Hiện nay, có nhiều báo viết về Đại lễ trọng đại – kỷ niệm 3 sự kiện của Đức Phật gồm Đản sinh, Thành đạo, nhập Niết-bàn – là Đại lễ Phật đản – Vesak Liên hợp quốc 2025 là chưa chính xác.
Nếu viết về sự kiện Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 đang được Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức tại TP.HCM thì gọi là Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025. Còn nếu viết về các lễ Tắm Phật (Mộc dục) hoặc các hoạt động kỷ niệm ngày Phật đản sinh ở các chùa hiện nay thì nên dùng là Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569 – Dương lịch 2025.

Lễ Tắm Phật tại Làng Mai (Pháp) – Ảnh: Làng Mai
Về Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, bắt đầu có tên gọi này kể từ khi Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức ban hành Nghị quyết về Đại lễ Vesak vào ngày 15/12/1999 đến nay. Theo đó, hàng năm, tại trụ sở của Liên hợp quốc tại New York (Hoa Kỳ) đều có tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, đã được 24 lần.
Trong khi đó, cộng đồng Phật giáo thế giới đã tổ chức thành công 19 lần Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, trong đó 15 lần tổ chức tại Thái Lan, 1 lần ở Sri Lanka, và 3 lần tại Việt Nam.
Năm nay, lần thứ 4 Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, tại TP.HCM từ ngày 6 – 8/5, với nhiều chương trình tâm linh, văn hóa, nghi lễ đặc biệt. Trong đó, điểm nhấn là việc cung thỉnh Xá lợi Đức Phật từ Ấn Độ về Việt Nam để Phật tử chiêm bái, từ ngày 2 – 21/5, tại TP.HCM, Tây Ninh, Hà Nội, Hà Nam; và cung thỉnh Xá lợi Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức tôn trí tại Việt Nam Quốc Tự (quận 10) cho Phật tử, người dân chiêm lễ, từ ngày 6 – 10/5.
Đối với Đại lễ Phật đản hàng năm tổ chức từ ngày mùng 8 đến rằm tháng Tư âm lịch, được gọi là tuần lễ Phật đản. Trong khoảng thời gian này, các chùa và các cấp Giáo hội từ trung ương đến địa phương sẽ tổ chức lễ Tắm Phật, thiết trí vườn Lâm Tỳ Ni, lễ đài Phật đản, tụng kinh Khánh đản, làm từ thiện… Các ban ngành, đoàn thể chính quyền cũng tổ chức thăm viếng, chúc mừng chức sắc, chức việc, Tăng Ni, sư sãi có một mùa Phật đản an lành.
Về Phật lịch, thường gắn với các đại lễ lớn để biết sự kiện thuộc năm nào. Ví dụ như năm nay là Phật lịch 2569 – Dương lịch 2025.
Trong nghiên cứu, Phật giáo thế giới thống nhất Đức Phật Thích Ca đản sinh năm 624 (trước Tây lịch) và nhập Niết-bàn năm 544 (trước Tây lịch), trụ thế 80 năm.

Lễ Tắm Phật tại Làng Mai (Pháp) – Ảnh: Làng Mai
Về Phật lịch, Phật giáo thế giới lấy mốc năm Đức Phật Thích Ca nhập Niết-bàn để tính năm đầu Phật lịch (544 trước Tây lịch). Khởi nguyên từ Đại hội Phật giáo Thế giới tổ chức lần thứ I tại Sri Lanka vào năm 1950, toàn thể đại biểu Phật giáo đại diện 26 quốc gia thống nhất lấy năm Đức Phật Thích Ca nhập Niết-bàn làm mốc để tính năm đầu Phật lịch. Đến Đại hội Phật giáo thế giới lần thứ VI, tổ chức tại Campuchia vào năm 1961, thống nhất ngày kỷ niệm Phật đản sinh trên toàn thế giới là ngày rằm tháng Tư âm lịch (ngày trăng tròn tháng Vesak của Ấn Độ).
Cách tính Phật lịch là lấy năm Đức Phật nhập Niết-bàn cộng với năm hiện tại. Ví dụ, năm 2025 thì Phật lịch được tính: 544 + 2025 = 2569. Tuy nhiên, nói năm 2025 ứng với Phật lịch 2569 là nói chung, chính xác phải tính được ngày để sang năm mới Phật lịch.
Hiển nhiên, Phật giáo thế giới đã chọn năm Phật Thích Ca nhập diệt làm mốc tính năm đầu Phật lịch thì chắc chắn ngày sang trang Phật lịch trong năm phải là ngày kế sau ngày Đức Phật nhập diệt. Nhưng thực tế hiện nay, ngày sang trang Phật lịch trong năm lại là ngày kế sau ngày Đức Phật đản sanh (ngày 16/4 âm lịch).
Hiện Phật giáo thế giới đã chuẩn hóa ngày sang trang Phật lịch là ngày kế sau ngày Phật Niết-bàn (ngày 16/4 âm lịch) hàng năm. Nhưng vì ngày Phật nhập diệt trùng với ngày Phật đản sanh (theo Phật giáo Nam truyền) nên khiến nhiều người nghĩ rằng sau ngày Phật đản là ngày sang trang Phật lịch.
Như vậy, sau khi xác định được ngày sang trang năm mới Phật lịch là ngày 16/4 âm lịch hàng năm, thì ngay trong năm 2025, trước ngày 16/4 âm lịch (trước 13/5/2025) Phật lịch vẫn tính 2568, từ ngày 16/4 âm lịch (13/5/2025) trở đi cho đến Phật đản năm sau, Phật lịch được tính 2569.
Lưu Đình Long /