Những năm gần đây, nhiều nông dân huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã vượt khó vươn lên thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Với tính cần cù, sáng tạo, họ không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Làm giàu từ nông sản sạch
Năm 1998, anh Nguyễn Văn Thiêm (SN 1978, làng Bia Ngó, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) và em trai cùng một số bà con trong xã rời quê hương Hải Dương “Nam tiến” vào làm công nhân cao su cho Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15).

Sau 7 năm gắn bó với vườn cây, anh Thiêm nhận thấy nghề cạo mủ cao su không phù hợp với sức khỏe của mình nên xin nghỉ. Về nhà, anh làm đủ thứ nghề từ buôn bán đến làm nghề mộc nhưng đều thất bại. “Đến năm 2022, sau nhiều lần trăn trở tìm con đường khởi nghiệp, tôi quyết định tận dụng sản phẩm từ 4 ha điều, mỗi năm thu hoạch 10-12 tấn đem chế biến sâu để nâng tầm giá trị nông sản và không bị thương lái ép giá”-anh Thiêm bày tỏ.
Nghĩ là làm, anh Thiêm mạnh dạn đầu tư máy sấy chế biến hạt điều và đăng ký thương hiệu nhằm mang đến cho khách hàng các sản phẩm hữu cơ chất lượng. Sản phẩm hạt điều rang muối mang thương hiệu “Nguyễn Thiêm” từ đó ra đời.
Sau những nỗ lực, sản phẩm này đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, khẳng định chất lượng và uy tín trên thị trường; đồng thời, năm 2024 được đánh giá là sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Hiện nay, mỗi năm, Nguyễn Thiêm cung cấp 4-5 tấn hạt điều rang muối cho khách hàng trong, ngoài tỉnh.

Không dừng lại ở đó, anh Thiêm còn mạnh dạn đưa giống tre Bát Độ từ các tỉnh phía Bắc vào trồng trên vùng đất sỏi đá xã Ia Chía. Hiện anh trồng 2 ha, với 2.000 gốc tre, mỗi năm, anh thu hoạch được 5 tấn măng tươi. Ngoài bán măng tươi, anh còn chế biến được 3 tạ măng sấy khô, mang lại khoản lãi hơn 250 triệu đồng/năm.
Bên cạnh sản phẩm điều và măng, anh Thiêm còn phát triển sản phẩm cà phê bột nguyên chất mang thương hiệu “Nguyễn Thiêm”, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Anh Thiêm chia sẻ: “Xuất thân là con nhà nông nên tôi rất quý đất đai, cứ làm có tích lũy là tôi lại mua đất sản xuất. Đến nay, ngoài điều và tre lấy măng, tôi đã có thêm 2 ha cà phê kinh doanh. Tôi đầu tư vào quy trình trồng “Sạch từ trang trại đến ly cà phê”. Hơn nữa, để sản phẩm đạt chất lượng cao, tôi đã đầu tư hệ thống rang xay 200 triệu đồng nhằm đảm bảo chất lượng và hương vị đặc trưng của cà phê Tây Nguyên. Nhờ vậy, đến nay sản phẩm cà phê bột nguyên chất Nguyễn Thiêm được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh đón nhận tích cực, đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Nhờ vậy, mỗi năm gia đình tôi bán được khoảng 2 tấn cà phê bột”.
Hiện nay, mô hình làm giàu từ nông sản sạch của anh Thiêm mang lại thu nhập 300-400 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương. Anh cũng tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ bà con trong thôn, xã phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống và xây dựng nông thôn mới.
Ông Ksor Hiếu (làng Kom Yố, xã Ia Chía) kể: “Trước đây, gia đình tôi có hơn 1 ha đất chủ yếu trồng điều và bắp, thu nhập bấp bênh. Vài năm nay, nhờ anh Thiêm giúp giống tre Bát Độ, rồi hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, đến kỳ thu hoạch anh Thiêm bao tiêu sản phẩm luôn. Sau khi tìm hiểu, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi gần 1 sào đất trồng thử. Không ngờ giống tre Bát Độ hợp đất, phát triển tốt, ít sâu bệnh mà còn cho thu hoạch đều, bình quân mỗi tháng cho thu nhập từ 10 triệu đồng trở lên. Nhờ học được cách trồng tre lấy măng của anh Thiêm, năm 2024 gia đình tôi thoát được nghèo, tôi còn giúp thêm vài bộ trong làng trồng theo”.

