Thứ Năm, 28 Tháng Ba, 2024
Trang chủTin Gia LaiRừng thông tại Đak Đoa tiếp tục bị xâm hại ai chịu...

Rừng thông tại Đak Đoa tiếp tục bị xâm hại ai chịu trách nhiệm?

Thời gian gần đây, thông tại khu vực rừng trồng thuộc địa phận 2 xã Glar và Tân Bình (huyện Đak Đoa) tiếp tục bị người dân đẽo, vạt cây lấy nhựa, lấy ngo (những mảnh vạt gỗ thông có nhựa)để về nhóm lửa bếp.

Lãnh đạo xã Glar kiểm tra cây thông bị người dân đẽo lấy ngo. Ảnh: Lê Nam
Lãnh đạo UBND xã Glar kiểm tra cây thông bị người dân đẽo lấy ngo. Ảnh: Lê Nam

Có mặt tại khu vực rừng thông trồng giáp ranh giữa 2 xã Glar và Tân Bình, chúng tôi tận thấy nhiều cây thông bị một số người dân đẽo lấy nhựa và lấy ngo thông để nhóm lửa. Được biết, rừng thông trồng có tổng diện tích khoảng 200 ha do UBND xã Glar và Tân Bình quản lý. Tại đây, những cây thông bị đẽo hết phần vỏ vào đến lớp “thịt” bên trong. Nhiều cây bị đẽo từ sát đất trở lên khoảng 1-1,5 m. Có vết mới còn đang chảy nhựa, có vết cũ đã khô, có cây bị đẽo sâu khiến cây bị chết khô.

Trực tiếp cùng chúng tôi đi kiểm tra khu vực rừng thông bị xâm hại, ông Sing-Chủ tịch UBND xã Glar-cho biết: Hiện UBND xã đang quản lý 160 ha rừng thông trồng. Tình trạng người dân dùng dao, rựa đẽo cây thông lấy ngo xảy ra từ lâu, nhưng việc này rất khó xử lý dứt điểm. Qua kiểm đếm có 84 cây thông bị đẽo (có 37 cây thông bị đẽo mới).

Lực lượng chức năng xã Glar và Tân Bình kiểm tra khu vực rừng thông bị người dân đẽo lấy ngo. Ảnh: Lê Nam
Lực lượng chức năng xã Glar và Tân Bình kiểm tra khu vực rừng thông bị người dân đẽo lấy ngo. Ảnh: Lê Nam

Theo ông Sinh, UBND xã đã cử lực lượng Công an, Quân sự xã phối hợp với kiểm lâm địa bàn và các thôn, làng để tuần tra, kiểm soát bảo vệ khu vực rừng thông trồng do xã quản lý. Tuy nhiên, đây là khu vực nằm giáp giữa 2 làng Bối và Tuơh Klah đi vào khu sản xuất của người dân. Lúc đi làm rẫy, đi lấy nước, kiếm củi, khi không thấy lực lượng bảo vệ rừng, lực lượng chức năng của xã, người dân đã lén lút đẽo cây thông. Chủ yếu người dân thuộc diện khó khăn nên rất khó xử lý.

“Với trách nhiệm của người đứng đầu, khi để xảy ra việc người dân lén lút vào rừng đẽo thông, xâm hại đến tài nguyên rừng, tôi xin chịu trách nhiệm với cấp trên. Đồng thời, UBND xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân, yêu cầu các hộ dân cam kết không được xâm hại rừng thông. Cùng với đó, tăng cường công tác tuần tra để sớm ngăn chặn, xử lý kịp thời khi có vi phạm”-ông Sing nói.

Nói về tình trạng người dân thường xuyên vào rừng thông lấy ngo, ông Bluk-Trưởng thôn Bối (xã Glar) cho biết: Năm 2021, trong làng có 8 người bị lực lượng Công an xã bắt quả tang đang đẽo cây thông. Sau khi Công an xã xử lý, yêu cầu ký cam kết không được tái phạm thì làng cũng đưa những người này ra kiểm điểm trước dân để răn đe. Trong các buổi họp làng đều lồng ghép nội dung tuyên truyền, nhắc nhở người dân phải bảo vệ, giữ gìn rừng thông để tạo cảnh quan đẹp cho làng, tuyệt đối không được đẽo cây thông làm ngo. “Chúng tôi cũng tuyên truyền nhiều nhưng với phong tục tập quán của người dân lấy ngo thông để nhóm lửa từ lâu đời nên rất khó thay đổi”-ông Bluk chia sẻ.

Còn ông Ngô Bá Vương-Phó Trưởng ban Chỉ huy Quân sự xã Tân Bình thì cho hay: “Mặc dù chúng tôi thường xuyên đi kiểm tra khu vực này, nhưng rừng thông trồng nằm gần khu sản xuất của người dân nên rất khó quản lý. Người dân thường lợi dụng vào rừng thông kiếm củi để đẽo cây lấy ngo. Khi phát hiện thì họ vứt bỏ những mảnh vát gỗ thông vừa đẽo. Do không bắt quả tang nên chỉ có thể nhắc nhở và tuyên truyền người dân không được vi phạm”.

Hàng loạt cây thông bị người dân đẽo lấy ngo. Ảnh: Lê Nam
Hàng loạt cây thông bị người dân đẽo lấy ngo. Ảnh: Lê Nam

Clip: Lê Nam

Theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa, trong lúc tuần tra, kiểm tra rừng thông trồng trên địa bàn xã Tân Bình và Glar, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều cây thông trồng bị đẽo lấy ngo, đường kính gốc lên 15-27 cm. Từ ngày 6 đến ngày 8-4, Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với 2 xã Tân Bình, Glar tiến hành kiểm tra, kiểm đếm số cây bị xâm hại. Qua kiểm tra thực tế có 319 cây thông trồng bị đẽo lấy ngo (119 cây bị đẽo mới, còn lại bị người dân đẽo từ nhiều năm trước). Cụ thể, tại lô 2, 3 khoảnh 7, tiểu khu 518 thuộc lâm phần UBND xã Tân Bình quản lý có 236 cây bị đẽo (52 cây bị khô mục tự ngã, 2 cây tươi bị ngã đổ, 82 cây bị đẽo mới, 83 cây bị đẽo cũ, 17 cây tươi bị đẽo có khả năng chết); 83 cây thông trồng bị đẽo nằm rải rác tại tiểu khu 520 thuộc lâm phần do UBND xã Glar quản lý (37 cây bị đẽo mới, 46 cây bị đẽo từ lâu).

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Sơn-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa-cho biết: Rừng thông trồng từ năm 1990 thuộc địa bàn quản lý của 2 xã Glar và Tân Bình. Rừng thông này đã đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng theo Nghị quyết số 100/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Quyết định số 527/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Quan sát thực tế, thông bị đẽo vào phần thân có chiều sâu khoảng 0,5-1 cm, chiều dài dọc thân từ gốc lên khoảng 1,5 m. “Ngay sau khi sự việc xảy ra, Hạt Kiểm lâm huyện đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với UBND xã Glar và Tân Bình tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tốt khu vực này không để người dân xâm hại tài nguyên rừng. Đồng thời, Hạt Kiểm lâm huyện tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng của huyện tiến hành điều tra, đưa các đối tượng xâm hại rừng ra xử lý theo quy định của pháp luật”-ông Sơn thông tin.

LÊ NAM

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới