Nhiều diện tích rừng thông tại huyện Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai) – nơi từng được giao cho Tập đoàn FLC để triển khai dự án sân golf – đang bị tàn phá nghiêm trọng bởi nạn chặt phá trái phép. Trong khi đó, dự án đã “án binh bất động” suốt nhiều năm, để lại vùng đất hoang hóa không người trông coi.
Dự án “ngủ đông”, rừng bị xẻ thịt
Người dân sống gần khu vực dự án cho biết, từ khi công trình sân golf ngừng thi công, khu vực này gần như không có người quản lý, trở nên hoang vắng vào ban ngày và là điểm nóng của các hoạt động khai thác gỗ trái phép vào ban đêm. Gỗ thông bị cưa hạ và vận chuyển ra ngoài bằng xe máy, thậm chí cả xe tải nhỏ, len lỏi qua các lối mòn trong rừng.

Tình trạng chặt phá kéo dài trong âm thầm, với hàng trăm cây thông bị đốn hạ. Nhiều gốc thông còn rỉ nhựa, thân cây đã bị vận chuyển khỏi hiện trường. Tại hiện trường trong phạm vi dự án, phóng viên ghi nhận cảnh tượng hoang tàn với cành lá, thân cây nằm ngổn ngang, cùng vô số gốc cũ cho thấy quá trình tàn phá đã diễn ra từ lâu.
Dù tại cổng vào dự án có nhân viên bảo vệ trực, phóng viên vẫn dễ dàng ra vào mà không gặp bất kỳ sự kiểm soát nào. Điều này cho thấy lực lượng bảo vệ tại chỗ gần như không hiệu quả trong việc giám sát và ngăn chặn hành vi xâm hại rừng.

Trước đó, ngày 10.4, lực lượng kiểm lâm huyện Đắk Đoa đã mật phục và bắt quả tang một xe tải chở gỗ thông không rõ nguồn gốc rời khỏi khu vực dự án FLC. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện số gỗ đang được xẻ tại nhà ông Nguyễn Trung Kiên (tổ 4, thị trấn Đắk Đoa).
Tang vật thu giữ gồm một xe tải mang biển số 82K-2493, 5 lóng gỗ tròn (0,912m³) và 5 thanh gỗ xẻ (0,246m³), tổng cộng 1,158m³ gỗ thông. Đối chiếu hiện trường, số gỗ này trùng khớp với những cây bị khai thác trái phép trong khu vực dự án.
Ông Nguyễn Trung Kiên khai nhận, số gỗ trên do ông Vũ Văn Hoành (trú tại Tổ 2, thị trấn Đắk Đoa) chở đến thuê xẻ gỗ. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, cả hai không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Hạt Kiểm lâm đã lập biên bản và tạm giữ tang vật để điều tra, xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Đoa cho biết, việc tuần tra, kiểm soát hiện trạng rừng gặp nhiều khó khăn do khu vực đã được giao cho doanh nghiệp quản lý. Mỗi lần kiểm tra, lực lượng chức năng phải gửi văn bản xin phép, gây cản trở và mất tính chủ động.
Sự buông lỏng quản lý, đặc biệt khi dự án không triển khai xây dựng, đã tạo ra những kẽ hở lớn để các đối tượng lén lút khai thác gỗ trái phép. “Nhiều vụ chỉ được phát hiện nhờ mật phục hoặc nhờ người dân báo tin”, ông Sơn chia sẻ.

Trong khi đó, đại diện phía Tập đoàn FLC phụ trách pháp lý dự án cho biết, phần cây cối trong khu vực do người khác quản lý, và việc thiếu lực lượng bảo vệ khiến khó kiểm soát tình hình.
Dự án lớn, kỳ vọng cao nhưng bỏ hoang nhiều năm
Dự án FLC Gia Lai Golf Club & Luxury Resort do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, được khởi công vào cuối năm 2021 với quy mô gần 500ha và tổng vốn đầu tư 3.600 tỉ đồng. Dự án được kỳ vọng trở thành điểm nhấn du lịch – thể thao tại Tây Nguyên, bao gồm sân golf 36 lỗ, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn, trung tâm hội nghị và khu safari mini.

Tuy nhiên, sau lễ khởi công rầm rộ, dự án rơi vào trạng thái “ngủ đông”, không có hoạt động xây dựng thực tế trong nhiều năm.
Việc chuyển đổi hơn 150ha đất rừng sản xuất sang đất phục vụ dự án từng gây nhiều tranh cãi, kéo theo hàng loạt sai phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến kỷ luật một số cán bộ địa phương.
Giờ đây, khu vực từng được kỳ vọng sẽ “thay da đổi thịt” cho địa phương lại trở thành vùng đất hoang hóa, là “điểm mù” trong giám sát, nơi rừng thông bị “xẻ thịt” từng ngày. Những tổn thất về môi trường, tài nguyên và niềm tin từ người dân đang là hệ lụy nhãn tiền từ một dự án treo không lối thoát.
Ngọc Hòa / Nguồn: Báo Văn Hóa