Các đại biểu đánh giá Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị sẽ giúp đổi mới tư duy làm luật, gỡ bỏ những chồng chéo về mặt pháp luật, những quy định chung chung…
Hôm nay (16-5), theo nghị trình, một trong những nội dung được Quốc hội thảo luận ở hội trường là dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Nghị quyết này được xây dựng là nhằm thể chế hóa Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội đã xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính; bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng và phát triển ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Qua đó, tạo bước đổi mới đột phá, chiến lược, kịp thời, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bên hành lang Quốc hội kỳ họp thứ 9, nhiều đại biểu bày tỏ ủng hộ sự ra đời cũng như việc sớm phải thể chế hóa Nghị quyết 66, để xây dựng pháp luật thực sự là “đột phá của đột phá”, tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn“.
******

Đại biểu Quốc hội HOÀNG VĂN CƯỜNG (đoàn TP Hà Nội):
Không còn vin vào cớ do luật vướng nên không làm được
Nghị quyết 66 ra đời rất kịp thời trong bối cảnh đang diễn ra kỳ họp 9 của Quốc hội khóa XV. Đây là kỳ họp mà khối lượng luật được đưa ra sửa đổi, bổ sung lớn chưa từng có. Do vậy, nếu không có quan điểm, không có định hướng chỉ đạo thì rất khó để hoàn thành được công việc lập pháp lớn này.
Tôi cho rằng Nghị quyết 66 đã thể hiện rất rõ tinh thần luật chỉ quy định vấn đề chung, mang tính nguyên tắc và nhất quán; không đưa vào luật những vấn đề chi tiết, cụ thể.
Đặc biệt với tinh thần, nguyên tắc của luật như vậy, các địa phương, cơ quan và cán bộ thực thi nhiệm vụ phải năng động, sáng tạo, đưa ra phương pháp hành động phù hợp để công việc đạt được kết quả như mong đợi.
Và trong tương lai, các cán bộ, cơ quan có chức trách giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp cũng sẽ không thể vin vào cớ do pháp luật vướng nên không làm được.
—–

Đại biểu TRƯƠNG XUÂN CỪ(đoàn TP Hà Nội):
Làm đến đâu chắc đến đó
Một trong những mục tiêu của công cuộc cải cách đất nước là không để các điểm nghẽn thể chế kìm hãm sự phát triển, mọi hoạt động đều diễn ra trong khung khổ luật pháp. Do vậy, điều cần làm là xây dựng luật pháp sao cho có hiệu quả, hiệu lực, đi vào thực tiễn đời sống.
Chúng ta đổi mới tư duy xây dựng pháp luật để phá bỏ các “điểm nghẽn của điểm nghẽn” nhưng tôi cho rằng phải có lộ trình. Để thay đổi được nhận thức, thay đổi một phương thức hay thay đổi một quá trình… thì không thể làm nhanh, nóng vội được. Khi đề ra lộ trình thì làm đến đâu chắc đến đó với mục tiêu cuối cùng là để phục vụ cho sự phát triển của đất nước trong tình hình mới.
—–

Đại biểu NGUYỄN QUANG HUÂN (đoàn Bình Dương):
Luật còn chồng chéo, chủ trương lớn khó đi vào thực tiễn
Nghị quyết 66 là một trong bốn nghị quyết chiến lược do Bộ Chính trị ban hành, giúp tạo động lực mới cho phát triển kinh tế – xã hội trong tương lai. Giúp gỡ các “điểm nghẽn của điểm nghẽn” cũng như tạo một hệ thống lớp lang cho vận hành của cả hệ thống chính trị – xã hội.
Tôi cho rằng Nghị quyết 66 rất quan trọng, bởi nếu không đổi mới tư duy làm luật, để luật chồng chéo, quy định chung chung, diễn giải luật thế nào cũng được thì rất khó vận hành. Khi đó những chủ trương lớn sẽ rất khó để thực hiện.
Điều này càng quan trọng hơn khi hiện nay cả nước đang trong giai đoạn sáp nhập tỉnh, thành phố, cơ cấu lại bộ máy hoạt động; mọi hành động đều hướng tới phát triển kinh tế.
—–

Đại biểu BÙI HOÀI SƠN (đoàn TP Hà Nội):
Nghị quyết 66: Thể chế hóa quy định thành kế hoạch, hành động cụ thể
Một trong những điểm nghẽn của chúng ta là thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, luật pháp cũng như kế hoạch hành động trong thực tế.
Do vậy, khi thể chế hóa Nghị quyết 66 thành các kế hoạch hành động cụ thể sẽ giúp khắc phục những điểm nghẽn đang gặp phải. Đồng thời giúp thích nghi, tạo điều kiện để những chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn phát triển mới nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống.
Điều này cũng giúp đất nước sớm đạt được những mục tiêu đề ra, trong đó có hai cột mốc đáng chú ý là năm 2030 và 2045.
Theo đó, đến năm 2030 Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán…
Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước… trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng XHCN vào năm 2045.
Trong sáng 16-5, Quốc hội cũng sẽ thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe trình bày báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 cùng báo cáo kiểm toán, thẩm tra về nội dung này.
Ngay sau đó, các đại biểu thảo luận tại tổ về ba nội dung, gồm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022 của Quốc hội.
Nguồn: plo.vn