Thứ Ba, 23 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiPhiên chợ nông sản an toàn huyện Đak Đoa: Mở rộng quảng...

Phiên chợ nông sản an toàn huyện Đak Đoa: Mở rộng quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm

Đak Đoa là huyện đầu tiên ở Gia Lai duy trì phiên chợ nông sản an toàn định kỳ vào ngày 15 hàng tháng, thu hút đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đến tham quan, mua sắm. Đây là cách làm hay, giúp các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và hộ gia đình nâng tầm giá trị nông sản sạch, đặc trưng của địa phương.

Đa dạng nông sản đặc trưng

Huyện Đak Đoa có nhiều sản phẩm OCOP 3-4 sao cấp tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều loại nông sản, thực phẩm có giá trị kinh tế cao đang được người dân và các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn nhằm nâng cao chất lượng, giá trị trên thị trường. Để người dân, các HTX, doanh nghiệp có điều kiện giới thiệu, quảng bá nông sản sạch, sản phẩm đặc trưng đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, từ năm 2019 đến nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với các đơn vị liên quan và các xã, thị trấn duy trì tổ chức phiên chợ nông sản an toàn vào ngày 15 hàng tháng.

Tại phiên chợ, mỗi xã, thị trấn được hỗ trợ 1 gian hàng để giới thiệu sản phẩm được sản xuất, chế biến đã có giấy phép kinh doanh, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; sản phẩm tươi sống có giấy cam kết an toàn thực phẩm với chính quyền địa phương nơi sản xuất, có địa chỉ, hạn sử dụng và giá niêm yết… Ngoài những sản phẩm OCOP 3-4 sao cấp tỉnh như: thịt bò khô Huy Vũ, tiêu hữu cơ Nam Yang, khoai lang Lệ Cần…, phiên chợ còn có các loại cây ăn quả, thực phẩm như: bơ, ổi, măng le rừng sấy khô, măng ép, măng tươi (xã Kon Gang), mật ong, chuối rừng (xã Hà Đông), nấm và các loại dược liệu (xã Hneng), gạo địa phương, tinh bột nghệ (xã Hà Bầu), mắc ca sấy khô và các sản phẩm chế biến từ hạt mắc ca (xã Hải Yang)…

 Đông đảo người dân tới tham quan, mua sắm tại chợ phiên nông sản an toàn huyện Đak Đoa. Ảnh: Đinh Yến
Đông đảo người dân tới tham quan, mua sắm tại chợ phiên nông sản an toàn huyện Đak Đoa. Ảnh: Đinh Yến

Theo bà Hồ Thị Vân-Chủ cơ sở sản xuất măng Long Vân (làng Kop, xã Kon Gang): “Các sản phẩm măng của tôi đã được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và được tiêu thụ rộng rãi. Định kỳ ngày 15 hàng tháng, tôi đều đưa sản phẩm tham gia phiên chợ nông sản an toàn để tiếp tục quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng”.

Còn ông Võ Hồng Việt-Chủ tịch UBND xã Hà Đông-cho hay: Mặc dù xã cách trung tâm huyện hơn 50 km, song từ khi huyện tổ chức phiên chợ nông sản an toàn, hàng tháng, Mặt trận và các đoàn thể của xã tuyên truyền, vận động một số hộ gia đình có sản phẩm đặc trưng như măng le khô, rau dớn, chuối rừng và mật nhân chuẩn bị sẵn sàng và đưa về huyện sớm hơn để trưng bày. Thông qua phiên chợ, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đã biết đến nhiều hơn các sản phẩm đặc trưng của xã, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Thương (thị trấn Đak Đoa) chia sẻ: “Từ khi có phiên chợ nông sản an toàn, hàng tháng, tôi đều đến mua một số mặt hàng rau củ quả và những sản phẩm có chứng nhận an toàn về sử dụng trong gia đình. Sản phẩm tại đây rất đa dạng, phong phú và được các cơ quan chuyên môn chứng nhận sản xuất an toàn, có nguồn gốc rõ ràng nên tôi yên tâm sử dụng”.

Điểm kết nối bán hàng uy tín

Đến cuối năm 2022, toàn huyện có 9 sản phẩm OCOP 4 sao và 23 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là động lực để người dân, HTX và doanh nghiệp khai thác tiềm năng và lợi thế, nâng tầm giá trị nông sản của địa phương, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan và các xã, thị trấn duy trì tổ chức phiên chợ nông sản an toàn nhằm tăng cường kết nối giữa các đơn vị có sản phẩm OCOP với hộ có sản phẩm nông sản an toàn; mời một số đơn vị ngoài huyện tham gia chia sẻ kinh nghiệm. Đặc biệt, huyện kết nối với các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị, nhà hàng và đơn vị lữ hành du lịch cùng tham gia đã tạo cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản sạch, chất lượng cao của địa phương.

Bà Võ Thị Lệ Hằng-kế toán HTX Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh (xã Glar) cho biết: “Ngày 15 hàng tháng, HTX đều đưa sản phẩm cà phê Slarland Coffee đã được UBND tỉnh công nhận OCOP 3 sao ra trưng bày, giới thiệu đến người tiêu dùng. Cách quảng bá này mang lại hiệu quả rất tốt, góp phần thu hút khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm đến đặt hàng sản phẩm cà phê sạch của HTX. Nhờ kênh kết nối này mà sản phẩm cà phê của HTX được tiêu thụ khá tốt”.

Huyện Đak Đoa duy trì phiên chợ nông sản an toàn giúp các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình quảng bá nông sản đặc trưng của địa phương đến người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Diệp
Huyện Đak Đoa duy trì phiên chợ nông sản an toàn giúp các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình quảng bá nông sản đặc trưng của địa phương đến người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Diệp

Còn ông Nguyễn Trình-Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tân Bình (xã Tân Bình) thì cho hay: “Từ khi Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tổ chức phiên chợ nông sản an toàn vào ngày 15 hàng tháng, tôi đều đưa các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP như: khoai lang Lệ Cần, miến khoai lang, tinh bột khoai lang… đến trưng bày, giới thiệu. Đặc biệt, sản phẩm miến khoai lang bán rất chạy. Cách làm này rất hiệu quả giúp các HTX và hộ gia đình sản xuất thực phẩm sạch cùng kết nối, quảng bá sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Được sự quan tâm của huyện, từ cuối năm 2019 đến nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT duy trì thường xuyên phiên chợ nông sản an toàn để các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình quảng bá các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương đến người tiêu dùng. Đây là cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận với những nông sản sạch có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn cũng quan tâm vận động người dân mang sản phẩm đến phiên chợ hàng tháng góp phần đa dạng hóa các mặt hàng nông sản của địa phương. Mặc dù được duy trì thường xuyên, song quá trình tổ chức phiên chợ vẫn còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể, trước đây, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên người tiêu dùng ngại đến. Bên cạnh đó, một số xã chưa đầu tư phát triển mạnh sản phẩm chủ lực. Tâm lý người bán vẫn còn e ngại vì sản phẩm bán ra chưa nhiều, khách hàng chủ yếu là cán bộ, công chức. Đặc biệt, một số sản phẩm rau củ quả bày bán không thường xuyên bởi sản xuất theo mùa vụ.

“Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì, tổ chức phiên chợ nông sản an toàn để thu hút khách tham quan, mua sắm, tạo uy tín với người tiêu dùng. Đồng thời, khuyến khích người dân, HTX, doanh nghiệp đa dạng kênh bán hàng từ những sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm để nâng cao giá trị trên thị trường”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin thêm.

NGUYỄN DIỆP

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới