Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024
Trang chủThời SựNợ đọng chất chồng, ai chịu?

Nợ đọng chất chồng, ai chịu?

Trong phiên chất vấn hôm nay (5-6), cử tri mong chờ Bộ trưởng Giao thông Vận tải giải trình một cách thuyết phục phương án trả nợ và bố trí nguồn cho xây dựng các dự án giao thông – ‘mạch máu’ của nền kinh tế

Trong hơn 9.600 dự án đang triển khai trên cả nước, có 8.000 dự án chuyển tiếp và chỉ 400 dự án khởi công mới, nguồn lực còn lại dành trả nợ và thanh toán. Riêng ngành giao thông vận tải (GTVT) tồn đọng nợ trên 20.000 tỉ đồng. Nợ đọng xây dựng cơ bản gây áp lực trả nợ lớn, làm mất cơ hội đầu tư dự án cấp bách mới.

Ứng trước, trả sau

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính thuộc Học viện Tài chính, nhận diện khoản nợ trên 20.000 tỉ đồng của ngành giao thông là do tình trạng xây dựng các dự án thời kỳ trước một cách ồ ạt nhưng không bố trí được vốn từ kế hoạch quyết toán ngân sách thu chi hằng năm mà phải chuyển qua quyết toán các năm sau. Tình trạng này kéo dài qua nhiều năm dẫn đến nợ đọng ngày càng tăng và khó xử lý. “Tuy khoản nợ này sẽ được bố trí xử lý dần thông qua cân đối dòng tiền các năm, không phải là nợ công nhưng đã gây áp lực lên cân đối ngân sách. Theo đó, ngân sách phải trả nợ các dự án cũ trong thời gian dài khiến cạn kiệt nguồn xây dựng dự án mới, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế – xã hội bởi dự án giao thông được coi là “mạch máu” của nền kinh tế” – ông Độ phân tích.

Đầu tư hạ tầng giao thông vẫn là vấn đề cấp thiết hiện nay Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Dù vậy, ông Độ cho rằng đầu tư cho hạ tầng giao thông là vấn đề cấp thiết nhằm phục vụ nhu cầu tăng trưởng của các ngành kinh tế nên không thể đòi hỏi ngành này không có nợ đọng cơ bản, song cần cân đối hài hòa giữa phần dành cho trả nợ và phần đầu tư mới. “Nợ đọng là hậu quả của giai đoạn đầu tư trước, phải phân bổ trả dần. Kế hoạch đầu tư công trung hạn phải thể hiện được sự hài hòa giữa giải quyết nợ đọng và đầu tư dự án cấp bách mới” – ông Độ nhấn mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế – TS Lê Đăng Doanh, quốc gia nào trong quá trình phát triển đều đầu tư mạnh vào GTVT. Việt Nam nợ đọng lớn tại ngành này trong thời kỳ trước thực chất là hệ quả của đòi hỏi phát triển hạ tầng phục vụ nền kinh tế. Thế nên, con số nợ đọng 20.000 tỉ đồng sẽ không “quá nghiêm trọng” nếu các phương án phân bổ, quyết toán ngân sách, đầu tư công trung hạn giải quyết được vấn đề trả nợ song hành với đầu tư.

“Vấn đề tồn tại ở nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam, không riêng ngành giao thông, là mức độ hiệu quả kém, không chỉ ra được nguồn vốn dành để giải quyết. Chúng ta chấp nhận làm trước trả nợ sau nhưng phải có nguồn để trả. Đầu tư kém hiệu quả, khó xử lý nợ đọng sẽ là gánh nặng rất lớn cho nền kinh tế. Trung Quốc đầu tư thiếu tính toán vào GTVT khiến số nợ của chính phủ nước này lên đến 256% GDP. Đây là bài học lớn cho Việt Nam soi xét” – TS Lê Đăng Doanh chỉ ra và góp ý bất cứ dự án nào sau này, trước khi quyết định phê duyệt, cần thuyết minh đầy đủ hiệu quả kinh tế và nguồn lực.

Cần quy trách nhiệm rõ

Sốt ruột khi các khoản nợ có thể ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia, ông Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển thuộc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nhấn mạnh cần chỉ rõ trách nhiệm gây nợ đọng thuộc về ai.

“Nhiều dự án, công trình đầu tư công có nhiều vấn đề thất thoát, lãng phí, đội vốn, kéo dài thời gian. Nếu cứ đầu tư để đạt mục đích rồi dồn nợ lại thì cuối cùng nền kinh tế chưa kịp hưởng lợi từ hạ tầng phát triển đã phải xử lý gánh nặng nợ. Không thể không đầu tư nhưng không vì thế mà đầu tư bất chấp hiệu quả, không tính toán. Hiện nay, bên cạnh đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công thông qua thực hiện tốt pháp luật đầu tư thì cần nêu rõ trách nhiệm của người trình, phê duyệt dự án gây nợ đọng khó xử lý. Chỉ khi chỉ rõ trách nhiệm cá nhân thì mới có tính răn đe về sau, tránh được tình trạng đầu tư sai, không đúng mục tiêu, bắt ngân sách gánh chịu như hàng loạt dự án giao thông hoặc các dự án thua lỗ của ngành công thương” – ông Đào nêu quan điểm.

Theo TS Lê Đăng Doanh, con số nợ đọng 20.000 tỉ đồng của ngành GTVT không hề nhỏ, liên quan đến trách nhiệm của nhiệm kỳ trước khi phê duyệt cho xây dựng các dự án này. Nhưng dù là trách nhiệm của nhiệm kỳ trước thì bộ trưởng Bộ GTVT, bộ trưởng Bộ Tài chính giai đoạn này bắt buộc phải xử lý, giải quyết một cách phù hợp. “Tôi rất mong đợi các bộ trưởng giải trình phương án tài chính, hoàn vốn, trả nợ sao cho thuyết phục; sau đó mới tính đến đầu tư hiệu quả, có trọng điểm vào dự án mới theo tinh thần liệu cơm gắp mắm, có xếp thứ tự ưu tiên” – ông Doanh nói.

PHƯƠNG NHUNG

Theo Nld.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới