Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024
Trang chủThời SựNhững valy tiền bẩn được chặn đứng trên đường vào châu Âu

Những valy tiền bẩn được chặn đứng trên đường vào châu Âu

Vài năm gần đây, Latvia trở thành tâm điểm chú ý tại châu Âu với loạt phi vụ rửa tiền liên quan tới các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, Covid-19 đang khiến hoạt động này tê liệt.

Vào năm ngoái, khi các nhân viên hải quan tại sân bay Riga, thủ đô Latvia, nhận được tin báo và kiểm tra những hành khách bay tới từ Ukraine, họ đã phát hiện một phi vụ lớn. Hành lý của 4 hành khách này chứa số tiền mặt trị giá 1 triệu USD bằng đôla Mỹ và euro. Toàn bộ số tiền đã bị thu giữ.

Vài năm gần đây, Latvia, quốc gia sử dụng đồng euro thuộc Liên minh châu Âu (EU) với 1,9 triệu dân, trở thành tâm điểm chú ý với loạt phi vụ rửa tiền liên quan tới các ngân hàng, theo Bloomberg.

Những valy tiền bẩn được chặn đứng trên đường vào châu Âu Ảnh 1

Latvia là một trong những điểm nóng của hoạt động rửa tiền tại châu Âu. Ảnh: Bloomberg.

Dựa trên số tiền gửi của các ngân hàng thương mại tại ngân hàng trung ương Latvia, ước tính mỗi năm có khoảng 450 triệu USD “tiền bẩn” được buôn lậu tại quốc gia này. Dịch Covid-19 ập đến khiến các chính phủ phải đóng cửa biên giới càng làm rõ những nghi vấn xoay quanh vấn đề này.

“Đột nhiên không còn những khoản tiền mặt như vậy nữa”, Ilze Znotina, người đứng đầu cơ quan tình báo tài chính của Latvia, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Theo bà, đó là các trường hợp gửi tiền qua các công ty thanh toán tới quốc gia láng giềng, sau đó rút những khoản tiền lớn từ cây rút tiền tự động (ATM) ở gần biên giới rồi mang chúng về Latvia. Đây thường là hành động nhằm trốn thuế.

Ở các quốc gia khác, cơ quan thực thi pháp luật thường theo dõi những người xuất và nhập cảnh thường xuyên (tới 15 lần một năm) đôi khi cùng cả gia đình có trẻ em. Mỗi người trong những gia đình này thường mang số tiền trong ngưỡng 10.000 euro để qua mặt hải quan khi khai báo. Số tiền này sau đó có thể được gửi vào ngân hàng và chuyển sang quốc gia khác.

Nói về vụ việc bị phát hiện tại sân bay Riga, bà Znotina cho rằng cơ quan điều tra đã phát hiện một trong 4 hành khách là chủ sở hữu các ngân hàng ở cả Ukraine và Latvia. “Câu hỏi đặt ra là tại sao anh ta phải mang theo tiền mặt?”.

Vài năm gần đây, Latvia và quốc gia láng giềng Estonia trở thành tâm điểm của nạn rửa tiền tại châu Âu, châm ngòi cho sự sụp đổ của một vài ngân hàng tại hai nước này như Danske Bank A/S và Swedbank AB. Từng có thời điểm Latvia giao dịch tới 1% tổng giao dịch bằng đồng USD trên thế giới. Nước này đã siết chặt kiểm soát các giao dịch tiền gửi và chuyển tiền ra nước ngoài.

Latvia nổi lên là một trung tâm tài chính với truyền thống lâu đời chuyển tiền mặt bằng đường hàng không.

Vào đầu những năm 1990, những chiếc máy bay TU-134 do Liên Xô sản xuất chở đầy tiền thường bay từ Latvia tới các vùng của Nga, dưới danh nghĩa của Parex, một công ty chuyên kinh doanh ngoại tệ mà sau này trở thành một ngân hàng lớn, theo hồi ký của một trong những nhà sáng lập Parex. Cuốn hồi ký này cũng đề cập đến số tiền mặt thuộc về một người Kazakhstan quyền lực được chuyển tới Latvia bằng máy bay rồi sau đó vận chuyển bằng ôtô trên một con đường có bảo vệ đứng ở hai bên.

Ba thập kỷ trôi qua, “tiền mặt vẫn là một trong những vấn đề lớn nhất”, theo nhận định của bà Znotina, người muốn tăng cường kiểm soát đối với tàu hỏa, phương tiện đường bộ và người nhập cảnh qua biên giới đường bộ. Bà cho rằng, trong số những đồng 500 euro được các ngân hàng thương mại gửi tại ngân hàng trung ương Latvia có một tỷ lệ lớn là “tiền bẩn”.

Những tác động của đại dịch Covid-19 tới hoạt động này có thể sớm qua đi khi các quốc gia châu Âu đang dần mở lại biên giới để cứu vãn mùa du lịch hè. Làn sóng du khách mới đổ vào Latvia sẽ thách thức lập trường của chính phủ nước này đối với hoạt động rửa tiền.

Nguyễn Duy

Nguồn: Zing News

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới