Thứ Năm, 28 Tháng Ba, 2024
Trang chủThời SựPhi công Nga hạ cánh A321 hiểm hóc hơn cả ‘phép màu...

Phi công Nga hạ cánh A321 hiểm hóc hơn cả ‘phép màu sông Hudson’

Việc phi công Nga hạ cánh an toàn chiếc A321, sau khi hỏng hoàn toàn cả hai động cơ dù mới đạt đến độ cao thấp, là nhiệm vụ thậm chí còn khó hơn ‘phép màu sông Hudson’ năm 2009.

Sáng 15/8, cơ trưởng Damir Yusupov và cơ phó Geogry Murzin hạ cánh thành công chiếc Airbus A321 trên cánh đồng ngô. Phi hành đoàn buộc phải hạ cánh khẩn cấp vì máy bay va chạm với chim, không lâu sau khi cất cánh từ sân bay Zhukovsky tại thủ đô Moscow của Nga.

Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn sống sót kỳ diệu sau tai nạn. Nhiều người đã so sánh cú hạ cánh không tưởng của phi công hãng Ural Airlines với “phép màu trên sông Hudson”. Cơ trưởng Chesley “Sully” Sullenberger năm 2009 đưa chiếc A320 chở 150 hành khách hạ cánh an toàn trên sông Hudson, New York, Mỹ.

Thực tế, Yusupov và Murzin phải đối phó một tình huống phức tạp và nguy hiểm hơn cơ trưởng Sully. Chiếc Airbus A321 ngày 15/8 gặp nạn ở độ cao thấp hơn và tổ bay có rất ít thời gian để hạ cánh khẩn cấp.

Hai phi công Yusupov và Murzin đã tìm ra phương án duy nhất để hạ cánh chiếc A321 an toàn trong điều kiện gần như không tưởng. Ảnh: Tass.

Điều gì thường xảy ra khi máy bay hư động cơ?

Máy bay phản lực hiện đại vẫn tiếp tục bay trong trường hợp hư động cơ. Tuy nhiên, quãng đường bay sẽ phụ thuộc độ cao của máy bay và vận tốc đã đạt vào thời điểm động cơ tắt hoàn toàn. Độ cao càng lớn, máy bay càng có khả năng lượn một quãng đường xa hơn trước khi tiếp đất.

Trên thực tế, khi động cơ không hoạt động, máy bay sẽ trở thành “tàu lượn”. Việc duy trì máy bay trên không trở thành một bài toán vật lý. Các máy bay vận tải thương mại hiện đại dĩ nhiên không phải là lựa chọn tối ưu cho việc lượn gió, nhưng nếu điều khiển hợp lý thì máy bay vẫn có thể di chuyển một quãng đường dài mà không cần lực đẩy của động cơ. Để đạt được quãng đường dự tính, phi công phải duy trì vận tốc tối ưu và góc hạ cánh tối ưu.

Rất hiếm khi máy bay hỏng hoàn toàn cả hai động cơ. Nếu sự cố xảy ra ở độ cao lớn (chẳng hạn như hết nhiên liệu), khả năng hạ cánh an toàn cũng khá cao.

Năm 1993, một máy bay Airbus A330 của hãng hàng không Air Transat (Canada) gặp sự cố rò rỉ nhiên liệu trên không. Máy bay khi đó đang ở giữa Đại Tây Dương. Sau khi hai động cơ dừng hoàn toàn, máy bay tiếp tục lượn thêm 140 km và hạ cánh an toàn ở quần đảo Azores.

Năm 1987, một chiếc Boeing 767 của Air Canada cũng hết nhiên liệu ở độ cao gần 12.000 m. Máy bay khi đó còn cách sân bay quốc tế Winnipeg gần 190 km. Gần như toàn bộ thiết bị điện tử trên máy bay dừng hoạt động. Phi hành đoàn vẫn có thể hạ cánh tại một sân bay không quân cũ được cải tạo thành đường đua. Máy bay đã lượn gần 160 km mà không cần động cơ.

Tuy nhiên, bài toán trở nên phức tạp hơn nhiều khi máy bay hỏng động cơ ở độ cao thấp. Kịch bản này thường xảy ra do trục trặc kỹ thuật hoặc va chạm với chim trời. Trong các trường hợp này, phi công thường không có đủ độ cao để “hoán đổi” thành quãng đường lượn và tiếp cận bãi đáp dự kiến. Theo bản hướng dẫn của Airbus cho dòng A320, các mẫu từ A319 đến A321 cứ hạ độ cao khoảng 300 m có thể lượn được quãng đường 2,2 hải lý (gần 4 km).

Chiếc A320 được cơ trưởng Sullenberger hạ cánh an toàn trên sông Hudson vào năm 2009 khi va chạm với ngỗng trời ở độ cao gần 930 m. Ảnh: AP.