Ông Ksor Min-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Chía-nhận xét: Tấm gương sản xuất giỏi Nguyễn Văn Thiêm là minh chứng sống động cho tinh thần dám nghĩ, dám làm của nông dân trong huyện. Từ vùng đất biên giới nghèo khó, anh đã vươn lên làm giàu bằng chính sự cần cù, sáng tạo và tâm huyết với nông nghiệp sạch. Mô hình kinh tế của anh không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, lan tỏa giá trị nông sản sạch huyện Ia Grai đến với người tiêu dùng.
Làm giàu nhờ kết nối nông sản OCOP
Chị Trần Thị Vinh-Chủ Cửa hàng Sowroom Tuấn Vinh (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) là phụ nữ có niềm đam mê với các sản phẩm nông nghiệp sạch. Vì thế, chị Vinh luôn trăn trở khi thấy nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng nhưng lại khó tìm được đầu ra ổn định. Không ít hộ sản xuất nhỏ lẻ rơi vào cảnh “được mùa mất giá”, trong khi người tiêu dùng lại không biết đến những sản phẩm địa phương an toàn.
Từ năm 2022, chị Vinh bắt đầu tìm hiểu các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của huyện Ia Grai và các vùng lân cận như các huyện: Chư Păh, Đức Cơ và TP. Pleiku… Từ tinh dầu sả, cà phê sạch, mật ong rừng đến các sản phẩm yến sào, thịt bò khô… Từ đó, chị Vinh chủ động liên hệ đến các cơ sở sản xuất ở địa phương, đề nghị thu gom, hỗ trợ đóng gói, truyền thông và đưa sản phẩm đến các kênh tiêu thụ rộng rãi hơn.

Không dừng lại ở các điểm bán trực tiếp, chị Vinh mạnh dạn đăng ký gian hàng OCOP online trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội. Với kinh nghiệm thực tế và sự kiên trì, đến nay, chị Vinh đã giúp 66 sản phẩm OCOP của huyện Ia Grai và các địa phương khác trong tỉnh có mặt trên các kênh online như Zalo, Facebook, Shopee, đồng thời tham gia các hội chợ, phiên chợ nông sản trong, ngoài tỉnh.
“Ban đầu cũng khó khăn, vì bà con chưa quen bán hàng qua mạng. Tôi phải tự chụp hình, viết bài giới thiệu từng sản phẩm, rồi thử bán lẻ, giao hàng tận nơi. Dần dần, khách quen nhiều lên, có sản phẩm bán ra 40-50 đơn hàng mỗi tháng”-chị Vinh chia sẻ.
Nhờ cách làm sáng tạo và tâm huyết của chị Vinh, các sản phẩm OCOP như cà phê sạch “Thảo Hiên”, thịt bò khô “Tùng Phương”, hạt điều rang muối, măng sấy khô, tươi, cà phê bột “Nguyễn Thiêm”, Yến Sào Cao Nguyên… đã có thêm chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt là trong nhóm khách hàng thành thị, công nhân viên chức và du khách. Nhờ kênh bán hàng hiệu quả, các chủ thể tiêu thụ được sản phẩm, mang lại doanh thu cao, chị Vinh cũng thu được lợi nhuận dịch vụ mỗi năm trên 300 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Thảo (tổ 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai)-Chủ Cơ sở sản xuất cà phê sạch “Thảo Hiên” cho biết: “Trước đây, cà phê “Thảo Hiên” chỉ bán theo phương thức truyền thống trực tiếp cho người tiêu dùng. Còn hiện nay, số sản phẩm nhờ chị Vinh hỗ trợ kết nối, được nhiều khách hàng trong, ngoài tỉnh và cả khách hàng nước ngoài đặt hàng. Nhờ đó, giá trị sản xuất tăng gấp đôi”.
Anh Nguyễn Văn Thiêm cũng bày tỏ: “Việc chị Vinh đứng ra kết nối, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP không chỉ giải quyết đầu ra cho sản phẩm hạt điều rang muối, các sản phẩm măng, cà phê bột của Công ty chúng tôi mà còn tạo động lực để các chủ thể của huyện nâng cao chất lượng, tiếp tục đổi mới sản xuất giúp ổn định đầu ra của sản phẩm”.
Ông Châu Tấn Lập-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Grai-cho biết: Hiện nay, huyện Ia Grai có 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3-4 sao. Toàn huyện có 4.458 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (trong đó có 1.337 hộ dân tộc thiểu số). Những nông dân tiêu biểu trong toàn huyện như anh Nguyễn Thiêm, chị Trần Thị Vinh… đã và đang góp phần làm cho ngành nông nghiệp của huyện từng bước chuyên nghiệp hóa, nâng tầm giá trị sản phẩm.
Điều đáng mừng hơn nữa là thế hệ nông dân trẻ ở huyện Ia Grai cũng đang nhanh chóng tiếp cận công nghệ số. Nhiều nông dân trẻ đã đưa nông sản của gia đình lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Postmart và các nền tảng mạng xã hội. Nhờ đó, nông dân không chỉ làm chủ kỹ thuật mà còn tìm được thị trường ổn định.
ĐINH YẾN / Nguồn: Báo Gia Lai