Thứ Năm, 8 Tháng 5, 2025
Trang chủThời SựQuốc hội bắt đầu sửa luật về tổ chức các cơ quan...

Quốc hội bắt đầu sửa luật về tổ chức các cơ quan tố tụng, thanh tra

Luật Thanh tra sửa đổi theo hướng bỏ thanh tra bộ, sở, huyện. Còn Luật Tổ chức TAND và Luật Tổ chức VKSND sửa đổi, bổ sung đã nêu rõ định hướng tổ chức mô hình 3 cấp gồm tối cao, cấp tỉnh và khu vực.

Ngày 8/5, các dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND; Luật Thanh tra (sửa đổi), được Quốc hội đặt lên bàn nghị sự.

Ba dự án luật quan trọng liên quan đến tổ chức của các cơ quan tố tụng, thanh tra được sửa đổi, bổ sung lần này nhằm thể chế hóa kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025.

Trong đó, mô hình tòa án, VKS được đặt ra theo định hướng bỏ cấp trung gian (cấp huyện) và đề xuất bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan; tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của hai cơ quan này nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Quốc hội bắt đầu sửa luật về tổ chức các cơ quan tố tụng, thanh tra

Các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (Ảnh: Hồng Phong).

Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng nêu rõ yêu cầu  sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra để thể chế hóa các nội dung chủ yếu sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tập trung, thống nhất về một đầu mối theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương.

Dự thảo luật cũng làm rõ, bổ sung quy định cụ thể về cơ chế kiểm soát quyền lực, mối quan hệ công tác của hệ thống thanh tra các cấp, giữa Thanh tra Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, giữa thanh tra tỉnh với các sở, ngành khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn hệ thống các cơ quan thanh tra.

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 09 chương và 64 điều, lược bỏ hoàn toàn quy định để kết thúc hoạt động của thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra sở, thanh tra huyện.

Luật được sửa đổi theo hướng không tổ chức thanh tra chuyên ngành ở các bộ, các sở và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành chuyển sang thực hiện kiểm tra chuyên ngành.

Dự thảo luật lần này cũng bổ sung nhiệm vụ cho các cơ quan thanh tra trong công tác phòng, chống lãng phí; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Thanh tra Chính phủ, bao gồm thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của bộ đối với bộ không có thanh tra bộ.

Về cắt giảm thủ tục hành chính, dự thảo luật lược bỏ 54 điều của Luật Thanh tra năm 2022, cắt giảm trên 40% các thủ tục hành chính trong hoạt động thanh tra. Trong đó điển hình là việc giảm các thủ tục do 12 thanh tra bộ; 5 thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam; 696 thanh tra huyện, 1.001 thanh tra sở và 53 cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND đã sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hệ thống Tòa án theo hướng kết thúc hoạt động của TAND cấp cao và TAND cấp huyện; thành lập TAND khu vực; chuyển các TAND sơ thẩm chuyên biệt thành các Tòa chuyên trách trong TAND khu vực.

Theo đó, mô hình tổ chức hệ thống Tòa án mới gồm: TAND Tối cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND khu vực.

Tương tự, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND được sửa theo hướng tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy VKSND từ mô hình 4 cấp (cấp tối cao, cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện) thành 3 cấp (tối cao, cấp tỉnh và khu vực).

Hoài Thu / Nguồn: dantri.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới