Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024
Trang chủUncategorizedNữ y tá Khanh

Nữ y tá Khanh

Cách đây chưa lâu, tôi đã viết một truyện ngắn với đầu đề “Y tá Khanh”, đăng trên tạp chí Văn nghệ Gia Lai. Là truyện, nhưng thực ra nhân vật chính trong “Y tá Khanh” rất gần với nguyên mẫu.

Chị Nguyễn Thị Khanh là y tá của Huyện đội An Khê (Gia Lai) trước năm 1975. Tôi không biết chị nhập ngũ từ khi nào, nhưng cuối năm 1968, khi được bổ sung về Huyện đội này, tôi thấy chị Khanh đã là y tá. Quê chị ở Tú An-An Khê. Vùng quê ấy với tôi có rất nhiều kỷ niệm một thời thơ ấu, bởi ở đó, khi nhỏ, hàng năm bà nội tôi hay đưa tôi cùng đi từ Bình Định lên thắp nhang ở mộ ông nội tôi. Ông nằm lại nơi này sau một trận bạo bệnh khi lên thăm những người họ hàng rời quê hương lên lập nghiệp từ thời thuộc Pháp. Biết quê chị cũng ở vùng này, tôi rất mến chị, và ngược lại với chị, tôi là một trong những chú lính… “tí hon” mà chị dành nhiều sự chăm lo nhất.

Những năm cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, vùng rừng núi phía Đông-Nam thị xã An Khê ngày nay vẫn được coi là chốn rừng thiêng nước độc. Đơn vị chúng tôi, dẫu thường xuyên thay đổi chỗ ở, nhưng cũng chỉ luẩn quẩn dọc theo dòng Đak HWay và những con suối lớn bắt nguồn từ dãy Hãnh Hót. Những năm đó biệt kích Mỹ và các sắc lính ngụy thường xuyên cho quân càn quét, đánh phá vùng này vô cùng ác liệt, chuyện anh chị em trong các cơ quan quân dân chính hy sinh, bị thương, bị bắt, kể cả một số ít người không thể chịu đựng được khó khăn, ác liệt mà rời bỏ hàng ngũ đi chiêu hồi địch không phải là chuyện hiếm. Hơn thế, còn một loại “giặc” vô cùng nguy hiểm nữa, là sốt rét, cảm cúm, ghẻ lở, hắc lào… Với y tá Khanh, tôi còn nhớ rất nhiều chuyện vui trong chuyên môn về băng bó vết thương, về điều trị và phòng-chống bệnh tật cho cán bộ, chiến sĩ của Huyện đội bấy giờ…

Có những khi, đồng loạt hàng mấy chục người mắc bệnh ghẻ lở. Nếu ai đã từng một lần vướng vào loại bệnh này thì nhớ đời về sự khó chịu của nó, khi chúng phát ngứa, ngứa ran cả người, thậm chí cào cấu, bấu, gãi… mà chúng tôi thường gọi đùa với nhau là “chơi đàn”, thậm chí cả đêm mà cũng không thể dứt ngứa. Không biết có theo một “phác đồ” điều trị ghẻ nào của ngành Y không, nhưng điều trị theo kiểu của chị Khanh thì lại rất hiệu quả. Chị lấy thuốc nổ TNT cho vào chảo đun cho đến khi tan chảy, để nguội rồi nạo ra, thấm vào bông y tế. Sáng ra, khi mặt trời đã lên đến ngọn cây, nắng xuyên qua rừng già, chị tập hợp những người mắc bệnh ghẻ, “ra lệnh” sắp hàng, cởi đồ và… điều trị. Đầu nguồn con suối 407-nơi đơn vị của chúng tôi đứng chân-khi ấy trời vào thu, dòng nước trong veo, lững lờ chảy len qua những ghềnh đá trập trùng, tạo thành những hục nước khá sâu và rộng. “Người ghẻ” phải ngâm mình trong vũng nước ấy, vừa ngâm, vừa tự kỳ cọ cho đến khi “con ghẻ” nở ra, chà xát cho đến lúc chúng tứa máu thì thôi. Ai không thể tự làm, chị Khanh sẽ làm hộ. Anh Nhàn là một chàng lính chưa già nhưng bao giờ cũng chậm chạp, ngại khó, sợ đau, sau cả giờ đồng hồ anh vẫn không thể tự mình làm xong việc cho mình. Thì chị Khanh ra tay giúp vậy. Anh càng kêu trời, van đất bao nhiêu thì chị càng “mạnh tay” bấy nhiêu.

Sau công đoạn trên, mọi người phải phơi mình trong nắng, phơi cho đến… khô. Và lúc này, công cuộc trị bệnh của chị Khanh bắt đầu. Bệnh nhân lần lượt từng người được (bị) chị Khanh chữa trị, dù có rên, la, kêu, khóc, gào, chửi; mặc, việc chị, chị cứ làm. Chị dùng banh kẹp từng cục bông nhỏ đã thấm (hình như là cồn 90 độ) và quệt cái thứ bột TNT đã nấu chảy kia, và bôi lên từng… con ghẻ. “Con ghẻ” đục khoét trên da người bệnh ở những vị trí rất oái oăm, từ kẽ các ngón tay, ngón chân, nách, cổ, lưng, háng, mông, có người chúng còn làm tổ ở nơi… nhạy cảm nhất nữa. Cho nên các chàng trai trẻ rất ngại phải “phơi mình” trước nữ y tá Khanh, nhưng không thể làm khác được, là chuyện chẳng thể đừng. Mà cũng rất lạ, với cách chữa bệnh của chị, duy chỉ một lần là ghẻ biến sạch.

Khi mùa cúm sắp đến, để phòng bệnh, y tá Khanh dùng tỏi đã giã nhỏ ngâm với cồn, lại dùng bông thấm với nước tỏi, chờ đến khi mọi người đã lên võng, chị đến tận từng người, và tất cả mọi người đều phải tự mình nhận phần “thuốc” cho vào 2 hốc mũi. Vài chàng lính trẻ tưởng có thể lừa được y tá Khanh, chị vừa khuất bóng, lập tức vứt “thuốc” ngay. Nhưng chỉ một lát sau chị quay lại, và điều gì đến sẽ đến… Nghiêm khắc trong chuyên môn là thế, nhưng y tá Khanh với anh chị em chúng tôi quả là một lương y như từ mẫu, vắng chị vài ba ngày chúng tôi cảm thấy như thiếu một người thân yêu trong gia đình. Một lần trên đường công tác ra phía trước, nhóm của chị rơi vào ổ phục kích của địch, nhiều người thương vong. Khi thấy chị quay về nguyên vẹn, chúng tôi mừng khôn tả!

Bây giờ không biết cái “phác đồ” điều trị ghẻ ngứa ấy có còn duy trì không, nhưng có lẽ những người lính Cụ Hồ thời chúng tôi, là người trong cuộc thuở nào chắc hẳn chẳng ai có thể quên được. Dịp 27-2, Ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhớ về một người nữ y tá năm xưa của đơn vị mình, tôi cũng chỉ lược kể đôi điều trong hàng loạt cách chữa bệnh “lạ” của chị-chị Khanh. Và cũng là nén nhang lòng thắp cho hương hồn của chị, mong chị nơi chín suối ngàn thu yên nghỉ. Chị ra đi sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ít lâu vì một căn bệnh hiểm nghèo khi tuổi đời còn rất trẻ.

ĐOÀN MINH PHỤNG

Theo Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới