Những thầy thuốc đuổi ma rừng 

Bác sỹ Y Khuyên Êban thăm khám bệnh cho người dân
Bác sỹ Y Khuyên Êban thăm khám bệnh cho người dân
TP - Ở nhiều nơi vùng sâu Tây Nguyên, nhờ có bác sỹ cắm bản, bà con không còn tin vào sự tồn tại của ma rừng, nhờ đó nhiều hủ tục dần biến mất.   

Bác sỹ được tin yêu hơn thầy cúng

Phó trạm trưởng y tế xã Lê Thị Ánh Tuyết vẫn nhớ những ngày đầu đến Dur Kmăl - xã vùng sâu của huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Đồng bào dân tộc còn giữ nhiều tập tục lạc hậu, nhất là trong việc khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh. Tất cả bệnh tật, bà con đều bảo do ma rừng và tin thầy cúng hơn cán bộ y tế.

10 năm trước, cuộc sống của đồng bào còn nhiều thiếu thốn, ăn ở chưa hợp vệ sinh. Sống ở chốn rừng thiêng nước độc, mắc bệnh sốt rét, thương hàn, tiêu chảy, người dân nghĩ do ma rừng nên chỉ biết mời thầy về cúng. Không quản nắng mưa, ngày đêm, chị Tuyết cùng các anh em trong trạm y tế băng suối, vượt đèo đến cùng ăn ở giúp đỡ người dân tạo lòng tin.

Do bất đồng ngôn ngữ nên mỗi lần muốn chữa bệnh cho dân phải có người đi theo làm phiên dịch vận động họ mới chịu dùng thuốc của bác sĩ. Khi khỏi bệnh, người dân còn cho rằng, lúc cán bộ y tế đến, con ma đi vắng không bắt, chứ chẳng phải do được uống thuốc. Lâu dần, hàng trăm ca bệnh được chữa khỏi, người dân bắt đầu có thiện cảm với cán bộ y tế.

“Tôi không nhớ phải mất bao nhiêu thời gian để đuổi ma, nhưng quá trình ấy hết sức gian nan. Được bà con tin tưởng chẳng dễ dàng gì. Nhiều năm qua, trẻ em dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ đạt trên 90%. Người dân đã nâng cao ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe, tự nguyện đến trạm y tế khám khi bị ốm đau, các hủ tục cúng chữa bệnh tại nhà đã dần được xóa bỏ. Giờ thấy bà con tin mình, nghe theo mình, coi mình như người thân, tôi thấy hạnh phúc", chị Tuyết nói.

Bác sỹ Y Khuyên Êban (SN 1989), Trạm Y tế xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin), cho biết, trên địa bàn có 50% đồng bào Tày, Nùng, hơn 100 hộ người Ê Đê, M’nông sống chung cùng người Kinh. Cuộc sống đa phần khó khăn. Mỗi đợt có đoàn y, bác sĩ về xã khám, phát thuốc miễn phí, bà con mong ngóng từ sớm và kéo đến rất đông.

Tại xã Cư Êwi, Hội Thầy thuốc trẻ của tỉnh, Bệnh viện Đại học Tây Nguyên đã khám, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 200 bệnh nhân nghèo. Bà con còn được hướng dẫn cách vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe, chăm sóc con cái...

Mang yêu thương về với buôn làng

Tại Đắk Lắk, “Ngày hội thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” được tổ chức tại 15 huyện, thị xã, thành phố trong tháng 5. Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk và Chi hội Thầy thuốc trẻ tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho 1.970 người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào thiểu số…, tặng 895 suất quà, xây nhà nhân ái. Đây là hoạt động được tổ chức thường niên, có ý nghĩa quan trọng trong công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Ngày hội cấp tỉnh được tổ chức tại xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin).

Bác sỹ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Đắk Lắk, cho biết, các hoạt động của hội thu hút rất đông thầy thuốc trẻ tham gia. Những ngày nghỉ cuối tuần, các y, bác sỹ trẻ lại dành thời gian cùng đoàn đến với buôn làng khó khăn giúp người dân tiếp cận gần hơn với các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe.

Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Đắk Lắk hiện có 14 chi hội với gần 1.000 hội viên (các y bác sỹ trẻ đang công tác tại bệnh viện, trung tâm y tế từ tuyến tỉnh tới tuyến huyện). Năm 2019, Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và các chi hội phối hợp tổ chức được 30 đợt khám bệnh, tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 11.000 lượt người dân có hoàn cảnh khó khăn.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.