Thứ Bảy, 11 Tháng Năm, 2024
Trang chủThời SựPhương án ‘3 tại chỗ’ đang lộ nhiều bất cập, doanh nghiệp...

Phương án ‘3 tại chỗ’ đang lộ nhiều bất cập, doanh nghiệp kiệt sức

Nên cân nhắc tạm dừng phương án ‘3 tại chỗ’ và ‘1 cung đường, 2 điểm đến’ khi mà giải pháp này đang lộ nhiều bất cập.

Trong lúc dịch bệnh lan rộng ngoài cộng đồng, nhiều doanh nghiệp chọn mô hình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường – 2 địa điểm” để duy trì hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, rất khó để áp dụng lâu dài, bởi thực tế triển khai phương án trên phát sinh nhiều bất cập.

Xuất hiện nhiều F0 trong nhà máy

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát dữ dội, virus SARS-CoV-2 tấn công thẳng vào các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP.HCM và các tỉnh công nghiệp như: Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai khiến hàng ngàn công nhân nhiễm bệnh. Để đảm bảo phòng chống dịch nhưng không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, Chính phủ đã đề ra phương án “3 tại chỗ” là sản xuất tại chỗ, ăn nghỉ tại chỗ; và phương án “1 cung đường, 2 điểm đến” tức là doanh nghiệp bố trí chỗ ăn nghỉ cho công nhân người lao động ở cùng một địa điểm, tổ chức sản xuất tại một địa điểm và việc đưa đón họ sẽ trên một tuyến đường.

Sản xuất 3 tại chỗ cũng khá nhiều vấn đề phát sinh nhưng doanh nghiệp cố gắng để không đứt gãy chuỗi sản xuất.

Tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất của TP.HCM đã có 589 doanh nghiệp với 56.000 lao động; tỉnh công nghiệp Bình Dương có 3.900 doanh nghiệp với hơn 400.000 lao động đăng ký và đủ điều kiện thực hiện các phương án trên để sản xuất. Bước đầu các phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” cho thấy đây là giải pháp hợp lý để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Song càng kéo dài thì các phương án này đang phát sinh nhiều bất cập, nhất là chưa ngăn chặn được dịch bệnh xâm nhập vào công ty, nhà xưởng sản xuất.

Bà Phan Lê Diễm Trang- Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương phân tích: “Thứ nhất người lao động ăn, ở cùng một chỗ phải ý thức rất cao, việc quản lí tiếp xúc bên ngoài cũng khó khi các bạn công nhân oder, ship. Việc cung cấp thức ăn ngày 3 bữa cũng không phải đơn giản khiến chi phí phát sinh. Cái quan trọng khi mình test nhanh 100% vẫn có 5-10% chưa chắc ăn nên vẫn bùng phát dịch”.

Theo ông Nguyễn Văn Bé – Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM, các ca bệnh xuất hiện trong doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” nhưng việc hỗ trợ của các cơ quan y tế, việc hướng dẫn doanh nghiệp xử lý F0, cách ly F1 còn chậm làm ảnh hưởng đến tâm lý người lao động. Cho nên, các doanh nghiệp ở TP.HCM đang phải gồng mình để thực hiện các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh nhằm duy trì sản xuất bởi nếu ngưng thì sẽ mất khách hàng, mất thị trường.

Một công ty sản xuất “3 tại chỗ” ở Bình Dương bố trí vách ngăn tại nhà ăn để đảm bảo an toàn.

Phát sinh chi phí lớn

Không chỉ là vấn đề dịch bệnh, áp lực tài chính khi thực hiện các giải pháp sản xuất trong bối cảnh hiện nay đã khiến không ít chủ doanh nghiệp cảm thấy mệt mỏi.