Việc thiếu cao độ buộc cơ trưởng Chesley Sullenberger phải hạ cánh chiếc A320 trên dòng Hudson thay vì những sân bay ở New Jersey hay New York. Máy bay của Sullenberger va chạm với bầy ngỗng tại độ cao gần 930 m.

Một trường hợp tương tự vào năm 1985 kết thúc trong thảm họa. Chiếc Tu-134 chở 80 người của hãng Aeroloft, cất cánh từ Minsk, đã không thể tìm ra bãi đáp an toàn sau khi hỏng động cơ. Máy bay hạ cánh trên một cánh rừng, khiến 58 người thiệt mạng.

Năm 1988, một chiếc Boeing 737 của Ethopian Airlines va chạm với chim bồ câu ngay sau khi cất cánh. Máy bay tìm cách hạ cánh khẩn cấp trên một ngọn đồi. Có 53 người trong số 104 hành khách và phi hành đoàn tử vong.

Phi hành đoàn Nga lựa chọn chính xác

Theo nhiều chuyên gia, tổ bay của Yusupov và Murzin không có lựa chọn nào khác ngoài phương án hạ cánh trên cánh đồng ngô.

Dựa vào một video của hành khách trên chuyến bay, chiếc A321 va chạm với đàn chim ngay sau khi rời khỏi đường băng, đồng nghĩa phi công không thể hủy chuyến bay. Các quy định hàng không cấm phi công hủy cất cánh một khi máy bay đã đạt mốc vận tốc nhất định trên đường băng.

Theo dữ liệu của Flightradar24, chiếc A321 đạt cao độ tối đa 90 m so với mặt đất, gần 243 m so với mặt nước biển. Yusupov và Murzin như vậy có ít thời gian và quãng đường lượn ngắn hơn Sullenberger vào năm 2009. Khi cả hai động cơ dừng hoạt động, tổ phi công người Nga đã theo đúng chỉ dẫn của Airbus với chỉ một điều chỉnh nhỏ. Chính sự thay đổi này đã cứu mạng toàn bộ hành khách và phi hành đoàn.

Chỉ dẫn năm 2018 của Airbus cho những trường hợp hỏng hoàn toàn 2 động cơ yêu cầu phi công khởi động lại động cơ nếu thời gian cho phép. Tổ phi công sau đó mở động cơ dự phòng chạy bằng sức gió, rồi duy trì vận tốc và tốc độ hạ độ cao tối ưu, vốn phụ thuộc rất nhiều vào trọng lượng và điều kiện của máy bay.

Phi công sau đó chọn địa điểm hạ cánh trên mặt đất bằng phẳng hoặc trên mặt nước. Máy bay phải duy trì vận tốc khoảng 277 km/h và mở càng đáp và cánh tà (trừ trường hợp hạ cánh trên mặt nước). Phi công duy trì tốc độ hạ cánh 8,8 m/giây và giảm 1/2 vận tốc ngay trước khi tiếp đất, sau đó giảm áp suất khoang máy bay ngay sau khi hạ cánh.

Cơ trưởng Yusupov được truyền thông và giới chức Nga tôn vinh là anh hùng khi cứu sống toàn bộ 233 hành khách và phi hành đoàn. Ảnh: Tass.

Ngay khi hạ cánh, phi công phải lập tức khởi động mọi hệ thống chữa cháy và điều khiển thủ công hệ thống thắng của máy bay.

Yusupov và Murzin đã tuân thủ đúng quy trình của Airbus, trừ yêu cầu mở càng đáp và cánh tà. Quyết định này cũng loại bỏ khả năng điều khiển hệ thống thắng khẩn cấp trên càng đáp. Họ muốn máy bay hạ cánh như trên mặt nước.

Cánh đồng ngô đóng vai trò giảm tốc cho máy bay khi tiếp đất. Hình ảnh hiện trường bãi đáp “dã chiến” cho thấy tổ phi công đã cho xả bọt chữa cháy. Quyết định sáng suốt này ngăn đám cháy bùng phát do ma sát khi máy bay tiếp đất với vận tốc lớn.

Nghiệp vụ của Yusupov và Murzin, cũng như việc tuân thủ đúng chỉ dẫn của Airbus, đã đóng vai trò quan trọng trong việc hạ cánh an toàn chiếc A321 và cứu mạng mọi người. Hai phi công cũng phần nào may mắn khi họ tìm được một địa điểm lý tưởng cho hạ cánh khẩn cấp.

Một kịch bản tương tự từng diễn ra vào năm 1960 tại Mỹ. Máy bay chở đội bóng rổ Minneapolis Lakers bị hỏng thiết bị định hướng và hết nhiên liệu giữa đêm. Phi công quyết định hạ cánh khẩn cấp cũng trên một cánh đồng ngô phủ tuyết và cứu mạng toàn bộ hành khách cùng phi hành đoàn.

Lê Thanh
Theo Meduza

Theo News.zing.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới