Thứ Ba, 13 Tháng 5, 2025
Trang chủTin Gia LaiSau sáp nhập Gia Lai: Chuyển trung tâm hành chính đến Nhơn...

Sau sáp nhập Gia Lai: Chuyển trung tâm hành chính đến Nhơn Hội, Bình Định có chuyển được cục diện?

Khu kinh tế Nhơn Hội từng là một giấc mơ đẹp của Bình Định. Nhưng sau gần hai thập kỷ, vùng đất rộng hơn 14.000ha ấy vẫn chưa hình thành được một diện mạo kinh tế đúng nghĩa.

“Không ai đánh thức được vùng đất ngủ quên, chỉ bằng một tòa nhà”

Giờ đây, Bình Định đang chuẩn bị thực hiện một bước đi quyết liệt, đưa trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh mới sau khi sáp nhập với Gia Lai, ra Khu kinh tế Nhơn Hội – vùng bán đảo Phương Mai. Liệu sự hiện diện của bộ máy chính quyền cấp tỉnh, có đủ sức thay đổi cục diện một vùng đất đang “ngủ quên”?.

Thực tế, cơ sở hành chính hiện tại ở thành phố Quy Nhơn đang bộc lộ nhiều bất cập: Không gian làm việc manh mún, thiếu đồng bộ và về lâu dài không đáp ứng được yêu cầu vận hành trong bối cảnh cải cách bộ máy nhà nước.

Quyết định đưa trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh mới ra Khu kinh tế Nhơn Hội, gây nhiều chú ý, bởi nó không chỉ là sự thay đổi về không gian hành chính, mà còn hàm chứa kỳ vọng tạo một cú hích phát triển cho cả khu vực.

Về mặt chiến lược, điều này có lý. Trên thế giới, không ít thành phố đã chuyển trung tâm hành chính để khai thông những vùng đất tiềm năng hoặc giảm tải cho đô thị lõi – như Brasilia (Brazil), Putrajaya (Malaysia), hay gần đây là Thủ Thiêm ở TP.HCM.

Sự hiện diện của bộ máy hành chính sẽ kéo theo hạ tầng, dịch vụ, dân cư – những yếu tố tiên quyết để hình thành một đô thị sống động.

Phân lô bán nền tràn lan, để lại những khu đô thị vắng người ở tại Khu kinh tế Nhơn Hội, Bình Định. Ảnh: DT. 1
Phân lô bán nền tràn lan, để lại những khu đô thị vắng người ở tại Khu kinh tế Nhơn Hội, Bình Định. Ảnh: DT.

Tuy nhiên, kỳ vọng cần đi kèm với thực tế. Một trung tâm hành chính hiện đại không thể gánh vác toàn bộ kỳ vọng phát triển cho Nhơn Hội, nếu không có chiến lược tổng thể đi cùng.

Những bất cập kéo dài như: Dự án chậm tiến độ, quy hoạch bất động sản phân lô bán nền không kiểm soát, tình trạng đô thị không người ở, khiếu kiện phức tạp, là dấu hiệu cho thấy vấn đề không nằm ở vị trí địa lý, mà ở cách tổ chức phát triển. Vì sao vùng đất “sát nách trung tâm Quy Nhơn” lại thất bại trong việc thu hút nhà đầu tư xứng tầm. Phải chăng, vấn đề nằm ở cách làm?.

“Chuyển trung tâm hành chính, có chuyển được cục diện?”

Thực tế, đưa bộ máy hành chính “về ở” không chỉ là việc sắp xếp lại không gian quản lý, mà còn là một thông điệp mạnh mẽ: “Chính quyền đi trước, hạ tầng theo sau, dân cư sẽ đến”.

Trung tâm hành chính mới sẽ là “cọc mốc” lớn, đánh dấu sự dịch chuyển trọng tâm phát triển từ trung tâm cũ sang vùng đất từng bị lãng quên. Sự hiện diện của toàn bộ cơ quan đầu não của tỉnh ở đây, không chỉ kéo theo nhu cầu hạ tầng, nhà ở, dịch vụ mà còn khiến các nhà đầu tư nhìn nhận lại giá trị thực của vùng đất này.

Nhưng, không nên quá lạc quan. Một trung tâm hành chính không thể “gồng gánh” cả khu kinh tế rộng 14.000ha, bạt ngàn cát trắng?.

Muốn xóa đi cảnh “bãi cát mênh mông”, Bình Định cần biến trung tâm hành chính mới thành một hạt nhân phát triển đúng nghĩa: Có con người, có hạ tầng, có dịch vụ, có sinh kế. Quy hoạch cần đi cùng thực thi quyết liệt, có kiểm tra giám sát và điều chỉnh kịp thời.

Những khu đất vẫn còn mênh mông cát trắng sau gần hai thập kỷ hình thành Khu kinh tế Nhơn Hội. Ảnh: DT. 2
Những khu đất vẫn còn mênh mông cát trắng sau gần hai thập kỷ hình thành Khu kinh tế Nhơn Hội. Ảnh: DT.

Một trung tâm hành chính chỉ thật sự có ý nghĩa khi nó trở thành hạt nhân của sự phát triển đô thị toàn diện, chứ không phải một “ốc đảo công quyền” đứng giữa vùng đất, còn thiếu sinh khí.

Đặt niềm tin vào một tương lai tươi sáng cho Nhơn Hội là điều dễ hiểu. Nhưng, điều mà người dân và nhà đầu tư chờ đợi, không phải là toà nhà hành chính hoành tráng, mà là sự thay đổi thật sự của một vùng đất – từ quy hoạch “trên giấy” sang không gian sống năng động, hiện đại và sinh lời bền vững.

Một thành phố hiện đại không bắt đầu từ tòa nhà to, mà từ tầm nhìn đủ xa và hành động đủ gần.

Muốn thành công, Bình Định không thể chỉ chuyển bộ máy, mà còn phải chuyển luôn cách nghĩ, cách làm. Cải cách thể chế đầu tư, chấm dứt tình trạng phân lô bán nền tràn lan, xử lý các “di sản quy hoạch treo” và bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân, đó mới là nền móng thật sự của một đô thị sống động.

Nếu làm được, Bình Định không chỉ xóa được “bãi cát mênh mông” trong hình ảnh, mà còn xóa được cả những hoài nghi kéo dài suốt hai thập kỷ qua.

Dũ Tuấn / Nguồn: Dân Việt

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Hai đơn vị ‘truy’ chất cấm trong sầu riêng

Việc "bắt tay" giữa Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Wasi) và Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk nghiên cứu...

Bài Viết Mới