Ông Nguyễn Đặng Hiến- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh, có địa chỉ ở huyện Bình Chánh, TP.HCM, cho biết sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” khiến doanh nghiệp phải gánh thêm nhiều chi phí phát sinh như: thuê người nấu nướng để phục vụ cho 280 công nhân của công ty; bố trí chỗ ăn ở; chi phí test nhanh theo định kỳ hàng tuần…

“Khi áp dụng “3 tại chỗ”, chi phí cho sản xuất, kinh doanh đều tăng lên. Chúng tôi thấy được áp lực, căng thẳng của công nhân viên có chiều hướng gia tăng, khi họ xa nhà, xa chồng, xa vợ xa con. Do áp lực tâm lý nên không thể kéo dài được lâu: 2 tuần, 3 tuần, 1 tháng thì được, nhưng nếu hơn 1 tháng đó là vấn đề không đơn giản” – ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Tân Quang Minh cho biết thêm.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc- Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) việc trang bị các điều kiện phòng dịch khiến chi phí của doanh nghiệp đội thêm 50 – 100%. Trong thời điểm mà giá nguyên liệu đầu vào đều tăng thì doanh nghiệp còn phải chi trả thêm 30-50% lương làm ngoài giờ của công nhân ở lại nhà máy làm việc; các khoản lương chi phí hỗ trợ người lao động nghỉ việc.

Khi việc sản xuất rất thấp thỏm thì doanh nghiệp còn phải chịu thêm áp lực về việc hoàn thành giao hàng đúng hạn, nếu không sẽ phải chịu các khoản phạt từ 5-10% giá trị của lô hàng.

Sau một thời gian thực hiện, doanh nghiệp “3 tại chỗ” phát hiện nhiều ca F0 nên phải tạm cách ly.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP cho biết: “Khó khăn về cước tàu tăng, phí lưu kho, lưu bãi tăng, phí ngân hàng tăng, các chi phí trong công ty tăng. 6 tháng đầu năm nay, chúng tôi đối diện với lỗ, chỉ là cố gắng để duy trì sản xuất”.

Đã có không ít doanh nghiệp ở TP.HCM và Bình Dương xin dừng hoặc xin tạm ngưng thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến”. Nguyên nhân là do tình trạng các ca F0 xuất hiện nhà máy, công ty.

Đơn cử như: Công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ Long Việt, ở phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An; Công ty TNHH Timberland, ở phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên; Công ty TNHH Vistarr Sport – KCN Quốc tế Protrade… Còn TP.HCM cũng có 73 doanh nghiệp chọn phương án tạm ngưng hoạt động cho đến khi hết giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Các doanh nghiệp cho rằng, việc thực hiện hai phương án sản xuất chỉ là giải pháp tạm thời, khi các biện pháp giãn cách tại các tỉnh, thành còn kéo dài thì rất khó cho doanh nghiệp có thể duy trì nếu không có biện pháp căn cơ.

Ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai, ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương kiến nghị: “Chúng tôi rất mong khống chế nhanh dịch bệnh bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động và lưu thông hàng hóa được nới lỏng để doanh nghiệp trở lại hoạt động ở trạng thái bình thường mới”.

Bên cạnh liệu pháp vaccine cho doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM còn cho rằng, các địa phương cần có sự nhất quán về chính sách về phòng chống dịch, tránh kiểu một nơi làm một kiểu sẽ rất dễ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng của thị trường. Các ngành chức năng cần biện pháp hỗ trợ về tài chính, gia hạn miễn giảm thuế, gia hạn miễn giảm tiền thuê mặt bằng để doanh nghiệp duy trì sản xuất.

Song song đó, ngành y tế cần có giải pháp hỗ trợ chi phí xét nghiệm Covid-19 hoặc hướng dẫn doanh nghiệp mua bộ test với giá gốc để san sẻ gánh nặng chi phí. Vấn đề mà doanh nghiệp cũng đặt ra đó là nên cân nhắc tạm dừng phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” khi mà giải pháp này đang lộ nhiều bất cập./.

Nhóm PV/VOV-TPHCM

Nguồn: VOV

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới