Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiPhát hiện mới về kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ An Khê

Phát hiện mới về kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ An Khê

Hội thảo khoa học quốc tế về Thời đại đá cũ ở Việt Nam trong bối cảnh khu vực (được tổ chức tại TP. Pleiku từ ngày 30-10 đến 2-11-2016) đã quy tụ nhiều nhà nghiên cứu thời đại Đá cũ thế giới tham dự. Trong hội thảo này, kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ An Khê lần đầu tiên được giới thiệu trước các nhà khoa học quốc tế sau 2 mùa khai quật (2015, 2016) bằng tham luận của Viện sĩ Nga A.P. Derevianko và những thành viên tham gia khai quật.

Thời gian qua, các nhà khảo cổ học Việt-Nga đã phát hiện 21 địa điểm sơ kỳ Đá cũ. Trong đó, 4 địa điểm đã được khai quật là Gò Đá, Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4, Rộc Tưng 7 và đến nay đã hoàn thành việc xây dựng nhà mái che tại hố khai quật 70 m2 làm điểm tham quan, nghiên cứu và quảng bá du lịch về di tích cư trú của người nguyên thủy.

PGS.TS Nguyễn Khắc Sử giới thiệu về các di vật đá mới phát lộ. Ảnh: Lê Hòa
PGS.TS Nguyễn Khắc Sử giới thiệu về các di vật đá mới phát lộ. Ảnh: Lê Hòa

Hai mẫu tectits ở 2 địa điểm khác nhau đã được phân tích niên đại tuyệt đối, bằng phương pháp argan-kali cho kết quả: Địa điểm Gò Đá có tuổi là 806.000±22.000 năm và địa điểm Rộc Tưng 1 có niên đại 782.000±20.000 năm cách ngày nay. Đây là những phát hiện mới rất đáng quan tâm về kỹ nghệ Đá cũ An Khê. Dự kiến tháng 3-2018, sẽ tiếp tục khai quật mở rộng một số di tích Đá cũ nói trên và xây dựng thêm nhà mái che cho các điểm khai quật về di chỉ-xưởng tiêu biểu và di tích có địa tầng nguyên vẹn. Tại đây, sẽ tiến tới đầu tư xây dựng trung tâm học tập, nghiên cứu tham quan lịch sử thuở bình minh của nhân loại. Đây là điểm tham quan, quảng bá và trao đổi tại hiện trường khai quật, nhằm thu hút đầu tư hợp tác khai quật nghiên cứu, phân tích xét nghiệm, xác định tính chất, niên đại cho các di tích An Khê.

Trong các lần khai quật gần đây nhất đã thu được hàng ngàn hiện vật đá, hàng trăm mẫu thiên thạch (tectits) nằm trong địa tầng nguyên vẹn. Những tư liệu này khẳng định, sự hiện diện của kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ An Khê với niên đại hiện biết là những người đứng thẳng (Homo erectus), tổ tiên trực tiếp của người hiện đại (Homo sapiens) trên đất nước ta. Chúng ta tự hào bổ sung kỹ nghệ An Khê vào bản đồ sơ kỳ Đá cũ của nhân loại.

Tổ hợp di vật đặc trưng cho kỹ nghệ An Khê gồm: các loại công cụ ghè 2 mặt-rìu tay (bifaces/handaxes); ghè hết 1 mặt (unifaces), mũi nhọn/mũi nhọn tam diện (pick/triagle) và công cụ chặt thô (chopper/choping-tools). Việc phát hiện rìu tay ở An Khê và một số nơi khác ở khu vực châu Á đã bác bỏ quan điểm của H.Movius, khi ông đối lập văn hóa giữa phương Đông và phương Tây ngay từ sơ kỳ Đá cũ. Theo đó, ở phương Tây phổ biến rìu tay, được làm từ đá trầm tích, có hình dáng cân đối, ghè đẽo quy chuẩn, thể hiện cho sự tiến bộ, năng động của con người; còn phương Đông tồn tại lâu dài kỹ nghệ cuội ghè đẽo chopper-chopping, ghè đẽo thô sơ, phụ thuộc vào hình dáng tự nhiên của hòn cuội, thể hiện cho khu vực bảo thủ, trì trệ, lạc hậu và hầu như không có đóng góp gì cho sự tiến bộ của nhân loại.

Rồi đây, các nhà khảo cổ sẽ còn tiếp tục thảo luận về quá trình tiến hóa của người hiện đại trên các châu lục cũng như diễn trình lịch sử-văn hóa vùng này trong các giai đoạn sơ kỳ Đá cũ. Việt Nam rất cần kinh nghiệm quốc tế về bảo tồn và phát huy các di tích khảo cổ tầm quốc tế như An Khê, để biến giá trị di sản này thành tài sản du lịch, phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội bền vững ở vùng đất An Khê trong giai đoạn mở cửa và hội nhập.

Giá trị lịch sử-văn hóa của kỹ nghệ An Khê đã được ghi nhận qua việc xác định, thời điểm và nơi xuất hiện con người đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam. Con người xuất hiện lúc nào thì lịch sử được bắt đầu từ đó. Với phát hiện di tích Đá cũ An Khê, chúng ta có thêm cơ sở khẳng định, lịch sử Việt Nam được bắt đầu từ 0,8 triệu năm trước, mà An Khê được ghi dấu vào bản đồ thế giới. Rõ ràng giá trị khảo cổ kỹ nghệ An Khê đã trở thành một phần không thể thiếu của Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO đang triển khai ở An Khê-Kbang.

Để các di tích khảo cổ An Khê trở thành tài nguyên du lịch, chúng ta cần khoanh vùng bảo vệ bằng Luật Di sản, trước hết là xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia và cao hơn nữa cấp đặc biệt quốc gia. Phải xác định cho được vùng lõi và vùng đệm để có chiến lược bảo vệ hiệu quả di sản khảo cổ quý giá này. Từng bước khai quật, nghiên cứu, xây dựng An Khê thành một trung tâm nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa nhân loại tầm quốc gia và quốc tế, gắn với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội bền vững ở vùng đất An Khê trong giai đoạn mở cửa và hội nhập.

Nguyễn Khắc Sử-Bùi Tấn Sĩ

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới