhân bị thương nặng và cướp được 15 triệu đồng.

Từ khi xuất hiện các băng cướp của Chung “chón”, cả mấy huyện biên giới như Cao Lộc, Bình Gia, Văn Quan, Bắc Sơn của tỉnh Lạng Sơn, cứ tối tối, khi màn đêm vừa buông xuống, nhà nào cũng vội vàng cửa đóng, không ai dám ra đường.

Vụ án đặc biệt nhất là vào đêm 24/4/1993, Chung “chón” lại tổ chức một băng cướp mới cùng Hoàng Văn Long, Đồng Văn Eng, Lăng Văn Nhàn. Chung “chón” mở kho vũ khí của mình đưa cho Nhàn một khẩu AK, Eng một khẩu K59, Long một khẩu Col rồi chúng lại lập kế hoạch đi cướp.

Nhưng lần này nạn nhân của chúng là anh Lý Văn Tiệp, cán bộ Công an tỉnh Lạng Sơn. Hôm đó, anh Tiệp chở vợ là chị Trịnh Thị Út đi qua Dốc Quýt thì bọn Chung nhảy ra nã súng đòi cướp. Thấy bọn cướp lao ra bắn, anh Tiệp dùng súng bắn trả, làm tên Eng trúng đạn ngã xuống. Tuy nhiên, sau hồi đấu súng không cân sức, anh Tiệp bị tên Nhàn dùng súng AK bắn chết tại chỗ. Hoảng hốt, chị Út chạy lên trạm Dốc Quýt kêu cứu.

Khi lực lượng Phòng Cảnh sát hình sự tới nơi thì đám cướp đã mất hút, bỏ lại tên đồng bọn bị thương nặng. 

Cuộc vây bắt nghẹt thở “con ma” giữa núi rừng

Khi ấy, Đại tá Triệu Văn Điện, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh Lạng Sơn được giao nhiệm vụ vây bắt Chung và đồng bọn. Chung “chón” được liệt vào danh sách “tiêu diệt tại chỗ” của cả lực lượng Công an và quân đội tỉnh Lạng Sơn lúc đó.

Quán triệt tư tưởng nên ban chuyên án đã xây dựng được một kế hoạch vây bắt thật tỉ mỉ, chi tiết. Một mặt đập tan các nhóm cướp, chặt đứt đám tay chân, tận thu phương tiện vũ khí để làm mất chỗ dựa của hắn, khống chế ở mức tối đa việc hắn gây án trong khi chạy trốn. Mặt khác kết hợp giữa trinh sát, truy lùng và tạo lõng để việc vây bắt đạt hiệu quả. 

Sau vụ bắn chết đồng chí Hoàng Văn Tiệp – cán bộ thanh tra Công an tỉnh Lạng Sơn, biết tên Đồng Văn Eng được cứu sống và khai tuồn tuột về đồng bọn, băng cướp hầu như tan rã, mạnh ai nấy chạy. Riêng Chung “chón” và Hoàng Văn Long (SN 1973) tiếp tục thu nạp thêm đệ tử là Hoàng Văn An (SN 1973, cùng ở xóm Còn Pheo, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) lập băng cướp mới.

Sau khi gây ra một loạt vụ cướp khét tiếng, Chung “chón” biết mình đã có sẵn cái án “Tiêu diệt tại chỗ” nên cực kì khôn ngoan và ranh ma.

Hầu như tất cả đồng bọn của hắn, hơn 10 tên, đã bị bắt và tiêu diệt nhưng hắn vẫn thoắt ẩn thoắt hiện trong những hang núi đá vôi. Trên người luôn vác theo hẳn một “kho” vũ khí để phòng thân.

Thời điểm này, nguồn tin trinh sát cho hay, Chung dù có vợ con đề huề nhưng cặp bồ với Vi Thị Vị, ở huyện Cao Lộc và có với nhau một con trai. Dù không về thăm nhà, nhưng hàng tháng Chung lại đến thăm bồ và con riêng. Vị có 3 em trai từng tham gia các băng cướp của Chung.

