Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024
Trang chủThời SựPhụ huynh ‘như ngồi trên đống lửa’, mong con được thi sớm,...

Phụ huynh ‘như ngồi trên đống lửa’, mong con được thi sớm, kết thúc năm học sớm hơn

Nhiều phụ huynh và thầy cô cho rằng có thể cho học sinh, nhất là khối tiểu học, thi sớm để kết thúc năm học luôn vì không biết chờ đến bao giờ.

Học sinh lớp 5/1 Trường tiểu học Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận (TP.HCM) ôn tập, chuẩn bị kiểm tra học kỳ 2 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Kỳ thi học kỳ 2 năm học 2020 – 2021 đã cận kề nhưng nhiều tỉnh quyết định cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19.

Theo kế hoạch đã được công bố từ trước, học sinh tiểu học ở nhiều tỉnh thành sẽ làm bài kiểm tra cuối học kỳ 2 năm học 2020 – 2021 vào khoảng thời gian từ ngày 5 đến 14-5.

Ngồi trên đống lửa

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chị Hồng, phụ huynh ở quận 10 (TP.HCM), cho biết: “Khối 5 của con tôi đến ngày 10 và 11-5 mới được làm bài kiểm tra cuối học kỳ môn toán và tiếng Việt, trong khi các khối lớp 1, 2, 3 được kiểm tra ngay trong tuần này. Chúng tôi đang rất hồi hộp, chỉ sợ dịch bệnh bùng phát học sinh phải nghỉ học ở nhà thì làm sao kiểm tra được. Trong khi điểm thi cuối học kỳ của con tôi rất quan trọng đối với bước đường học tập tiếp theo của cháu, đó sẽ là căn cứ để con tôi dự tuyển vào lớp 6”.

Tương tự, chị Phan Thị Thanh Nga, phụ huynh ở quận 1 (TP.HCM), không giấu được sự lo lắng: “Lớp của con tôi đến ngày 11 và 12-5 mới làm bài kiểm tra cuối kỳ nên không chỉ phụ huynh, học sinh mà cô giáo chủ nhiệm cũng mong các cháu được kiểm tra sớm. Mấy hôm nay các phụ huynh cứ xem báo online rồi gửi đường link vào group của lớp, hết địa phương này đến địa phương khác cho học sinh nghỉ học khiến tôi như ngồi trên đống lửa”.

Chị Nga phân tích: “Con tôi năm nay chuyển cấp, điểm thi cuối học kỳ của cháu sẽ là căn cứ quan trọng để cháu dự tuyển vào các trường THCS nổi tiếng trên địa bàn quận 1. Hơn thế nữa, bé nhà tôi còn có nguyện vọng thi vào lớp 6 Trường chuyên Trần Đại Nghĩa mà điều kiện dự tuyển phải có điểm thi học kỳ môn toán, tiếng Việt đạt từ 9 điểm trở lên.

Điều làm tôi lo nhất là lỡ học sinh TP phải nghỉ học ở nhà, phải làm bài kiểm tra trực tuyến thì rất khó có kết quả chính xác và khách quan. Như thế thì việc tuyển sinh vào lớp 6 cũng sẽ gây nên sự thiệt thòi cho một số học sinh giỏi thực sự”.

“Có thể thi sớm”

Không chỉ phụ huynh, nhiều giáo viên ở TP.HCM cũng “đứng ngồi không yên”. “Dạy học trực tuyến thì chúng tôi đã làm quen rồi, nhưng thi trực tuyến thì chưa bao giờ thực hiện. Vả lại bậc tiểu học có đặc thù là phụ huynh phải hỗ trợ con em trong việc đăng nhập vào tài khoản học, thi trên mạng. Tôi cho rằng thi trực tuyến là không khách quan.

Dịch bệnh phức tạp như thế này không thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra. Các giáo viên lớp 5 như tôi mong học sinh được kiểm tra sớm là đương nhiên rồi, nhưng nhiều nhiều giáo viên lớp 1, 2 cũng mong học sinh của mình được kiểm tra sớm chừng nào tốt chừng nấy. Các bé còn nhỏ, nếu kiểm tra trực tuyến sẽ rất khó đánh giá học sinh” – một giáo viên ở quận Tân Bình (TP.HCM) bày tỏ.

Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 4 (TP.HCM) Phạm Thúy Hà chia sẻ: “Tôi cũng nghe một số giáo viên bày tỏ sự lo lắng như trên. Kế hoạch kiểm tra cuối học kỳ 2 của các trường tiểu học tại quận 4 dự kiến đến cuối tuần sau mới xong. Tuy nhiên, với bối cảnh như hiện nay, Phòng GD-ĐT để cho các trường tự linh động. Trường nào “chạy” được thì tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra sớm hơn dự kiến”.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cũng khẳng định: “Sở GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn về việc tổ chức kiểm tra cuối học kỳ 2 ở các trường tiểu học. Về thời gian kiểm tra, các quận huyện được chủ động, linh hoạt tùy theo tình hình thực tế.

Đề kiểm tra cũng do nhà trường tiểu học tự biên soạn cho học sinh trường mình chứ không phải làm đề chung của Phòng GD-ĐT. Tôi được biết thời điểm này các quận huyện đều đã ấn định lịch kiểm tra cho các khối lớp. Tuy nhiên, với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, nếu việc chuẩn bị cho đợt kiểm tra đã hoàn tất, học sinh và giáo viên đã sẵn sàng thì nhà trường có thể tổ chức kiểm tra sớm hơn dự kiến”.

Nhiều tỉnh cho học sinh tiểu học thi sớm

* Bà Trần Thị Ngọc Châu, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết để phòng chống dịch COVID-19, trước mắt sở quyết định điều chỉnh lịch thi học kỳ đối với cấp tiểu học.

Theo kế hoạch ban đầu, cấp tiểu học sẽ thi học kỳ từ ngày 25 đến 31-5. Tuy nhiên với tình hình diễn biến của dịch COVID-19, bắt đầu từ tuần này đến tuần sau (trước ngày 15-5), cấp tiểu học sẽ thi học kỳ, học đến đâu thi đến đó. Sau khi thi xong, nếu tình hình ổn định sẽ học hết chương trình theo quy định của Bộ GD-ĐT.

* Ông Trần Khắc Lễ – giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên – cho biết đã có chỉ đạo các phòng GD-ĐT cùng các đơn vị trường học, trung tâm thuộc sở chủ động điều chỉnh kế hoạch, đẩy nhanh tiến độ kiểm tra cuối học kỳ 2 năm học 2020 – 2021.

Các cơ sở giáo dục tiểu học có thể kiểm tra cuối năm trước rồi tiếp tục giảng dạy đến hết chương trình năm học. Riêng hai khối lớp 9 và lớp 12, các đơn vị cố gắng hoàn thành kiểm tra cuối học kỳ 2 trong tuần này.

Đ.HÀ – DUY THANH

Tiểu học có thể linh hoạt

Học sinh Trường tiểu học Kim Liên, Hà Nội – Ảnh: VĨNH HÀ

Thời điểm này tại Hà Nội, đa số các trường tiểu học chưa kịp tổ chức kiểm tra định kỳ học kỳ 2. Theo hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), dự kiến sau tuần đầu tiên của tháng 5 thì học sinh mới hoàn thành chương trình học kỳ 2, ôn tập để thực hiện bài kiểm tra định kỳ cuối năm. Nhưng học sinh phải nghỉ học vì COVID-19. Nếu sau ngày 9-5, học sinh trở lại trường thì vẫn có thể điều chỉnh lịch kiểm tra và hoàn thành chương trình trước 31-5 như quy định. Nhưng nếu đợt nghỉ này kéo dài hơn thì sẽ bị cập rập.

Trong hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội, các trường tạm dừng đến trường sẽ chuyển sang học trực tuyến ngay từ ngày 4-5. Như vậy việc học sinh hoàn thành chương trình đúng thời hạn vẫn được đảm bảo.

Nhiều phụ huynh còn lo lắng nếu các trường chậm kiểm tra cuối kỳ, tổng kết, đánh giá học lực, hạnh kiểm và xét hoàn thành chương trình thì sẽ khó khăn cho việc đăng ký xét tuyển vào một số trường đặc thù khi việc đăng ký sơ tuyển hoặc xét tuyển chính thức đều cần học bạ của cấp học dưới.

Theo ông Thái Văn Tài – vụ trưởng vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), do phân cấp cho các địa phương nên việc quyết định cho học sinh tạm dừng đến trường và trở lại trường học thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh thành. Theo thời gian năm học đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt, nếu học sinh nghỉ học một tuần sẽ không ảnh hưởng đến việc hoàn thành chương trình.

“Bậc tiểu học rất linh hoạt trong kiểm tra, đánh giá học sinh. Trong đó, việc đánh giá thường xuyên đối với học sinh chủ yếu bằng nhận xét. Trong tình huống đợt nghỉ phòng chống COVID-19 phải kéo dài hơn một tuần thì các địa phương sẽ có điều chỉnh phù hợp để đảm bảo chất lượng và quyền lợi cho học sinh” – ông Tài nói.

Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới