Nhiều lý do quan trọng khi Đắk Lắk và Phú Yên sáp nhập, trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh Đắk Lắk mới được đặt tại Buôn Ma Thuột.
Vị trí trung tâm, thuận lợi liên kết vùng
Theo dự thảo đề án sắp xếp tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk có vai trò, vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của vùng Tây nguyên; không chỉ là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh Tây nguyên mà còn nằm trong tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam với nhiều cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư quốc tế.
Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây nguyên, có khoảng cách tương đối đồng đều đến các trung tâm kinh tế của các tỉnh trong vùng và tiểu vùng duyên hải Nam Trung bộ. Buôn Ma Thuột (trung tâm hành chính – chính trị tỉnh Đắk Lắk) có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng nối liền với các tỉnh như: QL14 là tuyến giao thông huyết mạch kết nối với TP.HCM, Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum, giúp thúc đẩy thương mại giữa Tây nguyên và khu vực Đông Nam bộ; QL26 nối Buôn Ma Thuột với Khánh Hòa, mở ra cửa ngõ quan trọng ra Biển Đông.

QL29 cũng tạo liên kết giữa Buôn Ma Thuột với Phú Yên, giúp phát triển du lịch và giao thương giữa miền núi và vùng duyên hải Nam Trung bộ; QL27 kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận, tạo điều kiện cho hợp tác kinh tế và du lịch giữa Tây nguyên và khu vực Nam Trung bộ.
Hệ thống giao thông hiện tại cũng cho phép Buôn Ma Thuột kết nối mạnh mẽ, hiệu quả giữa khu vực Tây nguyên với các cảng biển lớn ở duyên hải miền Trung như cảng Vũng Rô, cảng Quy Nhơn, hay cảng Nha Trang.
Đây là lợi thế lớn giúp Buôn Ma Thuột phát triển mạnh về kinh tế, thương mại, du lịch và logistics; đồng thời đóng vai trò thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong tỉnh mới sau khi hợp nhất.

Cạnh đó, sân bay Buôn Ma Thuột giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối Tây nguyên với các trung tâm kinh tế lớn trên cả nước, với các đường bay đến Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ. Đây là lợi thế lớn giúp thành phố thu hút đầu tư, phát triển thương mại và dịch vụ.
Tiềm lực kinh tế mạnh, đóng vai trò động lực phát triển
Cũng theo đề án sắp xếp tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk có diện tích tự nhiên đứng thứ 4 cả nước, trong đó có gần 5.400 km2 diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Phần lớn là đất bazan màu mỡ, rất phù hợp để phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế, sản lượng cao hàng năm như cà phê, cao su, hồ tiêu, bơ, sầu riêng… Nổi bật nhất là cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành thương hiệu nổi tiếng thế giới. Ngoài các sản phẩm trên, Đắk Lắk còn có thế mạnh về sản xuất ngô lai, mật ong, sắn, mía…
Đắk Lắk có diện tích rừng và trữ lượng gỗ lớn nhất nước, toàn tỉnh có hơn 600.000 ha đất lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, Đắk Lắk có lợi thế phát triển năng lượng tái tạo, với các dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện nhỏ và điện sinh khối đang được triển khai mạnh mẽ. Tỉnh có tiềm năng phát triển hơn 15.000 MW điện gió và điện mặt trời, là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực này. Việc khai thác hợp lý nguồn năng lượng tái tạo không chỉ giúp Đắk Lắk đảm bảo an ninh năng lượng mà còn đóng góp đáng kể vào nền kinh tế xanh, hướng đến phát triển bền vững.
Với thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch sinh thái, Đắk Lắk đang từng bước trở thành trung tâm kinh tế quan trọng của Tây nguyên, đóng vai trò kết nối giữa Tây nguyên với các vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung, Đông Nam bộ và quốc tế.
Đáp ứng quy hoạch và mở rộng không gian phát triển đô thị
TP.Buôn Ma Thuột với vị trí chiến lược là đô thị trung tâm vùng Tây nguyên, được khẳng định trong Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16.12.2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk tầm nhìn đến năm 2045 và nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6.12.2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk được quy hoạch trở thành trung tâm kinh tế – xã hội năng động của vùng Tây nguyên, với nền kinh tế xanh và bền vững. Trong đó, TP.Buôn Ma Thuột được định hướng trở thành đô thị hạt nhân, trung tâm cà phê toàn cầu và điểm đến du lịch hấp dẫn.
Do đó, việc chọn Buôn Ma Thuột làm trung tâm hành chính cho tỉnh Đắk Lắk mới không chỉ là sự tiếp nối truyền thống lịch sử và văn hóa mà còn thể hiện tầm nhìn phát triển bền vững, giúp tỉnh mới khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế quốc gia, thu hút đầu tư và tạo động lực phát triển cho toàn khu vực.
Như Thanh Niên đã thông tin, theo Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14.4.2025 phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên sáp nhập thành 1 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đắk Lắk, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), có diện tích tự nhiên 18.096,4 km2 và quy mô dân số 2.831.300 người.
Theo Trung Chuyên (TNO)