Nắm bắt được thông tin đó, các trinh sát đã vận động, thuyết phục, người em trai thứ ba tên là Hạt chọn con đường lập công chuộc tội, hợp tác với công an để bắt giữ tướng cướp Hoàng Văn Chung.

Lúc này đã gần đến Tết nửa năm (ngày 6/6 âm lịch) của đồng bào dân tộc Nùng, Ban chuyên án quyết định lựa chọn làm thời điểm phá án. Đêm 1/8/1993, đúng kế hoạch đặt ra, em trai Vị lại đi mua rất nhiều rượu, một con chó to về làm thịt với lời dặn: việc tổ chức ăn uống cứ kéo dài từ 3 giờ chiều đến 9 giờ đêm. Ăn uống xong, Chung lên giường ngủ, em trai Vị ra báo cho các công an.

Ban chuyên án tham gia vây bắt Chung gồm 10 đồng chí, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nông Văn Định, Trưởng phòng CSHS.

Nhận được tin báo của Vị, Công an ngay lập tức tiếp cận ngôi nhà Chung “chón” đang tá túc. Tuy nhiên, vì trong nhà có người già và trẻ nhỏ, lại đề phòng hắn cảnh giác đổi chỗ ngủ, nên các trinh sát phải áp sát tận nơi để xác định vị trí của Chung “chón”.

Vòng vây của cảnh sát ngày càng khép chặt. Giờ phá án đã điểm. Tiếng loa kêu gọi đầu hàng vang lên.

Biết bị bao vây, tên Chung tay cầm khẩu súng ngắn, ngó ra cửa quan sát. Đồng chí Hoàng Văn Nam nổ một phát súng AK chỉ thiên, hô: “Giơ tay lên!”. Lập tức, hắn thụt vào trong nhà cố thủ. Suốt từ 5 tới 6 giờ sáng, lực lượng truy bắt đã liên tục kêu gọi đầu hàng, nhưng hắn vẫn yên lặng.

Trước tình hình này, tổ truy quét do đồng chí Điện chỉ huy quyết định dùng lựu đạn cay để khống chế, đồng thời kiên trì kêu gọi tên Chung hạ vũ khí đầu hàng. Ném tới hai quả đạn cay, nhưng thấy hắn không hề hấn gì. Quả thứ 3 được tung vào trong nhà, một giây sau, Chung giật cửa chính, nhưng cánh cửa đã bị tổ công tác buộc chặt bên ngoài bằng dây thép.

Lúc này, hắn mới kêu ầm ĩ: “Không chịu được rồi, ra đầu hàng đây!”. Đồng chí Định hô: “Cởi hết quần áo, kiễng chân, xòe tay, đi ra cửa phụ!”.

Sở dĩ phải yêu cầu Chung như thế để hắn không thể nắm lựu đạn hay giấu vũ khí trong người. Hắn cũng rất giỏi võ, nếu đi bình thường, Chung sẽ xuống tấn, dễ bề chống cự lại được lực lượng truy bắt. Nhưng vừa thò mặt ra khỏi đám khói, Chung đã chạy vụt ra cửa sau định tẩu thoát lên rừng.

Nhanh như cắt, thượng úy Điện và đồng chí Nam đã quật ngã hắn. Các trinh sát thu khẩu súng Colt, 60 viên đạn, 1 quả lựu đạn đã rút chốt mà tên Chung để ngay trước cửa khi hắn chạy ra khỏi nhà.

Chung “chón” bị bắt, tay chân của hắn là Long, An cũng nhanh chóng sa lưới. Sau đó, Chung “chón” bị kết án tử hình, Long lãnh án 14 năm tù, An bị án 7 năm tù.

T.H / Tin nhanh Online

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới