Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024
Trang chủThời SựSau giải cứu, nhà vườn miền Tây ‘vui trở lại’

Sau giải cứu, nhà vườn miền Tây ‘vui trở lại’

Sau đợt giải cứu, các nhà vườn ở miền Tây phần nào thoát khỏi cảnh nông sản rớt giá, ế hàng, dội chợ. Vui nhất là bà con trồng thanh long, dưa hấu khi giá cả nhích lên từng ngày.

Vựa sầu riêng ở huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) chuẩn bị hàng cho container vận chuyển đi tiêu thụ

Hay tin đóng cửa khẩu, bà con “chết đứng”

Khác hẳn với không khí trầm lắng của những ngày đầu và giữa tháng 2, hiện các nhà vườn trồng thanh long, dưa hấu ở miền Tây đã “vui trở lại” sau thời gian điêu đứng vì dịch Covid-19 . Hiện, thanh long có giá 26.000 – 30.000 đồng/kg, dưa hấu khoảng 6.000 đồng/kg là người dân an tâm vì có lời.

Đối với nhiều nhà vườn miền Tây, chưa năm nào giá cả thanh long, dưa hấu lại rơi vào cảnh thê thảm như đầu năm nay. Nguyên nhân là ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19. Nhớ lại thời điểm khó khăn nhất, ông Trần Văn Đức, ở xã Đức Mỹ, huyện Càng Long (Trà Vinh) cho biết, có lúc ông muốn buông xuôi vì thanh long chín rộ mà không ai đến mua, giá cả thì rẻ như cho.

“Vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các cửa khẩu sang Trung Quốc đều khó thông quan. Thương lái Trung Quốc không sang mua hàng. Nông dân chúng tôi trồng thanh long có khoảng 90% sản lượng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Hay tin đóng cửa khẩu bà con ai nấy cũng “chết đứng”.

Theo ông Đức, thời điểm cuối tháng 1, đầu tháng 2/2020, lúc này thanh long cho trái nghịch vụ, hằng năm giá cả đều tăng cao, có lúc hơn 40.000 đồng/kg. Nhưng năm nay không ai thèm mua. Thương lái bặt vô âm tính. Bà con tiếc của nên bỏ công hái trái đem bán lẻ ở các chợ quê hay đem ra bán ven đường quốc lộ. Nhìn đống thanh long to tướng, treo bảng rao bán “3kg giá 10.000 đồng” mà rơi nước mắt.

Không riêng gì ông Đức, bà con trồng thanh long ở tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Long An cũng rất phấn khởi vì giá tăng trở lại. Hiện nay giá thanh long từ 26.000 – 30.000 đồng/kg. Một số nơi lên đến 40.000 đồng/kg.

Với tầm giá này người trồng đã có lãi. Bên cạnh cung ứng cho thị trường xuất khẩu, người trồng hướng đến cung cấp cho thị trường nội địa có nhu cầu tiêu thụ lớn như TPHCM, Hà Nội. Hệ thống các siêu thị, các chuỗi cung ứng trái cây lớn cũng tiếp cận người dân thu mua nông sản, giải quyết tình trạng ế hàng, dội chợ…

Vừa bán xong đợt thanh long, anh Lê Văn Được, ở huyện Càng Long (Trà Vinh) phấn khởi cho biết: “Chúng tôi theo dõi sát tình hình thời sự, đặc biệt là chỉ đạo về nông nghiệp của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp. Hiện một số cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc được tam thời thông quan để vận chuyển trái cây tươi nên tình hình giá cả có khả quan hơn. Tuy nhiên, chúng tôi phải tính toán tới các phương án ổn định hơn về lâu dài. Đó là cung cấp cho thị trường trong nước, đặc biệt là các chuỗi siêu thị, cửa hàng nông sản lớn…”.

Sau đợt giải cứu nông sản, đặc biệt là thông quan cửa khẩu xuất nông sản qua Trung Quốc, nhiều loại trái cây chủ lực như sầu riêng, mít, xoài, ớt… cũng được tăng giá. Đặc biệt là dưa hấu sau khi lao đao vì rớt giá thì hiện giá tăng lên khoảng 6.000 – 7.000 đồng/kg…

Giá dưa hấu hiện nay đã lên 7.000 đồng/kg khiến người trồng bớt lo lắng

Bài học đắt giá từ “giải cứu”

Từ việc trái cây rớt giá thảm hại do cửa khẩu sang Trung Quốc bị hạn chế, nhiều nhà vườn ở miền Tây mới “giật mình”. Con số thống kê cho thấy, chỉ riêng trái thanh long và mít Thái, có gần 90% sản lượng được bán sang Trung Quốc. Hậu quả là khi hạn chế cửa khẩu, các loại trái cây này bị rớt giá thê thảm.

Dưa hấu giá 10.000 đồng xuống còn 1.000 đồng/kg. Thanh long 35.000 đồng/kg còn 5.000 đồng/kg. Mít 60.000 đồng/kg giảm xuống còn 4.000 đồng/kg… Đến lúc khó khăn này, cả nước phải ra tay “giải cứu”.

Từ bài học đắt giá nói trên, có chủ vườn trái cây cho rằng, giờ đây ngoài thị trường lớn Trung Quốc thì người dân cần phải tính đến việc chủ động đa dạng thị trường. Đặc biệt là đối với sản phẩm tươi như thanh long, mít, dưa hấu. Minh chứng là sự vào cuộc, đẩy mạnh tiêu thụ của người dân và hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ lớn trong nước.

Nhờ vậy, giá thanh long, dưa hấu đã tăng cao trở lại. Đây là tín hiệu vui nhưng không được chủ quan, vấn đề đặt ra là sản lượng thu hoạch hầu hết đã được bán ra cách đây nhiều ngày theo các chương trình hỗ trợ, giải cứu. Do vậy, dù giá cả tăng lên cũng chưa chắc đã đủ bù mức thiệt hại vừa qua…

Theo chia sẻ của bà Lê Thị Cẩm Tú, chủ vựa trái cây ở huyện Phong Điền (TP Cần Thơ): “Trái cây tăng giá khiến bản thân tôi và người dân phấn khởi. Nhưng tôi thấy vẫn còn bất cập và lo ngại. Cụ thể là khi trái cây tăng giá thì nhà vườn, thương lái lại tập trung vơ vét hàng xuất khẩu sang Trung Quốc mà ‘bỏ quên’ thị trường nội địa.

Chúng ta không thể coi nhẹ thị trường nội địa với sức mua gần 100 triệu dân. Đây là thị trường còn chưa khai thác hết tiềm năng, sức tiêu thụ còn rất lớn. Quan trọng là khơi thông được khâu liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ”.

Trao đổi về vấn đề giải cứu trái cây, chị Huỳnh Thị Bé Bảy, chủ vựa trái cây ở huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) cho biết, đây không phải lần giải cứu đầu tiên mà đã có nhiều lần giải cứu. Nhất là khi thị trường Trung Quốc gặp vấn đề thì trái cây Việt Nam lại lao đao, lại phải giải cứu. Theo chị Bảy, cần chú trọng vào thị trường nội địa với giá cả, lợi nhuận thấp hơn một chút nhưng bền vững.

“Vựa chúng tôi chỉ trong buổi sáng cung cấp mấy container sầu riêng cho thị trường trong nước. Hiện nay, giá sầu riêng từ 55.000 – 58.000 đồng/kg, có lúc giảm giá, còn từ 40.000 – 50.000 đồng/kg nhưng người trồng vẫn có lời nhờ vào thị trường nội địa”, chị Bé Bảy cho biết.

Quốc Ngữ

Nguồn Giáo Dục Và Thời Đại : http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/sau-giai-cuu-nha-vuon-mien-tay-vui-tro-lai-4067163-b.html

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới